Hội thảo diễn ra trong bối cảnh quản lý quỹ BHYT ngày càng thách thức, những năm gần đây số chi BHYT vượt số thu, trong khi quyền lợi người tham gia bị ảnh hưởng vì thiếu thuốc, vật tư y tế kéo dài.
Tại hội thảo, các chuyên gia, nhà quản lý tới từ nhiều đơn vị đã cóng những chia sẻ, góp ý, khuyến nghị ở nhiều khía cạnh để quản lý hiệu quả quỹ BHYT, như: Kinh nghiệm trong xây dựng gói quyền lợi BHYT để đảm bảo sử dụng quỹ BHYT hiệu quả; kinh nghiệm kiểm soát việc quản lý quỹ BHYT qua ứng dụng công nghệ; ứng dụng đánh giá công nghệ y tế trong xây dựng danh mục thuốc BHYT…
Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam - Nguyễn Đức Hòa cho rằng, cùng với việc mở rộng diện bao phủ BHYT, đảm bảo quyền lợi người dân, cơ quan quản lý quỹ BHYT cũng đối mặt với những thách thức lớn trong việc nâng cao hiệu quả quản lý quỹ, đảm bảo sự công bằng trong việc tiếp cận dịch vụ y tế. Cùng với người tham gia BHYT tăng, thì người khám chữa bệnh và số chi quỹ BHYT cũng tăng theo, thậm chí số thu tăng chậm hơn số chi. Từ năm 2009 đến nay, mức đóng BHYT không tăng (chỉ điều chỉnh khi tăng lương cơ sở), trong khi quyền lợi thanh toán BHYT ngày càng mở rộng.
“Chúng ta cần giải pháp nào để quản lý hiệu quả quỹ BHYT để đảm bảo được cả ba mục tiêu: Đảm bảo được quyền lợi của người tham gia BHYT; cùng khả năng chi trả của quỹ BHYT; đảm bảo chất lượng dịch vụ y tế tương xứng với giá dịch vụ y tế ngày càng điều chỉnh tăng”, ông Hoà nói.
Theo ông Hoà, quỹ BHYT được tạo lập từ sự đóng góp của người dân, hỗ trợ từ ngân sách nhà nước. Do đó, việc quản lý quỹ BHYT hiệu quả không phải là trách nhiêm riêng của cơ quan BHXH, mà là trách nhiệm chung của cả hệ thống chính trị, cũng như mọi người dân tham gia BHYT.
Làm rõ hơn những thách thức đối với quỹ BHYT hiện nay, ông Lê Văn Phúc- Trưởng Ban Thực hiện chính sách BHYT (BHXH Việt Nam) cho biết: Sau hơn 10 năm, từ khi có Luật BHYT, số thu và chi từ quỹ BHYT đều tăng khoảng 8 lần. Sau 5 năm thực hiện Luật BHYT sửa đổi, số chi đã tăng gấp 2, số chi năm 2016 tăng 46% so với năm 2009 và lần đầu tiên quỹ KCB mất cân đối. Riêng 2 năm 2020-2021, do ảnh hưởng dịch COVID-19, thu quỹ BHYT vượt chi, nhưng từ năm 2022 số chi lại vượt số thu.
Các chuyên gia bàn giải pháp quản lý, sử dụng quỹ BHYT hiệu quả. |
Số chi quỹ BHYT tăng, theo ông Phúc, tới từ một số nguyên nhân, như mở rộng danh mục chi BHYT cho người dân; đẩy mạnh cơ chế tự chủ bệnh viện; gia tăng việc thông tuyến, vượt tuyến khám chữa bệnh BHYT; xã hội hóa trang thiết bị y tế, liên doanh liên kết cùng quy định cho phép cơ sở y tế được thu thêm chênh lệch giá. Trong khi đó, các công cụ kiểm soát chi lại chưa đầy đủ, thiếu đồng bộ, hay các cơ chế bảo vệ người bệnh BHYT như thiếu thuốc vật tư y tế; các hành vi lạm dụng, trục lợi quỹ BHYT còn diễn ra nhiều nơi…
Theo ông Phúc, để hóa giải thách thức "đảm bảo cân đối thu - chi quỹ BHYT", bên cạnh duy trì và phát triển bền vững tỷ lệ bao phủ BHYT toàn dân, rất cần cải thiện hiệu suất sử dụng quỹ BHYT, đảm bảo bền vững, bảo vệ tài chính cho người tham gia BHYT, đặc biệt khi thách thức già hoá dân số ngày càng lớn.
Gói quyền lợi BHYT cần bổ sung đi đôi với loại bỏ
Chia sẻ kinh nghiệm quốc tế về xây dựng gói quyền lợi BHYT để quản lý hiệu quả Quỹ BHYT, ông Christophe Lemiere, Quản lý Chương trình Phát triển con người (Ngân hàng Thế giới - WB) cho rằng: Gói quyền lợi BHYT nên gồm các dịch vụ dự phòng bệnh; thông tin rõ ràng; mở rộng mức độ được hưởng dịch vụ ưu tiên trước khi mở rộng; loại bỏ các dịch vụ giá trị thấp trước khi mở rộng quyền lợi; quy định chu kỳ sửa đổi; xây dựng có sự tham gia của các bên liên quan, bao gồm cả người dân.
Việc xây dựng gói quyền lợi BHYT đảm bảo khả năng chi trả/tính bền vững/tính hiệu suất của quỹ BHYT, trong đó cần loại bỏ dịch vụ chăm sóc không phù hợp; thêm mới dịch vụ theo thực tế bệnh tật của người dân.
Chuyên gia của WB cũng chia sẻ một số bài học kinh nghiệm có thể áp dụng cho Việt Nam, như: Đánh giá toàn bộ các gói quyền lợi BHYT, trong đó có dịch vụ phòng bệnh. Làm rõ gói quyền lợi BHYT đối với các bệnh mạn tính phổ biến. Kiểm soát chặt chẽ hơn hành vi cung cấp dịch vụ y tế không hiệu quả kinh tế, như nhập viện nội trú không cần thiết. Thiết lập đơn vị đánh giá công nghệ y tế hoạt động hiệu quả; hạch toán chi phí cấp dịch vụ y tế theo phương pháp đã chuẩn hóa.
GS.TS.Hoàng Văn Minh, Hiệu trưởng Trường Đại học Y tế Công cộng cho rằng, có 2 giải pháp chính có thể được xem xét trong bối cảnh quỹ BHYT mất cân đối thu – chi, là tăng thu và giảm chi. Trong bối cảnh chưa thể tăng thu, giải pháp khả thi vẫn là giảm chi, chi hợp lý. Từ xây dựng danh mục thuốc, dịch vụ y tế; đến đánh giá tác động ngân sách, đây cũng là kinh nghiệm hiệu quả được một số nước áp dụng, như Thái Lan, Trung Quốc, Anh, Úc, Hàn Quốc.
Ông Nguyễn Trí Dũng, Phó Vụ trưởng BHYT (Bộ Y tế) khẳng định: Quản lý hiệu quả quỹ BHYT không phải là nhiệm vụ riêng của riêng một cơ quan nào, mà cần cộng đồng trách nhiệm. Hiện, việc thanh toán BHYT theo giá dịch vụ đã bộc lộ bất cập, nhưng các phương thức khác vẫn đang qua trình nghiên cứu, chưa được áp dụng. Bộ Y tế đang cố gắng rà soát, hoàn thiện các quy trình chuyên môn, quy trình nhập viện nội trú, chẩn đoán điều trị…
Về phía BHXH Việt Nam, thời gian qua ứng dụng công nghệ thông tin đã giúp ích rất nhiều cho công tác quản lý quỹ BHYT hiệu quả. Từ trước 2017, hoạt động giám định chi phí KCB BHYT được thực hiện chủ động trên hồ sơ bệnh án, hệ thống giám định tự động kết hợp chủ động. Từ năm 2023, hoạt động giám định BHYT chủ yếu được thực hiện tự động, với việc khai thác dữ liệu, ứng dụng trí tuệ nhân tạo. Qua giám định tự động, cơ quan BHXH gửi cảnh báo về gia tăng chi phí bất thường, các chỉ định không cần thiết, sử dụng thẻ BHYT nhiều lần bất thường…