Những “người khổng lồ” muốn về với “đội của bạn”!
Thế giới gọi kỷ nguyên này là purpose-driven generation (một thế hệ được thôi thúc bởi mục đích). Các bạn trẻ chọn những công việc mà ở đó họ cảm thấy được ý nghĩa của tất cả những gì mình làm, hơn là tiền lương.
Theo một khảo sát toàn cầu với hơn 26.000 tài khoản LinkedIn của Imperative, 74% các bạn trẻ ưu tiên một công việc tạo ra được một giá trị sống nhất định hơn là mức lương. Còn theo Deloitte’s Milennial Survey, 6/10 người trẻ nói rằng mục đích là điều mà họ tìm kiếm ở một công ty tiềm năng. “Thế hệ trẻ chọn lựa công việc không chỉ với những phúc lợi hay cơ hội thăng tiến mà công ty mang lại, mà còn chọn dựa trên việc công ty đó có thể đóng góp cho sự phát triển của con người và xã hội như thế nào” - Barry Salzberg, CEO của Deloitte Global nhận định.
Và để đón đầu thời đại này, các tập đoàn lớn thậm chí thay đổi cách thức vận hành của công ty để thu hút nguồn nhân lực trẻ. Đi đầu trong công cuộc thay đổi chính là Unilever - một tập đoàn với hơn 400 thương hiệu sản phẩm gia dụng. Với phương châm Making sustainable living commonplace (Khiến cho những lối sống bền vững trở nên thông dụng), Unilever đã dùng nó để truyền cảm hứng và thu hút những người trẻ về với mình.
Nghiên cứu của Kendall Cotton Bronk (nhà tâm lý học lĩnh vực phát triển con người tại trường Claremont Graduate University) chỉ ra bốn đặc tính của “sống có mục đích”: Dedicated commitment (sự gắn bó một cách tận tâm), personal meaningfulness (cảm thấy bản thân có ý nghĩa), goal directedness (có một mục tiêu nhất định và làm việc theo mục tiêu ấy), và a vision larger than one’s self (một tầm nhìn lớn hơn cả bản thân mình).
“Phần thưởng” cho các “siêu nhân”
Việc sống có mục đích khiến chúng ta giảm nguy cơ gặp phải rối loạn tự vấn tâm lý - trạng thái mà chúng ta có những cuộc đối thoại tiêu cực trong đầu và không tìm thấy lối ra. Sống theo mục đích khiến chúng ta bớt đặt bản thân làm trung tâm, cảm thấy mình là một phần của điều gì đó lớn lao hơn, trách nhiệm hơn. Và chúng ta biết ước mơ cũng như hy vọng tích cực hơn.
Đồng thời, có mục đích khiến cho self-esteem (giá trị của bản thân) tăng lên rất nhanh. Như một mũi tên được bắn ra, chúng ta kiêu hãnh ngẩng cao đầu lao tới mục tiêu đã định. Đó là lý do mà bạn luôn có thể nhìn thấy sự tự tin ở những con người như Mark Zurkerberg hay Steve Jobs.
Cuối cùng, mục đích tạo ra động lực cho chúng ta vượt qua tất cả những khó khăn trong cuộc sống. Vì sao J.K Rowling dù bị hàng chục nhà xuất bản từ chối, bà vẫn kiên trì với Harry Potter? Vì sao Enimem trưởng thành trong một khu ổ chuột nhưng vẫn trở thành một tay rapper nổi tiếng thế giới? Không có mục đích, sẽ chẳng có thành công nào tồn tại cả.
Đây là một thời đại của những con người hành động vì mục đích. Trong cuộc cách mạng 4.0, khi mà chỉ vài năm nữa, tự động hoá sẽ thay thế hầu hết các công việc hiện tại, thì việc sống có mục đích phân biệt chúng ta với những robot được lập trình và định vị bạn là ai trong xã hội này.
Hành trình đi tìm mục đích
Nghiên cứu của tổ chức Greater Work đã chỉ ra, một trải nghiệm đủ lớn để giúp bạn tìm ra mục đích của mình sẽ gồm ba yếu tố then chốt: (1) Sự kiện trọng đại trong cuộc đời bạn, (2) giúp đỡ người khác bằng một cách ý nghĩa, (3) thay đổi môi trường sống.
Dù mỗi người sẽ có một trải nghiệm khác nhau, tuy nhiên, khảo sát chung cho thấy bạn sẽ tìm ra được mục đích của mình thông qua bốn hoạt động bên dưới:
1/ Đi tới một quốc gia khác.
2/ Dành thời gian kết nối với môi trường tự nhiên.
3/ Tham gia vào một dự án xã hội ý nghĩa.
4/ Dành thời gian để suy nghĩ về những gì đã xảy ra trong cuộc sống.
Trong thời đại mà công nghệ tràn ngập, việc bạn tắt một vài thiết bị và tập trung kết nối với bản thân và người khác có thể tạo ra hiệu quả rõ ràng cho cuộc sống của bạn.
Sống chậm lại, và tự hỏi bản thân: Bạn ĐANG làm tất cả mọi thứ vì cái gì, và bạn SẼ làm tất cả mọi thứ vì cái gì? Khi đã có mục đích, bạn nhất định sẽ thành công với lựa chọn của chính mình.
TANPOPO ĐOÀN PHƯƠNG LINH