Chỉ khi bạn nhìn thẳng vào nỗi sợ hãi, bạn mới hiểu được điều gọi là “can đảm”

Chỉ khi bạn nhìn thẳng vào nỗi sợ hãi, bạn mới hiểu được điều gọi là “can đảm”
HHT - "Nỗi sợ hãi không đóng cánh cửa của bạn; nó đánh thức bạn dậy" – Veronica Roth.

Tôi có một danh sách. Nó được gọi là "Những điều tôi rất sợ".

Danh sách đó gồm những việc khiến tôi lo lắng thắt cả bụng và tim đập thình thịch, như hồi tôi học cấp hai và anh bạn lớp trên tình cờ liếc tôi một cái trong giờ ăn trưa (tôi thì cúi gằm mặt).

Dần dần, tôi học được rằng, danh sách đó có thể dễ dàng được đặt lại tên, thành: "Danh sách những điều tôi rất muốn làm".

Nhảy bungee nằm trong danh sách đó. Và cả việc bắt chuyện với anh bạn lớp trên nữa.

Cả việc tham gia khóa học diễn hài độc thoại trên sân khấu.

Nên tôi nghĩ mình sẽ bắt đầu với việc đó.

Tại sao? Vì tôi cần việc gì có thể giúp mình thư giãn một chút. Như thế thì tôi mới rời được cái điện thoại di động, mạng xã hội và wi-fi trong vài tiếng mỗi tuần.

Tôi đăng ký lớp học diễn hài độc thoại vào tháng 6 năm ngoái. Nhưng rồi, một ngày trước khi lớp bắt đầu, tôi hủy.

Bạn có thể đổi tên danh sách “Những điều tôi sợ” thành “Những điều tôi sẽ làm”.

"Tham gia lớp học này chắc sẽ rất tuyệt" – Tôi viện cớ nói với người phụ nữ ở đầu dây bên kia – "Nhưng nghĩ cho cùng thì em đang rất bận…".

"Tùy em" – Người kia nói rất nghiêm khắc – "Bởi vì học phí sẽ không được hoàn trả".

Thế đấy. Tôi đành bảo chị ta là tôi sẽ bắt đầu.

Ôi, sức mạnh của việc sợ mất tiền!

Tôi đã tự hứa với mình ngay sau buổi học đầu tiên. Rằng trong 10 tuần tiếp theo, tôi sẽ theo đuổi khóa học này. Rằng ít nhất là tôi sẽ có mặt. Và tôi sẽ đứng lên khỏi ghế của mình. Và tôi sẽ kể những câu chuyện cười mà tự mình viết.

Dù là tay tôi run đến mức cái micro cũng phát chóng mặt. Dù tôi toát mồ hôi nhiều đến mức ướt cả áo.

Dù là chẳng ai buồn cười với màn trình diễn của tôi. Và để tôi nói thật cho bạn nghe, phần lớn thời gian thì chẳng có ai cười cả.

Có một vài lần, tôi đã nói nhầm hết thứ tự các chuyện cười. Có những tuần, tôi lo lắng đến mức không nói được câu nào. Tôi chỉ đứng dậy và đọc những chuyện cười mình viết, đều đều như đọc một bài diễn văn.

Cứ chuẩn bị đứng lên thể hiện là tôi run rẩy và toát mồ hôi.

Và rồi, khi chuẩn bị cho màn thể hiện cuối cùng để kết thúc khóa học, tôi quyết định rằng, cách duy nhất để mình đứng lên sân khấu và biểu diễn trước một căn phòng toàn người lạ chính là… quên hết đi, chẳng quan tâm gì cả.

Chẳng quan tâm đến một người bạn ở xa đã quyết định đến tận nơi cổ vũ cho tôi. Chẳng quan tâm đến việc trông mình sẽ rất dở hơi, bởi vì dù gì, tôi vẫn phải trình diễn. Chẳng quan tâm đến việc người ta nghĩ gì về mình vào lúc đó, và sau lúc đó.

Kết quả cũng không quá xuất sắc. Một số người cười khi tôi diễn. Một số thì không. Nhưng không sao cả, tôi sẽ luyện tập thêm. Ít ra, tôi đã có thêm một số người bạn rất hài hước ở lớp.

Về sau, khi tôi kể với nhiều người rằng tôi tham gia lớp học này, họ nói với tôi rằng giá như họ cũng có thể tham gia.

Và tôi hỏi, tại sao họ không thể?

Họ đáp rằng họ ngại. Họ e sợ. Rằng họ không bao giờ có đủ can đảm để tham gia một lớp kiểu như thế.

Để tôi nói một bí mật: Tôi cũng chẳng hề có đủ can đảm.

Nhưng tôi đã đăng ký. Tôi đã nộp tiền. Tôi đã xin hủy. Nỗi sợ mất tiền khiến tôi đành quay lại tham gia.

Khi bạn thực sự muốn làm gì đó – và muốn đủ nhiều - thì bạn sẽ chiến thắng nỗi sợ hãi.

Nỗi sợ luôn có thể là động lực cho chúng ta làm gì đó. Nó đánh thức chúng ta như một cái đồng hồ báo thức khó chịu kêu váng lên.

Bạn muốn biết làm sao để vượt qua? Làm sao để vượt qua câu: "Tôi không bao giờ có thể làm được việc đó"?

Hãy thi gan với nỗi sợ. Và đây là một cuộc thi đặc biệt. Bởi vì, bạn hãy biết rằng, nếu bạn muốn làm gì đó đủ nhiều, thì đến cuối cùng, bạn sẽ luôn chiến thắng.

Cho dù ngay vào lúc này, bạn không nghĩ rằng mình có thể.

Bạn hãy cứ nhìn nhận nỗi sợ, thậm chí là yêu quý nó. Chỉ có khi đó, bạn mới bỗng nhiên hiểu được một điều gọi là "can đảm".

Tôi đã làm được. Và tôi sẽ làm nữa – những việc trong danh sách của tôi. Cho dù như thế nghĩa là, đôi khi, tôi sẽ cảm thấy như mình sắp chết ngạt bởi tim cứ đập quá nhanh.

Ví dụ như lúc vài giây trước khi người ta gọi tên tôi lên sân khấu trình diễn.

Mà rồi tôi vẫn cứ trình diễn được đấy thôi.

Theo INTERNET
MỚI - NÓNG

Có thể bạn quan tâm

Reply Y2K: Trái tim lớn của "bác sĩ thú cưng" cấp xóm dành cho những con vật nhỏ

Reply Y2K: Trái tim lớn của "bác sĩ thú cưng" cấp xóm dành cho những con vật nhỏ

Đậu Ván vẫn ít nói, vẫn đeo kính và có lẽ vẫn mơ làm bác sĩ. Tớ nghĩ chẳng nghề nào hợp với cậu ấy hơn thế. Bởi những người có tính thương yêu thực sự, chẳng cần phô diễn ồn ào, luôn sẵn lòng cứu giúp những vật nhỏ nhất như Đậu Ván sẽ làm được rất nhiều điều tốt lành cho cuộc sống này.