Thông tin này đã khiến cộng đồng teen, đặc biệt là những ai thích vẽ nguệch ngoạc hay chú thích trong sách trở nên xôn xao.
![]() |
Viết vào sách cũng là một cách học?
Đây là câu hỏi được khá nhiều teen đặt ra khi đọc qua chỉ thị trên. Bởi lẽ, từ xưa đến nay, viết và vẽ vào SGK vốn là một phương pháp học tập được đại đa số teen áp dụng. Nhiều teen sau khi tiếp cận chỉ thị này đã nêu ra một số điểm bất cập sau:
Bạn Tín Nguyễn (18 tuổi) chia sẻ: “Trong chỉ thị có phần chỉ đạo “Hướng dẫn học sinh nghiên cứu SGK để thực hiện các hoạt động học và ghi kết quả học tập vào vở, không viết, vẽ vào SGK”. Điều này khiến mình cảm thấy khó hiểu vì trong 12 năm học, mình được biết SGK có hệ thống bài tập đa dạng về hình thức như tự luận, trắc nghiệm, điền khuyết, nối đôi (theo phần đầu của chỉ thị). Vậy nếu không cho viết vào SGK thì teen có phải chép những bài tập từ sách ấy ra vở để làm lại hay không? Và nếu phải chép vậy thì chẳng phải cả teen lẫn thầy cô đều đang lãng phí thời gian hay sao?”.
Đó là chưa kể, theo Quỳnh Như thì: “Thực tế thì việc hạn chế “học sinh không viết vào SGK trong quá trình thực hiện các hoạt động học” đã được thực hiện từ lâu, theo Nghị quyết số 40/2000/QH10 ngày 09 tháng 12 năm 2000, nhưng hiệu quả tái sử dụng SGK hiện mới đạt khoảng 35%. Điều này đặt ra câu hỏi liệu ngăn không cho học sinh vẽ, viết trên SGK có làm con số này thật sự tăng lên? Vì theo mình biết, dù chú thích hay không chú thích, chưa chắc số lượng sách tái sử dụng sẽ nhiều hơn đối với những teen không có anh chị em hay em còn quá nhỏ. Đó là chưa kể, không phải năm nào các trường cũng tổ chức quyên tặng sách cũ chứ không phải do chúng mình sử dụng lãng phí như đã đề cập”.
![]() |
Không viết, vẽ vào sách là thay đổi cả cách học?
Bên cạnh hai câu hỏi trên, đây là vấn đề được teen quan tâm nhiều nhất. Bởi lẽ, từ trước đến nay, khi tìm kiếm những phương pháp học tập tối ưu, teen luôn được khuyên hãy viết, vẽ, dùng những màu sắc nổi bật để đánh dấu, khoanh tròn những từ quan trọng để dễ ghi nhớ và tiếp thu hơn. Trang Biomedcentral cũng từng có nhiều bài viết chứng minh não bộ dễ dàng tiếp thu hình ảnh, màu sắc hơn là một trang giấy trắng. Mà điều này chỉ thực hiện dễ dàng nhất khi học sinh thao tác trên sách, khoanh ngay vào sách sau khi nghe giáo viên giảng thay vì chép lại vào vở và quên chữ có chữ không. Ngay trong thời điểm hiện tại, thậm chí có khá nhiều khoá học Sketch Note được mở ra chỉ để dạy teen làm thế nào để ghi chú hợp lí và bắt mắt, dễ ghi nhớ nhất. Câu hỏi đặt ra là với chỉ thị này, teen sẽ phải thay đổi cách học như thế nào?
Bạn Thanh Ngân (trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, TP.HCM) chia sẻ: “Mình rất hay viết/ vẽ vào SGK dù là vẽ chơi hay để học. Thậm chí thầy Toán của mình còn khuyến khích là phải vẽ thật nhiều vào vì khi học hình học không gian, nhiều cách vẽ khác nhau sẽ cho thấy góc độ khác nhau. Có khi nhìn hình trong sách mình không tìm được cách giải, nhưng tự vẽ vào rồi xoay hình theo hướng khác lại làm bài được. Tự mình vẽ thứ nhất là hiểu bài hơn, thứ hai là dễ nhìn hơn từ đó làm bài cũng thuận tiện hơn”.
![]() |
Không chỉ việc viết, vẽ vào SGK được ứng dụng trong các môn Tự nhiên mà còn cả với các môn Xã hội. Khi được hỏi về chỉ thị mới của Bộ, thầy Phan Duy Khôi (Giáo viên trường THPT Thực hành Sư phạm) chia sẻ: “Bạn nào học Văn thầy cũng biết là thầy khuyến khích viết vào SGK. Mục đích của việc này là giúp học sinh tập trung vào văn bản khi vẫn nghe lời giảng của giáo viên. Điều này sẽ là bất khả thi nếu như giáo viên yêu cầu học sinh vừa quan sát SGK, xong lại phải loay hoay viết vào vở, rất mất thời gian và mất tập trung. Văn chương phải phân tích từ ngữ, do vậy, khoanh tròn một từ đắt giá, một dấu hiệu hình thức độc đáo trong bài thơ sẽ giúp học sinh nhớ là mình phải phân tích chi tiết đó mỗi khi đọc lại văn bản, vì phần ghi chú nó nổi bần bật trước mắt”.
Dẫu theo chỉ thị của Bộ GD&ĐT, mục đích chính trong việc không cho viết, vẽ trên SGK là để tiết kiệm và tái sử dụng lại sách cũ. Nhưng cũng cần đặt ra câu hỏi liệu học mà không thể viết, vẽ trên quyển sách của chính mình có ảnh hưởng đến hiệu quả học tập của teen - người đã bỏ tiền ra mua cuốn sách mình đang học hay không?