Trong thời đại mà hậu quả của biến đổi khí hậu ngày càng lớn hơn sau mỗi phút trôi qua, các dự án ý nghĩa và thiết thực như Great Green Wall dường như cho chúng ta một tia hy vọng cho tương lai tốt đẹp hơn. Mục tiêu của sáng kiến này là trồng cây xanh trải dài gần 5.000 dặm (8.000 km) trên toàn bộ lục địa đen, với khả năng ngăn chặn biến đổi khí hậu, phòng chống sa mạc hóa từ từ lan rộng và cải thiện cuộc sống của hàng triệu người sống ở các vùng đó.
Hiện nay, Great Green Wall đã thực hiện được khoảng 15% và mang lại sự sống cho các khu vực mà trước đây chỉ là những vùng đất hoang vắng và xa xôi.
Ý tưởng tạo ra một bức tường xanh làm từ cây thực chất đã có từ giữa thế kỷ trước, lần đầu tiên được đề xuất bởi nhà hoạt động người Anh Richard St. Barbe Baker. Tuy nhiên, phải đến năm 2007, dự án này mới thực sự đi vào cuộc sống và hôm nay, chúng ta bắt đầu thấy kết quả đầu tiên của sáng kiến này.
Cho đến nay, 40 triệu ha đất hoang đã được hồi sinh, cung cấp thêm 500.000 tấn lương thực mỗi năm, con số đủ để nuôi sống 2,5 triệu người. Nếu dự án tiếp tục phát triển với tốc độ này, nó sẽ trở thành nguồn sống cho một số khu vực nghèo nhất ở châu Phi và tuyệt vời hơn, có lẽ sự sống sẽ được tái sinh ở sa mạc.
Great Green Wall được cho là sẽ mở rộng tới 1.927.421.975 tỷ mẫu vuông đất cày cấy và đó là nơi sinh sống của khoảng 232 triệu người. Quả thưc, dự án thiết thực này không chỉ mang lại sự sống cho nhiều khu vực hoang vắng ở Châu Phi mà còn giúp ích cho nền kinh tế của 11 quốc gia mà nó đi qua, mang lại sự đủ đầy cho những nơi mà cuộc sống của người dân khó khăn nhất.
Trước những lợi ích đáng chú ý này, hàng ngàn người đang trồng cây và trực tiếp tham gia vào dự án thông qua sáng kiến Công việc Xanh. Đây là một dự án dài hạn và chắc chắn sẽ mất hơn một thập kỷ để hoàn thành. Dẫu vậy, nó sẽ mang đến công việc đảm bảo cho những người làm việc trong dự án này, từ đó góp phần làm giảm di cư ở Châu Phi.
Sau khi hoàn thành, Great Green Wall sẽ tạo ra nhiều thay đổi tích cực, mang đến “ngọn gió mới” tươi mát hơn, sảng khoái hơn trên lục địa châu Phi bao gồm:
· Là giải pháp cho vấn đề sa mạc hóa, suy thoái đất đai và hạn hán trên nhiều khu vực.
· Phục hồi khoảng 8.687 dặm đất thoái hóa ở các vùng cằn cỗi cho mục đích nông nghiệp.
· Tạo ra các hệ sinh thái bền vững hơn của các khu vực mà sự sống khó tồn tại và sinh sôi như sa mạc Sahara và Sahel, thông qua các tài nguyên thiên nhiên như nước, đất, thảm thực vật và động vật để mang lại sự sống cho nơi đây.
· “Tịch thu” khoảng 250 triệu tấn carbon, chống lại biến đổi khí hậu và ô nhiễm không khí một cách hiệu quả.
· Một sự cải thiện đầy mạnh mẽ trong điều kiện sống bằng cách tạo ra 10 triệu việc làm ở các vùng nghèo khó.
· Đảm bảo lương thực cho 20 triệu người bị đói mỗi năm.
Mục tiêu chung được đặt ra là để Great Green Wall hoàn thành vào năm 2030 và kết quả là có thể khôi phục lại khoảng 247.105.381 mẫu đất hiện đang bỏ hoang. Theo tính toán, để đạt được mục tiêu đó, 10 triệu ha sẽ cần được “xanh hóa” mỗi năm. Và một khi được hoàn thành, đây sẽ trở thành “bức tường” sống lớn nhất trên hành tinh, góp phần xây dựng một thế giới tốt đẹp hơn cho các thế hệ tiếp theo.
Một dự đoán thú vị được tiết lộ, với kích thước gấp 3 lần rạn san hô Great Barrier, Great Green Wall được định sẵn để trở thành kỳ quan thứ tám của thế giới hiện đại. Thật vui khi với sự chung tay của rất nhiều người, một kỉ lục thế giới sắp được thiết lập.
Dự án này như một làn gió mới, mạnh mẽ hơn, thiết thực hơn và mang đến những lợi ích to lớn mà con người có thể cảm nhận, nhìn thấy và “định lượng” được. Điều này càng trở nên ý nghĩa và quan trọng khi mà “lá phổi xanh” của Trái Đất liên tục bị “tổn thương” bởi cháy rừng, chặt phá bừa bãi,… để lại những “vết sẹo” khó lành. Thật mong trên thế giới sẽ tiếp tục có nhiều dự án ý nghĩa như vậy được thực hiện để đưa Trái Đất, đưa Mẹ thiên nhiên trở về vẻ “xinh đẹp” vốn có trước đây.