Mấy ngày gần đây, Ấn Độ liên tục có số ca nhiễm mới tính theo ngày là trên 400.000 ca. Đã có hơn 234.000 người tử vong vì COVID-19, theo những con số được báo cáo.
Nhưng số ca nhiễm mới không chỉ tăng lên ở Ấn Độ mà còn ở các nước xung quanh họ và thậm chí là các nước cách xa hơn một chút, như ở Đông Nam Á, khiến một số nước phải kêu gọi sự trợ giúp của quốc tế.
Nhân viên y tế ngồi nghỉ sau khi hỏa táng bệnh nhân COVID-19 ở Noida (Ấn Độ). Ảnh: PTI. |
Maldives
Hôm đầu tuần, đất nước này đã lập kỷ lục về số ca nhiễm mới trong một ngày: 601 ca. Với nền kinh tế phụ thuộc chủ yếu vào du lịch, sẽ rất khó khăn nếu Maldives đóng cửa biên giới.
Nhưng trong tình hình số ca nhập viện vì COVID-19 tăng gấp 3 (được thông báo vào đầu tuần), Maldives đã phải áp dụng lệnh giới nghiêm từ 9 giờ tối đến 4 giờ sáng ở khu vực đông dân nhất. Trong khoảng thời gian đó, người dân chỉ được ra ngoài nếu có việc rất cần thiết, hoặc có giấy phép của cảnh sát.
Nhân viên y tế ở Maldives. Ảnh: Sun Online. |
Nepal
Tại Nepal, tình hình đang ngày càng giống Ấn Độ, với số ca nhiễm mới tăng vọt, các bệnh viện hết chỗ và những lời kêu gọi giúp đỡ.
Tuần trước, 44% số ca xét nghiệm COVID-19 ở Nepal có kết quả dương tính, theo các con số của Chính phủ Nepal đưa ra. Tiến sĩ Netra Prasad Timsina, Chủ tịch Hội Chữ thập Đỏ Nepal, nói: “Làn sóng COVID-19 mới nhất đang lấy thêm mạng người, tính theo phút”.
"Mô hình" của Nepal giống của Ấn Độ "một cách lạnh người". Ảnh: CNN. |
Sri Lanka
Đất nước này có số ca nhiễm mới tăng nhanh từ giữa tháng 4. Hôm qua, Sri Lankda ghi nhận 1.895 ca nhiễm mới, gấp gần 5 lần số ca nhiễm mới trong một ngày vào hồi đầu tháng trước. Đất nước có 21 triệu dân này đã đóng cửa trường học, phong tỏa hơn 100 khu vực nhưng dường như vẫn chưa ăn thua.
Tuy ở gần Ấn Độ, nhưng các ca nhiễm ở Sri Lanka lại chủ yếu mang biến thể B.1.1.7 (còn gọi là biến thể ở Anh). Hôm thứ Năm, Sri Lanka đóng biên giới với Ấn Độ.
Người dân Sri Lanka đứng bên ngoài một bệnh viện để chờ được xét nghiệm COVID-19. Ảnh: Eranga Jayawardena/ AP. |
Thái Lan
Sau khi kiểm soát được làn sóng thứ hai vào cuối năm ngoái, giờ Thái Lan đang cố chống chọi với làn sóng thứ ba, khi số ca nhiễm và tử vong tính theo ngày đã lên tới mức chưa từng có tiền lệ.
Cuối tháng 3, Thái Lan có tổng số gần 29.000 ca nhiễm. Chỉ trong 5 tuần, con số đó tăng hơn gấp đôi, vượt mốc 76.000 ca. Riêng hôm qua, Thái Lan có 1.911 ca nhiễm mới. Các nhà chức trách ở đây đã dựng các bệnh viện dã chiến, cố gắng hạn chế sự lây lan trong cộng đồng.
Một bệnh viện dã chiến dành cho bệnh nhân COVID-19 (trước đó là sân vận động) ở Bangkok (Thái Lan). Ảnh: CNN. |
Campuchia
Là một trong những nước có số ca nhiễm COVID-19 thấp nhất thế giới, nhưng Campuchia cũng đang ghi nhận số ca nhiễm mới tăng lên nhanh chóng. Hôm thứ Năm, họ có 650 ca mới và 4 ca tử vong, theo dữ liệu của ĐH Johns Hopkins. Hồi giữa tháng 4, WHO đã cảnh báo rằng Campuchia “ở trên bờ vực của một thảm họa quốc gia”, nếu không nhanh chóng chặn những đợt bùng phát mới, với nhiều ca nhiễm biến thể virus của Anh.
Mọi người xếp hàng chờ tiêm vắc-xin COVID-19 ở Phnom Penh (Campuchia). Ảnh: CNN. |
Indonesia
Đầu tuần này, Bộ Y tế Indonesia đã xác nhận 2 bệnh nhân mang biến thể B.1.617 của Ấn Độ. Đất nước với 270 triệu dân này đã ghi nhận số ca nhiễm trung bình là khoảng 5.000 ca/ ngày trong một tuần vừa rồi. Trước tình hình này, Chính phủ Indonesia đã cấm mọi việc đi lại trong nước từ 6/5 đến 17/5, bao gồm đi lại bằng ô tô, xe máy, xe buýt, tàu, phà, máy bay…
Những bệnh nhân tử vong vì COVID-19 ở Indonesia đang được chôn cất ở Bắc Sumatra (Indonesia). Ảnh: CNN. |
Alexander Matheou, Giám đốc Khu vực của Liên đoàn Chữ thập Đỏ và Hiệp hội Trăng lưỡi liềm đỏ Quốc tế (IFRC) đã cảnh báo: “Chúng ta phải hành động ngay và hành động nhanh thì mới có hy vọng kiểm soát được thảm họa này. Con virus này không quan tâm đến các đường biên giới và các biến thể của nó đang hoành hành khắp châu Á rồi”.