Chính sách tiền mới, giá điện có hiệu lực từ tháng 5

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Giá điện điều chỉnh ba tháng một lần; Quy định mới về quản lý seri tiền mới in; Chính sách ưu đãi, hỗ trợ phát triển cụm công nghiệp; Quy định mức chi phí bảo quản hàng dự trữ quốc gia; Quy định mới về nhập khẩu gạo, lá thuốc lá khô từ Campuchia năm 2023, 2024...  là những chính sách kinh tế mới có hiệu lực từ tháng 5 này.

Giá điện điều chỉnh ba tháng một lần

Theo Quyết định 05/2024/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ nêu rõ, trường hợp giá bán điện bình quân tính toán giảm từ 1% trở lên so với giá bán điện bình quân hiện hành, Tập đoàn Điện lực Việt Nam có trách nhiệm giảm giá bán điện bình quân ở mức tương ứng. Trong thời hạn 5 ngày làm việc kể từ ngày thực hiện điều chỉnh, Tập đoàn Điện lực Việt Nam có trách nhiệm lập hồ sơ báo cáo Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan để kiểm tra, giám sát.

Chính sách tiền mới, giá điện có hiệu lực từ tháng 5 ảnh 1

Trường hợp giá bán điện bình quân cần điều chỉnh tăng từ 3% đến dưới 5% so với giá bán điện bình quân hiện hành, Tập đoàn Điện lực Việt Nam quyết định điều chỉnh tăng giá bán điện bình quân ở mức tương ứng. Trong thời hạn 5 ngày làm việc kể từ ngày thực hiện điều chỉnh, Tập đoàn Điện lực Việt Nam lập hồ sơ báo cáo Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan để kiểm tra, giám sát.

Trường hợp giá bán điện bình quân cần điều chỉnh tăng từ 5% đến dưới 10% so với giá bán điện bình quân hiện hành, Tập đoàn Điện lực Việt Nam được phép điều chỉnh tăng giá bán điện bình quân ở mức tương ứng sau khi báo cáo và được Bộ Công Thương chấp thuận. Trong thời hạn 15 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ phương án giá của Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Bộ Công Thương có trách nhiệm trả lời bằng văn bản để Tập đoàn Điện lực Việt Nam triển khai thực hiện. Trong thời hạn 5 ngày làm việc kể từ ngày thực hiện điều chỉnh, Tập đoàn Điện lực Việt Nam có trách nhiệm báo cáo Bộ Công Thương.

Trường hợp giá bán điện bình quân cần điều chỉnh tăng từ 10% trở lên so với giá bán điện bình quân hiện hành hoặc ảnh hưởng đến tình hình kinh tế vĩ mô, trên cơ sở hồ sơ phương án giá điện do Tập đoàn Điện lực Việt Nam trình, Bộ Công Thương chủ trì kiểm tra, rà soát và gửi lấy ý kiến Bộ Tài chính và các bộ, cơ quan liên quan. Trên cơ sở ý kiến góp ý của Bộ Tài chính và các bộ, cơ quan liên quan, Bộ Công Thương tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, cho ý kiến. Trường hợp cần thiết, Bộ Công Thương phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan báo cáo Ban Chỉ đạo điều hành giá trước khi báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Thời gian điều chỉnh giá bán điện bình quân tối thiểu là 3 tháng kể từ lần điều chỉnh giá điện gần nhất.

Quyết định có hiệu lực từ ngày 15/5.

Quy định mới về quản lý seri tiền mới in

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã ban hành Thông tư 01/2024/TT-NHNN quy định về quản lý seri tiền mới in của NHNN.

Thông tư nêu rõ nguyên tắc in seri trong quá trình in tiền: Đối với các loại tiền NHNN công bố phát hành trước năm 2003, seri gồm vần seri và dãy số tự nhiên gồm 7 chữ số in từ 0000001 trở đi; đối với các loại tiền NHNN công bố phát hành từ năm 2003 trở đi, seri gồm vần seri và dãy số tự nhiên gồm 08 chữ số, trong đó hai chữ số liền kề với vần seri là hai chữ số cuối của năm sản xuất tờ tiền, 06 chữ số tiếp theo là dãy số tự nhiên in từ 000001 trở đi; mỗi tờ tiền có một seri riêng.

Vần seri là phần chữ được ghép bởi 2 trong số 26 chữ cái (gồm: A, B, C, D, E, F, G, H, I, J, K, L, M, N, O, P, Q, R, S, T, U, V, W, X, Y, Z).Vần seri bao gồm vần chính và vần phụ.

Vần chính là vần seri sử dụng để in trên các tờ tiền theo số lượng, cơ cấu tiền in hàng năm. Vần phụ là vần seri sử dụng để in trên các tờ tiền thay thế những tờ tiền in hỏng.

Chính sách tiền mới, giá điện có hiệu lực từ tháng 5 ảnh 2

Thông tư còn Nguyên tắc quản lý seri trong quá trình in tiền của cơ sở in, đúc tiền và Quản lý seri tiền mới in trong quá trình giao, nhận tiền.

Thông tư có hiệu lực thi hành từ 14/5/2024.

Chính sách ưu đãi, hỗ trợ phát triển cụm công nghiệp

Nghị định số 32/2024/NĐ-CP ban hành ngày 15/3/2024 quy định ưu đãi đầu tư đối với: Cụm công nghiệp là địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn; đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp là ngành, nghề đặc biệt ưu đãi đầu tư.

Nghị định quy định Ngân sách địa phương cân đối hỗ trợ đầu tư, phát triển hệ thống hạ tầng kỹ thuật trong và ngoài cụm công nghiệp trên địa bàn

Nhà nước hỗ trợ không quá 30% tổng mức vốn đầu tư của dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp. Kinh phí hỗ trợ không tính vào tổng mức đầu tư của dự án để tính giá cho thuê lại đất, giá sử dụng hạ tầng đối với các dự án đầu tư trong cụm công nghiệp.

Nghị định sẽ chính thức có hiệu lực từ 1/5/2024.

Quy định mức chi phí bảo quản hàng dự trữ quốc gia

Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 21/2024/TT-BTCvề định mức chi phí bảo quản hàng dự trữ quốc gia do Tổng cục Dự trữ Nhà nước trực tiếp quản lý.

Thông tư quy định rõ định mức chi phí bảo quản gạo như sau: Trường hợp bảo quản thường xuyên, chi phí là 68.241 đồng/tấn.năm; trường hợp bảo quản lần đầu, mức chi phí từ 118.538-219.977 đồng/tấn.năm.

Chi phí bảo quản thường xuyên đối với: Thóc đổ rời và đóng bao áp suất thấp là 123.304 đồng/tấn.năm; Thóc đổ rời và đóng bao bảo quản kín bổ sung N2 nồng độ ≥98% là 122.240 đồng/tấn.năm.

Đối với muối ăn, chi phí bảo quản lần đầu là 139.877 đồng/tấn.năm; chi phí bảo quản thường xuyên là 14.097 đồng/tấn.năm.

Chi phí bảo quản thường xuyên nhà bạt cứu sinh thường như sau: Đối với nhà bạt 60,0 m2 mức chi phí là 457.553 đồng/bộ.năm; đối với nhà bạt 24,75 m2 mức chi phí là 322.837 đồng/bộ.năm; đối với nhà bạt 16,5 m2 mức chi phí là 299.717 đồng/bộ.năm... Chi tiết định mức chi phí bảo quản các loại hàng dự trữ quốc gia khác được quy định tại Phụ lục kèm theo Thông tư này.

Thông tư này có hiệu lực từ ngày 15/5/2024.

Quy định mới về nhập khẩu gạo, lá thuốc lá khô từ Campuchia năm 2023, 2024

Ngày 4/4/2024, Bộ Công Thương đã ban hành Thông tư số 06/2024/TT-BCT quy định việc nhập khẩu mặt hàng gạo và lá thuốc lá khô có xuất xứ từ Campuchia theo hạn ngạch thuế quan năm 2023 và năm 2024.

Đối tượng áp dụng là các thương nhân nhập khẩu theo hạn ngạch thuế quan mặt hàng gạo và lá thuốc lá khô có xuất xứ từ Vương quốc Campuchia và các tổ chức, cá nhân khác có liên quan.

Mã số hàng hóa và tổng lượng hạn ngạch thuế quan mặt hàng gạo và lá thuốc lá khô có xuất xứ từ Vương quốc Campuchia theo Phụ lục II ban hành kèm theo Nghị định số 05/2024/NĐ-CP ngày 24/01/2024 của Chính phủ.

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 20/5/2024 đến hết ngày 31/12/2024.

MỚI - NÓNG