Chấm thi THPT quốc gia: Sửa lỗi bài thi trắc nghiệm, có ảnh hưởng tới thí sinh ?

Chấm thi THPT quốc gia: Sửa lỗi bài thi trắc nghiệm, có ảnh hưởng tới thí sinh ?
HHT - Có hàng ngàn bài thi trắc nghiệm bị lỗi và phải sửa trong quá trình chấm thi. Tuy nhiên, theo những người có trách nhiệm chấm thi ở các trường đại học, việc sửa lỗi không làm thay đổi kết quả bài thi.
Chấm thi THPT quốc gia: Sửa lỗi bài thi trắc nghiệm, có ảnh hưởng tới thí sinh ? ảnh 1
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Văn Phúc kiểm tra khu vực camera tại điểm chấm thi của tỉnh Bến Tre. Ảnh: NHƯ HẠO.

Từ nhầm số báo danh, mã đề thi đến giấy thi không chuẩn

Năm nay, Trường ĐH Khánh Hòa được giao chủ trì chấm thi trắc nghiệm cho tỉnh Ninh Thuận. Tiến sĩ Phan Phiến, Trưởng phòng Đào tạo nhà trường, cho biết đã hoàn tất việc chấm gần 16.000 bài thi. Ông Phiến cho biết, ban đầu có lượng lớn bài thi gặp khó khăn trong khâu nhận diện. Nhưng sau đó, với sự hỗ trợ của tổ phần mềm thuộc Bộ GD-ĐT thì số bài không nhận diện được chỉ còn 211 bài. Việc không nhận diện được có thể từ nhiều nguyên nhân, trong đó có thể do giấy bài thi không chuẩn với phần mềm.

“So với tổng số 16.000 bài thi, số bài không nhận diện được chỉ chiếm số lượng không đáng kể. Chỉ trong hơn 1 ngày, số bài thi này đã được xử lý theo đúng hướng dẫn của quy chế về chấm thi”, ông Phiến nói.

Phân tích về lỗi các bài thi, ông Phiến cho biết có nhiều nguyên nhân. Đa phần lỗi là do thí sinh (TS) tô lộn cột, sai số báo danh hoặc mã đề. Có những bài thi máy không nhận diện được do TS tô mờ, TS bỏ không tô hoặc tô xong rồi xóa chưa hết…

“Đáng chú ý, có những trường hợp 2 TS đều ghi và tô cùng một số báo danh. Trong trường hợp này, khi bài thi đã bị niêm phong, tổ chấm thi phải dò trên danh sách thu bài để tìm ra số báo danh đúng”, ông Phiến cho hay.

Năm nay, Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM chủ trì chấm thi trắc nghiệm tại tỉnh Bình Thuận. Thạc sĩ Phạm Thái Sơn, Giám đốc Trung tâm tuyển sinh nhà trường, cho biết công tác chấm trắc nghiệm đã hoàn tất thủ tục bàn giao kết quả và bài thi cho Sở GD-ĐT để lưu trữ. Theo đó, số bài thi cần sửa lỗi khá ít, chỉ khoảng 100 trong tổng số 31.999 bài thi bị lỗi nhận dạng cần xem xét và xử lý. Các lỗi gặp phải thường do TS tô mờ, mép giấy bị gấp, ô định dạng bị mờ...

PGS-TS Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, cũng cho biết đã hoàn tất việc chấm thi trắc nghiệm tại tỉnh Đắk Lắk từ ngày 7/7. Trong số 60.401 bài thi trắc nghiệm thì số bài thi phải sửa lỗi đến hơn 1.400 bài thi (chiếm khoảng 2% trên tổng số bài thi).
Theo cán bộ chấm thi một trường ĐH tại TP.HCM, bên cạnh các lỗi thông thường, trong khi quét bài thi trắc nghiệm, ban chấm thi đã phát hiện một TS có tên trong danh sách dự thi nhưng trong danh sách thu bài TS không dự thi. Bên cạnh đó, một TS vắng thi nhưng vẫn có tên trong danh sách thu bài. Tuy nhiên, các lỗi này sau khi kiểm tra phát hiện chỉ là do cán bộ coi thi quên gạch tên TS vắng thi hoặc gạch nhầm tên TS.

Có ảnh hưởng thí sinh ?

PGS Trần Văn Tớp, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, đơn vị được giao chủ trì chấm thi trắc nghiệm ở Thanh Hóa, cho biết việc soát cả 4 môn thi do máy thực hiện hoàn toàn, nhằm nhận diện các ảnh đã được quét là bài cũng để thống kê các lỗi của bài thi (nhưng bài thi đã được mã hóa) nên người soát chỉ thấy hiển thị trên màn hình phần lỗi chứ không thấy hình ảnh bài làm.

Trong tổng số hơn 102.000 bài thi ở Thanh Hóa, chỉ có 639 bài thi tô sai số báo danh và mã đề thi (chiếm tỷ lệ rất nhỏ, 0,63%). Tiếp theo là đến công đoạn sửa các lỗi đã soát được. “Sửa số báo danh tương đối dễ. Với mã đề thì phức tạp hơn một chút. Cán bộ kỹ thuật phải tra lại biên bản nộp bài thi, để biết bài thi có số báo danh đó làm mã đề thi nào”, PGS Tớp nói.

Tiếp theo là kiểm tra các bài thi mắc sơ suất tô đúp (tô nhiều hơn 1 đáp án trong 1 câu hỏi). Với những bài này, phần mềm sẽ phát ra tín hiệu cảnh báo. Khi nhận được tín hiệu này, cán bộ sẽ phóng to bài thi để xem có phải TS tô đúp là do tô lại mà chưa tẩy sạch vết tô trước hay tô bừa. “Xử lý cụ thể các lỗi này thế nào Bộ GD-ĐT đã có hướng dẫn rất tỉ mỉ, nhưng tất cả các thao thác xử lý lỗi này đều được ghi về trên phần mềm”, ông Tớp cho biết.

Còn ông Phạm Thái Sơn cho biết sau khi quét và lưu dữ liệu bài thi để báo cáo Bộ, ban chấm thi dưới sự giám sát của thanh tra, an ninh và giám sát tiến hành sửa lỗi, toàn bộ kết quả sửa, biên bản sửa và bản sao cơ sở dữ liệu tại thời điểm sửa được mã hóa để tiếp tục gửi về Bộ. “Việc sửa lỗi này được thực hiện theo đúng các bước trong quy chế hướng dẫn về chấm thi nhằm kiểm tra tính chính xác của kết quả chấm chứ không ảnh hưởng tới bài thi của TS”, ông Sơn khẳng định.

Ông Đỗ Văn Dũng cho biết, năm nay phần mềm báo lỗi nhanh nên cán bộ chấm thi xử lý kịp thời, không ảnh hưởng tới TS.

Công đoạn quét bài mất nhiều thời gian nhất

Hà Nội là địa phương có nhiều TS dự thi THPT quốc gia 2019 nhất cả nước, hơn 74.000 em, và có tổng số hơn 219.000 bài thi trắc nghiệm. Vì Hà Nội có số lượng bài thi lớn như thế nên Bộ GD-ĐT đã phân công 3 trường ĐH thuộc ĐH Quốc gia Hà Nội (Công nghệ; Khoa học tự nhiên; Ngoại ngữ) chủ trì chấm thi trắc nghiệm. Theo Ban Truyền thông - ĐH Quốc gia Hà Nội, ngày 8/7, ĐH này đã hoàn thành việc chấm thi tại Hà Nội, bao gồm hơn 74.000 bài thi môn toán, hơn 65.000 bài thi môn ngoại ngữ, hơn 27.000 bài thi tổ hợp khoa học tự nhiên và hơn 53.000 bài thi tổ hợp khoa học xã hội. Để hoàn thành khối lượng công việc lớn này, ĐH Quốc gia Hà Nội đã bố trí 12 máy chấm, 70 cán bộ được huy động tham gia chấm thi.

PGS Trần Văn Tớp cho biết trường cũng đã chấm thi xong cho tỉnh Thanh Hóa. Trong hơn 9 ngày chấm thi tại Thanh Hóa, công đoạn chiếm nhiều thời gian nhất là scan (quét bài thi). Riêng công đoạn này, 26 cán bộ trường bách khoa làm mất 4 ngày; riêng ngày đầu tiên (quét bài thi môn toán), làm việc liên tục từ 8 giờ sáng đến 8 giờ tối.

Theo thanhnien.vn
MỚI - NÓNG

Có thể bạn quan tâm

ĐT Việt Nam kiểm soát bóng hơn 70% trong trận gặp ĐT Lào, cho thấy điều gì?

ĐT Việt Nam kiểm soát bóng hơn 70% trong trận gặp ĐT Lào, cho thấy điều gì?

HHT - Trong trận đấu ĐT Lào - ĐT Việt Nam ở AFF Cup 2024, những con số thống kê đều nghiêng về phía ĐT Việt Nam, mà ấn tượng hơn cả là tỷ lệ kiểm soát bóng. ĐT Việt Nam kiểm soát bóng đến 73,8% thời gian, vượt trội so với 26,2% của ĐT Lào. Có phải kiểm soát bóng nhiều hơn là tốt hơn, hay con số này có thể nói lên điều gì nữa?