Luôn có ranh giới rất mơ hồ giữa sự kiên trì và cố chấp, giữa lòng nhiệt thành theo đuổi ước mơ với sự thiếu thực tế đến kỳ quặc.
Tang Shangjun, năm nay 33 tuổi, ở Quảng Tây (Trung Quốc), là người dường như đứng ở đúng đường ranh giới đó, khiến cư dân mạng Trung Quốc đang tranh cãi nảy lửa.
Ai cũng biết kỳ thi vào đại học ở Trung Quốc (gaokao) vô cùng khốc liệt, thí sinh đi thi một lần đã muốn “tẩu hỏa nhập ma”. Ấy thế mà Tang đi thi những 13 lần, suốt 13 năm, để cố vào được ngôi trường danh giá là Đại học Thanh Hoa, một trong những trường đại học tốt nhất Trung Quốc (đứng thứ 17 trên thế giới và thứ 3 ở châu Á theo Bảng xếp hạng Đại học QS 2022).
Tang Shangjun. Ảnh: Baidu. |
Công sức ôn luyện của Tang cũng được thể hiện qua kết quả thi: Mỗi năm, điểm gaokao của anh lại cao hơn một chút, khiến anh càng hy vọng rằng mình sắp đỗ vào ĐH Thanh Hoa. Tuy nhiên, năm nay, điểm của Tang thấp hơn những năm trước, khiến anh chỉ đỗ vào ĐH Quảng Tây.
Tang nói, việc anh học ở ĐH Quảng Tây chỉ là tạm thời thôi, chứ năm sau anh vẫn thi tiếp để cố đỗ vào ĐH Thanh Hoa. Anh chia sẻ: “Tôi khá căng thẳng, hy vọng rằng kỳ gaokao năm sau sẽ là kỳ gaokao cuối cùng mà tôi phải tham dự”.
ĐH Thanh Hoa là một trong những trường tốt nhất Trung Quốc. Ảnh: China Dragon. |
Năm nay có lẽ hơi nhiều tuổi rồi nên Tang mới chấp nhận vào ĐH Quảng Tây “học tạm”, chứ những năm trước, anh rất kiên định với mục tiêu của mình. Anh đã từng đủ điểm vào 2 trường khác cũng thuộc hàng top, nhưng đều không theo học.
Tang kể rằng, năm 2009, khi thi gaokao lần đầu, điểm của anh cực kém, chỉ đỗ vào những trường hạng thấp. Nên Tang quyết định không vào trường nào mà tiếp tục học để thi. Đến năm 2016, Tang đủ điểm vào ĐH Khoa học Chính trị và Pháp luật Trung Quốc, một trường hạng cao. Học được ít lâu, Tang dừng lại vì “giấc mơ Thanh Hoa” lại trỗi dậy.
Học sinh Trung Quốc luôn phải ôn tập rất căng để thi gaokao. Ảnh: Radiichina. |
Trong suốt thời gian học và thi, Tang cũng làm gia sư, đôi khi đi giao thức ăn để kiếm thêm tiền. Anh nói mình không hối hận khi đi thi nhiều năm như vậy, mặc dù anh thừa nhận: “Dù sao, đôi khi tôi nghĩ nếu tôi đi làm thì nhà tôi không đến nỗi nghèo thế này. Giờ tôi chẳng có gì và cũng rất khó đi làm gì”. Tuy nhiên, cha mẹ Tang vẫn tự hào về sự kiên trì của con mình.
Câu chuyện của Tang đã được xem đến 190 triệu lượt. Cư dân mạng Trung Quốc viết những bình luận trái ngược nhau, như:
“Tôi nghĩ chúng ta nên tôn trọng lựa chọn của anh ấy. Chúng ta đâu ở vị trí có thể đánh giá rằng việc anh ấy làm có là xứng đáng hay không”.
“Anh ta không biết rằng cả thời gian lẫn cơ hội trong cuộc sống đều có giới hạn à?”.
Các bậc phụ huynh đứng chờ bên ngoài một trường trung học trong khi con đang thi gaokao. Ảnh: Kevin Frayer/ Getty Images. |
Riêng ông Xiong Bingqi, giám đốc Học viện Nghiên cứu Giáo dục Thế kỷ 21, thì nhận định rằng trường hợp của Tang là tiêu cực chứ không đáng tự hào, bởi nó cho thấy nhiều học sinh tự tạo sức ép nặng nề cho mình và cho rằng nhất định phải vào trường đại học hàng đầu, rồi tưởng rằng đã vào được những đại học đó thì chẳng cần cố gắng mấy mà cũng dễ thành công trong cuộc sống.
Hiện Tang không phản hồi khi báo chí gửi câu hỏi.