'Chỉ bàn làm, không bàn lùi' - Bài 6: Khơi thông huyết mạch giao thông

'Chỉ bàn làm, không bàn lùi' - Bài 6: Khơi thông huyết mạch giao thông

0:00 / 0:00
0:00
TP - Là đầu tàu kinh tế của cả nước, trước tình trạng hạ tầng giao thông hiện hữu chưa đáp ứng kịp nhu cầu phát triển, thậm chí gây nhiều thiệt hại về kinh tế, ảnh hưởng đến môi trường đầu tư, nhiều năm qua, TPHCM đã tập trung nguồn lực để khơi thông điểm nghẽn này trên tinh thần “không bàn lùi”.

“3 Ủy viên Bộ Chính trị cùng cứu sân bay...”

Những ngày giữa tháng 6, TPHCM bắt đầu bước sang mùa mưa. Dù thời tiết không thuận lợi nhưng trên công trường các dự án giải quyết ùn ứ cửa ngõ Cảng Hàng không quốc tế (sân bay) Tân Sơn Nhất, không khí làm việc vẫn hết sức khẩn trương với tinh thần “vượt nắng, thắng mưa”.

Trưa 11/6, phóng viên (PV) ghi nhận hàng chục công nhân cùng thiết bị máy móc tất bật thi công hầm chui nút giao thông Trần Quốc Hoàn - Phan Thúc Duyện (quận Tân Bình), một hạng mục quan trọng của dự án xây dựng đường nối Trần Quốc Hoàn - Cộng Hòa. Với chiều dài khoảng 4km, quy mô 6 làn xe, được khởi công cuối năm 2022 với tổng vốn hơn 4.800 tỷ đồng, sau khi hoàn thành, tuyến đường này sẽ kết nối trực tiếp với nhà ga T3, phá thế độc đạo ra vào sân bay Tân Sơn Nhất.

'Chỉ bàn làm, không bàn lùi' - Bài 6: Khơi thông huyết mạch giao thông ảnh 1

Công nhân thi công nhà ga T3. Ảnh: H.H

Theo ông Lương Minh Phúc, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TPHCM (Ban Giao thông, chủ đầu tư), hạng mục hầm chui nói trên đã đạt hơn 80% khối lượng. Để dự án hoàn thành vào cuối năm nay, từ đầu năm, chủ đầu tư đã cho ký kết giao ước thi đua, tổ chức “thi công 3 ca 4 kíp” và duy trì thi công xuyên lễ, Tết để đảm bảo tiến độ.

“Đến năm 2025, giao thông khu vực phía Đông thành phố sẽ thực sự thông thoáng khi nút giao thông An Phú và Mỹ Thủy hoàn thành. Năm 2026 sẽ hoàn thành kết nối đường Vành đai 2, Nguyễn Thị Định và năm 2027 sẽ thông xe đường liên cảng. Xe ra vào cảng thuận lợi, giảm thời gian quay vòng thì chi phí logictics sẽ giảm và tăng hiệu quả kinh doanh cho doanh nghiệp”.

Ông Trần Quang Lâm, Giám đốc Sở GTVT TPHCM

Gần đó, dự án mở rộng đường Hoàng Hoa Thám (đoạn từ cổng doanh trại quân đội tiếp giáp sân bay đến đường Cộng Hòa) với vốn đầu tư gần 300 tỷ đồng cũng đang chuẩn bị khởi công. Được mở rộng từ 8 - 10m lên 22m, tuyến đường dài khoảng 800m dự kiến sẽ hoàn thành cuối năm nay để xe ra vào nhà ga T3 thuận tiện hơn.

Đặc biệt, tại đại công trường xây dựng nhà ga T3, từ sáng đến tối, máy móc, thiết bị hoạt động rầm rập liên tục. Các nhà thầu huy động gần 2.000 người thi công nhà ga, nhà xe, đường tầng trên cao... Nhiều hạng mục đã đạt 100% khối lượng thi công phần thô và đang hoàn thiện kiến trúc.

'Chỉ bàn làm, không bàn lùi' - Bài 6: Khơi thông huyết mạch giao thông ảnh 2

Công nhân thi công hạng mục ga T3. Ảnh: H.H

Đại diện Tổng Công ty Cảng Hàng không Việt Nam (ACV, chủ đầu tư) đánh giá, dự án đang vượt tiến độ. Ga hành khách T3 có tổng vốn khoảng 10.990 tỷ đồng, sau khi hoàn thành sẽ nâng công suất khai thác của sân bay Tân Sơn Nhất lên gần gấp đôi, góp phần kéo giảm tình trạng ùn tắc trong và ngoài sân bay.

Một thành viên thuộc Ban Quản lý dự án (QLDA) xây dựng nhà ga T3 cho biết, do dự án triển khai trên phạm vi đất quốc phòng nên công tác giải phóng mặt bằng từng là vấn đề gay go và nan giải trong thời gian dài.

Cho đến đầu tháng 7/2022, cả 3 Ủy viên Bộ Chính trị gồm Thủ tướng Phạm Minh Chính, Đại tướng Phan Văn Giang, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng và Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên cùng đến thị sát và ngồi lại để họp bàn phương án tháo gỡ về mặt bằng, bàn giao đất quốc phòng để triển khai dự án...

Tại buổi làm việc này, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã nhấn mạnh: “Tất cả thủ tục phải được đẩy nhanh, trên tinh thần nhanh nhất, tiết kiệm nhất, vì lợi ích quốc gia, dân tộc, chống tham nhũng, tiêu cực, không vì thủ tục hành chính gây ảnh hưởng đến sự phát triển”.

Gần một tháng sau, Chính phủ đã có Nghị quyết số 93 về tháo gỡ vướng mắc trong bàn giao đất quốc phòng để thực hiện dự án nhà ga hành khách T3 và dự án đường giao thông kết nối với công trình này. Sau khi có Nghị quyết 93, các đơn vị liên quan và TPHCM tiếp tục có nhiều cuộc họp để từng bước tháo gỡ và bàn giao mặt bằng cho dự án nhà ga T3 và đường giao thông kết nối. “Nếu không có sự chỉ đạo quyết liệt từ lãnh đạo Chính phủ, không có sự chung sức từ các bộ, ngành và TPHCM với tinh thần bàn làm không bàn lùi thì tiến độ dự án chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng”- thành viên Ban QLDA chia sẻ.

Theo ông Lê Khắc Hồng, Trưởng Ban QLDA xây dựng nhà ga T3, vị trí xây dựng nhà ga T3 nằm lọt thỏm giữa khu đô thị, công trình hạ tầng sân bay Tân Sơn Nhất và các công trình trên đất quốc phòng.

Vì vậy, việc thi công đã gặp nhiều khó khăn bởi mặt bằng thi công chật hẹp, không có đường công vụ cố định nên các nhà thầu phải lấp chỗ này, đào chỗ kia để mở đường di chuyển linh hoạt, tránh ảnh hưởng đến khu vực quân đội và sân bay đang khai thác...

Các nhà thầu phải điều phối chia nhỏ khu vực để thi công cuốn chiếu, tổ chức làm việc “3 ca, 4 kíp”, thi công liên tục, xuyên lễ, Tết và thứ 7, Chủ nhật. Để đảm bảo tiến độ hoàn thành toàn bộ nhà ga trong 20 tháng như đã cam kết với Thủ tướng Chính phủ, Ban QLDA đã yêu cầu các nhà thầu đăng ký kế hoạch thi công trong 15 ngày, sau đó họp kiểm điểm tiến độ. Đơn vị nào chưa xong thì vừa làm thêm sản lượng của 15 ngày tiếp theo, vừa phải có kế hoạch bù tiến độ của 15 ngày trước. Nhà thầu nào trễ tiến độ 3 lần sẽ bị xem xét thay thế.

Hiệu ứng Domino

Việc giải cứu thành công sân bay Tân Sơn Nhất tạo ra hiệu ứng tích cực để TPHCM khơi thông các điểm nghẽn về hạ tầng giao thông khác, đặc biệt là khu vực các cửa ngõ ra vào các cảng. Đơn cử, dự án mở rộng đường Đồng Văn Cống vào cảng Cát Lái (TP Thủ Đức) được khởi công vào tháng 2/2020 lẽ ra phải hoàn thành vào cuối năm 2020 nhưng bị chậm tiến độ hơn 2 năm và phải tạm dừng do nhà thầu cũ gặp khó khăn trong thực hiện hợp đồng.

'Chỉ bàn làm, không bàn lùi' - Bài 6: Khơi thông huyết mạch giao thông ảnh 3

Khu vực đường Cộng Hòa - cửa ngõ sân bay Tân Sơn Nhất thường xuyên ùn ứ vào giờ cao điểm. Ảnh: H.H

Dưới sự chỉ đạo quyết liệt từ UBND TPHCM, tháng 7/2023, Sở GTVT đã chấp thuận cho Ban Giao thông chấm dứt hợp đồng với nhà thầu cũ. Sau khi thay nhà thầu, dự án được khởi động lại và hoàn thành vào đầu năm nay.

Theo Sở GTVT TPHCM, hiện thành phố đã có kế hoạch đầu tư vào các công trình trọng điểm kết nối liên cảng. Dự kiến tuyến Vành đai 2 đoạn số 1 và số 2 (cầu Phú Hữu - Võ Nguyên Giáp - Phạm Văn Đồng) với tổng mức đầu tư gần 14.000 tỷ đồng sẽ khởi công cuối năm nay. Các dự án xây dựng nút giao thông như An Phú, Mỹ Thủy hiện đã đạt khoảng 40 - 45%. TPHCM cũng đang chuẩn bị đầu tư làm đường liên cảng với kinh phí khoảng 8.000 tỷ đồng kết nối nút giao đường Vành đai 2 và cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây nhằm giảm áp lực khu vực cảng, giảm chi phí vận tải hàng hóa...

Đáng chú ý, với việc vận dụng cơ chế đặc thù từ Nghị quyết 98 của Quốc hội, TPHCM đang triển khai thí điểm thực hiện 5 dự án BOT giao thông cửa ngõ (mở rộng Quốc lộ 13, Quốc lộ 1; nâng cấp Quốc lộ 22, đường trục Bắc - Nam; xây dựng cầu đường Bình Tiên) với tổng mức đầu tư khoảng 44.592 tỷ đồng. Dự kiến trong quý III/2024, Sở GTVT TPHCM sẽ hoàn thành tổ chức lập, thẩm định báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, quyết định chủ trương đầu tư dự án và khởi công xây dựng vào quý IV/2025, hoàn thành đưa vào khai thác từ năm 2027.

Thiệt hại 6 tỷ USD mỗi năm

Theo Sở GTVT TPHCM, thành phố đang chịu áp lực rất lớn về hệ thống giao thông. Ước tính, ùn tắc giao thông gây thiệt hại cho TPHCM mỗi năm khoảng 6 tỷ USD (hơn 132.000 tỷ đồng).

(Còn nữa)

MỚI - NÓNG
Bình luận