Những kẻ lừa đảo đã khiến rất nhiều người rơi vào cảnh khó khăn không chỉ về vật chất mà còn về tâm lý.
Anh Lin, 26 tuổi, ở Malaysia, chính là một nạn nhân như thế.
Theo trang Sin Chew Daily, anh Lin đã làm việc từ năm 16 tuổi và tiết kiệm tiền từ đó đến giờ.
Từ khoảng tháng 12 năm ngoái, anh Lin bị căng thẳng trong công việc nên mới lên mạng kết bạn để có người tâm sự. Anh quen với một người tên là Fei, luôn lắng nghe anh.
Sau vài tuần quen nhau, Fei không chỉ giúp Lin thấy vui vẻ hơn mà còn sẵn sàng giúp Lin giàu có hơn. Fei bảo có thể dạy Lin kiếm tiền bằng cách bán hàng online.
![]() |
Lin tưởng đã tìm được một người bạn online đáng tin cậy. Ảnh minh họa: iStock. |
Vậy là Lin bắt đầu mở “cửa hàng trực tuyến” bán đồ trang sức trên một nền tảng mà Fei chỉ cho. Lin mừng không kể xiết khi có rất nhiều đơn đặt hàng, chỉ thấy hơi lạ là mình không thể rút tiền lời về.
Thế rồi nền tảng online đó thông báo Lin phải trả một vài khoản phí nhỏ để “mở khóa” tài khoản, lấy tiền về.
Lin làm theo.
Nhưng tiền vẫn chưa được rút về mà Lin cứ phải nộp các khoản phí. Cho đến khi nhận ra rằng mình bị lừa thì Lin đã chuyển đi hơn 100.000 ringgit (gần 570 triệu đồng). Lin vội báo cảnh sát. Khi phía cảnh sát thông báo rằng chưa điều tra được gì, Lin đã gục xuống khóc ngay ở đồn.
![]() |
Chiêu thức lừa đảo tưởng đơn giản đến đâu vẫn có thể khiến nhiều người mắc lừa. Ảnh minh họa: Getty. |
Điều đáng nói là trước đó Lin đã bị chẩn đoán mắc chứng trầm cảm. Bố mẹ già của anh đang cố gắng tiết kiệm từng đồng để anh điều trị. Rồi giờ đây, khi bị lừa hết tiền để dành, Lin lại bị rối loạn tâm lý sau tổn thương, nên tình trạng càng nặng nề, luôn chán nản, buồn bã.
Các cơ quan chức năng ở châu Á gần đây luôn nhắc nhở người dân cảnh giác với những chiêu trò lừa đảo qua mạng, qua gọi điện. Hình thức lừa đảo rất đa dạng, chủ yếu liên quan đến việc làm, dịch vụ công, tình cảm. Cảnh sát các nước thường nhấn mạnh quan điểm, nếu cái gì đó đem lại lợi lộc cho mình một cách dễ dàng đến mức khó tin, thì tốt nhất là không nên tin.
![]() |