Chào bạn, "công dân toàn cầu" thế hệ 2.0!

Chào bạn, "công dân toàn cầu" thế hệ 2.0!
HHT - Nếu trước đây khái niệm “công dân toàn cầu” dùng để chỉ những người sống và làm việc ở nhiều quốc gia khác nhau, thì thế hệ 2K đang làm thay đổi định nghĩa này.

Sống dưới mái nhà mình, lên kế hoạch “cứu thế giới”

Nếu như trước kia “công dân toàn cầu” được xác định bằng tấm hộ chiếu dày đặc dấu visa thì giờ đây, bạn chẳng cần đi đâu xa để được công nhận là một công dân không biên giới. Dấu chân của bạn không nói nhiều về tầm vóc của bạn bằng những suy nghĩ và hành động bạn đang nỗ lực đóng góp để giải quyết các vấn đề toàn cầu.

Không phải chỉ những công dân ở đất nước đang xung đột mới tham gia giải quyết câu chuyện chiến tranh; không phải chính mình là nạn nhân mới hành động chống nghèo đói, ô nhiễm môi trường... Thế hệ teen 2K tận dụng những kết nối toàn cầu để “cứu thế giới” bằng nỗ lực của chính mình, dù mái nhà của họ ở bất cứ điểm nào trên mẹ Trái Đất.

Chào bạn, "công dân toàn cầu" thế hệ 2.0! ảnh 1

Chẳng cần phải có một cuốn hộ chiếu thật “sang chảnh”, bạn là công dân toàn cầu nếu bạn đang nhìn vượt ra đường biên giới của đất nước mình, tham gia giải quyết những vấn nạn chung của đất nước cũng như toàn thế giới!

Đức Dalai Latma nói chúng ta không cần những người thành công nữa. Chúng ta cần những người kiến tạo lại những gì đã bị chính chúng ta hủy hoại. Những người bảo vệ hòa bình và công lý. Những người sáng tạo cuộc sống của mình và góp phần vào xã hội một cách tích cực nhất.

Catherine Yến Phạm - chuyên gia giáo dục chia sẻ về sứ mệnh của những “công dân toàn cầu” thế hệ thứ 2: “Họ là những người biết học cách đối diện với chiến tranh nên biết kiềm chế và chuyển hóa cảm xúc tốt, học cách đối diện với đói nghèo nên biết cách kiếm tiền để cho mình và cho đi, học cách yêu thương thiên nhiên nên biết ý thức trong từng hành vi để bảo vệ môi trường sống. Vì biết tôn trọng người khác thì sẽ biết giữ gìn hòa bình, biết làm ra để mà cho đi thì không thể nghèo đói, biết trân trọng thiên nhiên sẽ không làm tổn thương đến môi trường”.

Chưa khi nào teen Việt sôi nổi tham gia vào các vấn đề toàn cầu như thế. Những bạn trẻ 2K “hào hứng” thắt nơ, mặc vest, trở thành những đại biểu Mô phỏng Liên Hợp Quốc (MUN), bàn bạc về các vấn đề nóng hổi trên thế giới từ châu Á đến châu Phi. Cô bạn 17 tuổi Khuất Minh Thu Giang đến từ Hà Nội sáng lập hội thảo MUN lớn nhất Việt Nam, là đại biểu Lãnh đạo trẻ châu Á - Thái Bình Dương, Harvard MUN tại Trung Quốc 2015, đã bắt đầu từ việc vận động gây quỹ cho Tổ chức phẫu thuật nụ cười tại chính ngôi trường của mình (và thu về 80 triệu đồng).

Chào bạn, "công dân toàn cầu" thế hệ 2.0! ảnh 2

Thu Giang giữ vị trí Tổng thư ký hội nghị Mô phỏng Liên Hợp Quốc Việt Nam năm 2015 và 2016.

Bạn Đoàn Ngọc Phương Trinh, 19 tuổi tại TP.HCM, vượt qua 5.000 ứng viên để được mời dự Global Peacebuilding and Social Development Summit (mô hình Hội nghị thượng đỉnh Xây dựng hòa bình và Phát triển xã hội dành riêng cho giới trẻ) tại Ma-rốc. Tại đâu, Trinh gặp những “công dân toàn cầu” đầy ấn tượng: Bạn Elizabeth (Zimbabwe) mang đến dự án “Tiếng nói của châu Phi”; bạn Bochra (Morocco) 20 tuổi nhưng đã sáng lập nhiều dự án và là một trong hai nữ nghệ sỹ kể chuyện đầu tiên của nước này, hay bạn Guler (Pháp) bị mù bẩm sinh nhưng đã là diễn giả của rất nhiều hội nghị quốc tế và có một cuộc sống muôn màu theo cách của bạn…

Ngay trong cộng đồng teen thành phố chúng ta đang sống thôi, rất nhiều những tổ chức do teen tự sáng lập đang “gieo mầm” mạnh mẽ cho phong trào sống xanh, sống có trách nhiệm: Kêu gọi nhau bảo vệ Tê giác qua chiến dịch WildAid, phát minh ra những cỗ máy “lọc nước” sạch... Sugar - một trong những tổ chức tình nguyện lớn nhất TP.HCM - lãnh đạo bởi “đoàn quân áo trắng” toàn teen trung học, mang hơi ấm đến cho các em nhỏ cơ nhỡ, những người nhiễm HIV bị xã hội kỳ thị bằng ánh sáng của tình thương. Các bạn hiểu biết về những khác biệt giới tính, ủng hộ những màu sắc khác nhau qua VietPride, tập bảo tồn bản sắc dân tộc khi tổ chức các workshop “gìn giữ nghề truyền thống” siêu vui như làm lồng đèn giấy kiếng Trung Thu vừa rồi.

Chào bạn, "công dân toàn cầu" thế hệ 2.0! ảnh 3

Buổi đạp xe diễu hành có sự tham gia của đông đảo thành viên cộng đồng LGBT Việt Nam.

Những “công dân toàn cầu” thế hệ mới thay đổi thế giới từ những đóng góp nhỏ cho cộng đồng của mình, thành phố của mình. Nhận thức về cộng đồng xung quanh dẫn bạn tới nhận thức về thế giới, từ đó nhận thức về việc mình là ai, mình phải làm gì với thế giới trong tương lai.

Chào bạn đến với thế giới “phi vật chất”!

Vậy tại sao, định nghĩa về công dân toàn cầu lại đổi thay như vậy? Đó chính là vì, trong thế giới hôm nay, việc bạn có tiền không nói lên rằng bạn là người hạnh phúc. Nhưng nếu bạn được sống trong một xã hội tốt hơn, yên bình hơn, thì bạn chắc chắn sẽ vui vẻ hơn! Đó cũng chính là lý do tại sao trong những năm qua, người ta ít nói dần đi về việc dân số nước đó kiếm ra được bao nhiêu tiền một năm, mà quan tâm đến cái gọi là “tổng hạnh phúc quốc dân”. Bhutan - một nước không giàu, nhưng hạnh phúc thuộc loại nhất thế giới - đã thu hút một lượng khách du lịch đáng kể, so với Singapore - nơi rất giàu nhưng người dân thường “báo cáo” về trầm cảm nhiều hơn hẳn.

Chào bạn, "công dân toàn cầu" thế hệ 2.0! ảnh 4

Chứng tỏ càng ngày con người càng chú trọng hơn đến đời sống xã hội chứ không còn “trọng” vật chất như vài thập kỷ trước. Đặc biệt, tính đến thế hệ 2K hôm nay, teen đã được “thụ hưởng” một nền văn hoá vô cùng cởi mở, khiến cho các bạn có quyền lựa chọn vươn lên sống vui, sống thú vị, sống hạnh phúc, sống bình đẳng... chứ không chỉ là “ấm no” như thời ông bà.

Hôm nay, nghe tin một người “làm ăn phát đạt”, với tin tức một người “chuyển giới” cuối cùng cũng được sống đúng với giới tính của mình, thế hệ trẻ sẽ vui hơn rất nhiều cho niềm vui “phi vật chất”. Cũng theo cô Catherine Yen Pham  thì: “Khác ngày xưa, mọi người chỉ quy đổi ra lợi cho mình và lợi cho người. Đối với thế hệ trẻ hôm nay, mọi việc làm đều có ba cái lợi: Lợi cho mình, lợi cho người khác, và cả lợi cho “mọi người”. Nếu chỉ chọn cái lợi cho mình thì là ích kỷ. Nếu chọn lợi cho mình và cho người khác, cũng không được, chung tay “tàn phá thế giới” thì sao? Nên hôm nay, cái cuối là cái chủ chốt nhất. Xu hướng chung chính là quan tâm đến cái lợi cho tất cả mọi người”. 

Nên khái niệm “công dân toàn cầu” từng nói đến những người vươn mình ra biển lớn với những dự án tỷ đô, những công việc vi vu qua nhiều quốc gia cho những tập đoàn toàn cầu, đã chuyển thành những người có nhận thức và muốn đấu tranh cho một thế giới tốt đẹp hơn, an toàn và cùng nhau phát triển bền vững.

Teen làm gì trong bức tranh toàn cầu

Chào bạn, "công dân toàn cầu" thế hệ 2.0! ảnh 5

Phạm Hoài Chung - Thạc sĩ Giáo dục Đại học Harvard từng nói trong một workshop về du học: “Các trường đại học Mỹ không lựa chọn sinh viên cho ngày hôm nay. Tất cả những gì mà họ lựa chọn đều là để có kết quả được cho 20 năm sau! Hôm nay họ chọn bạn, tức là họ đã hình dung ra được với bạn, 20 năm sau nước Mỹ có thể trở nên thế nào!”.

Bắt đầu tiếp cận thế giới xung quanh dưới những góc nhìn quốc tế, đặt mình vào hoàn cảnh của nhân loại càng sớm, có nhận thức về xã hội càng sớm, thì 20 năm sau, thế giới này sẽ trở nên thật rộng mở, tràn đầy niềm tin và hy vọng cho chính chúng mình! Bởi, trong suốt 20 năm, nó đã được dựng xây bởi một thế hệ trẻ tâm huyết cho cả mình và 7 tỉ người trên Trái Đất. 

Bạn sẽ làm gì trong tương lai? Có thể bạn sẽ trở thành một nhà lãnh đạo đất nước, một người lãnh đạo công ty, hay chỉ đơn giản là một người “đầu tàu” cho gia đình tương lai, lãnh đạo một “thế hệ teen mới” sau này... Thế nhưng, dù là với vai trò gì, điều quan trọng hơn cả là, chúng ta phải làm tất cả những điều đó với niềm tin về một xã hội, một tương lai tốt đẹp hơn.

PHƯƠNG TRINH - CẨM NHUNG
Ảnh: Internet

MỚI - NÓNG

Có thể bạn quan tâm