Thành phố Syracuse (Sicily, Ý) vừa báo cáo về mức nhiệt độ được coi là cao nhất từng được ghi nhận ở châu Âu: 48,8oC, vào ngày hôm qua (11/8). Trước đây, mức nhiệt độ cao nhất được ghi lại ở châu lục này là 48oC tại Athens (Hy Lạp) vào năm 1977.
Con số 48,8oC được đưa ra bởi Hệ thống Thông tin Nông nghiệp Khí tượng Sicily (SIAS), tuy nhiên chưa được xác nhận độc lập bởi Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO). Sau khi được WMO xác nhận thì con số kỷ lục này mới được chính thức công nhận.
Cơ quan Khí tượng của Anh cũng vừa đưa cảnh báo rằng sau nước Ý, đợt nóng có thể tràn tới Anh. Ảnh: Cơ quan Khí tượng Vương quốc Anh. |
Mức nhiệt độ kinh khủng ở Sicily xuất hiện trong thời điểm một đợt nóng đang gây ra nhiều trận cháy rừng lớn ở Ý, Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ, thiêu trụi nhiều cây cối, có nguy cơ đốt cháy nhiều nhà cửa và đã khiến một số người thiệt mạng (chưa có con số chính xác).
Trên trang Facebook của mình, SIAS nói, mức nhiệt ngày hôm qua là nhiệt độ cao nhất từng được ghi nhận trên toàn bộ hệ thống của họ, kể từ khi hệ thống đi vào hoạt động năm 2002.
Dịch vụ Khí tượng của Không quân Ý thì nói hôm qua họ không ghi nhận mức nhiệt độ kỷ lục thế này, nhưng vì các trạm của họ ở những vị trí khác, nên họ cũng không chắc chắn.
Cháy rừng lan rộng ở Sicily. Ảnh: AP. |
Về con số 48,8oC, ông Francesco Italia, Thị trưởng của Syracuse, nói với tờ La Repubblica rằng, mức nhiệt này “khiến chúng tôi lo lắng”.
Nhiệt độ cao bất thường ở châu Âu xuất hiện chỉ vài ngày sau khi có báo cáo rằng, sự nóng lên toàn cầu đang ở sát mức “ngoài tầm kiểm soát”, mà lý do không thể chối cãi chính là các hoạt động của con người.
Theo báo cáo mới của Ủy ban Liên Chính phủ về Biến đổi Khí hậu của Liên Hợp Quốc, thì lời cảnh báo vào thời điểm này là “nghiêm trọng nhất” về tính cấp bách của tình trạng biến đổi khí hậu, mà hậu quả nhãn tiền là những đợt nóng như đổ lửa và ngập lụt chưa từng thấy ở nhiều nơi trên thế giới.
Những người lính cứu hỏa cố dập lửa ở Sicily. Ảnh: Vigili del Fuoco/ AFP/ Getty). |
Ông Antonio Guterres, Tổng thư ký Liên Hợp Quốc, gọi đây là “báo động đỏ cho nhân loại”, bởi nếu con người không thay đổi các hoạt động của mình để chống biến đổi khí hậu, thì “cả hành tinh sẽ bị hủy hoại”.