Chính trị gia chống Hồi giáo sắp thành thủ tướng Hà Lan, cú sốc lớn với châu Âu

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Ông Geert Wilders, chính trị gia cực hữu, dân túy và chống Hồi giáo, giành chiến thắng vang dội trong cuộc bầu cử Quốc hội Hà Lan ngày 22/11, tạo nên một trong những cú sốc lớn nhất trong chính trị Hà Lan kể từ Thế chiến 2 và có thể sẽ gây ra cơn địa chấn trên khắp châu Âu.
Chính trị gia chống Hồi giáo sắp thành thủ tướng Hà Lan, cú sốc lớn với châu Âu ảnh 1

Ông Geert Wilders được gọi là Donald Trump phiên bản Hà Lan. (Ảnh: AP)

Kết quả này giúp ông có cơ hội dẫn đầu các cuộc đàm phán để thành lập liên minh cầm quyền mới và có thể trở thành thủ tướng cực hữu đầu tiên của Hà Lan, vào thời điểm đang có nhiều biến động chính trị trên khắp lục địa.

​Cuộc thăm dò ý kiến do đài truyền hình quốc gia NOS công bố cho thấy đảng Vì Tự do của ông Wilders giành được 35 trong 150 ghế tại Hạ viện, nhiều hơn gấp đôi so với 17 ghế mà đảng của ông giành được ở cuộc bầu cử lần trước. Kết quả chính thức cuối cùng dự kiến được công bố vào cuối ngày 23/11.

“Tôi đã véo vào cánh tay của mình”, ông Wilders vui mừng nói.

Chương trình vận động tranh cử của ông Wilders bao gồm lời kêu gọi tổ chức trưng cầu dân ý về việc Hà Lan rời khỏi Liên minh châu Âu (EU), ngừng hoàn toàn việc tiếp nhận người xin tị nạn và từ chối người di cư qua biên giới Hà Lan.

Ông Wilders cũng ủng hộ việc “phi Hồi giáo hóa” Hà Lan, dù trong cuộc bầu cử này ông thể hiện quan điểm ôn hòa hơn về đạo Hồi so với trước đây.

“Hà Lan sẽ lại là số 1. Người dân phải lấy lại đất nước của họ”, ông nói.

Chính trị gia vốn được gọi là Donald Trump phiên bản Hà Lan trước tiên phải thành lập chính phủ liên minh trước khi có thể nắm quyền. Các đảng chính thống không muốn hợp lực với Wilders và đảng của ông, nhưng mức độ chiến thắng trong cuộc bầu cử lần này sẽ giúp ông có vị thế mạnh trong bất kỳ cuộc đàm phán nào. Wilders kêu gọi các bên khác tham gia một cách xây dựng vào tiến trình đàm phán.

Ông Pieter Omtzigt, một cựu thành viên đảng Dân chủ Thiên chúa giáo trung dung, người đã lập ra đảng Hợp đồng xã hội của riêng mình, cho biết ông luôn sẵn sàng đàm phán. Đảng gần nhất với đảng của ông Wilders là liên minh của đảng Lao động trung tả và Cánh tả Xanh, ước tính giành được 26 ghế. Ông Frans Timmermans, lãnh đạo của liên minh, nói rõ rằng ông Wilders không nên trông cậy vào ông.

“Chúng tôi sẽ không bao giờ thành lập liên minh với các đảng giả vờ rằng những người xin tị nạn là nguồn gốc của mọi đau khổ”, ông Timmermans tuyên bố.

Bất chấp lời lẽ gay gắt, ông Wilders vẫn muốn thu hút các đảng cánh hữu và trung dung bằng cách nói rằng bất cứ điều gì ông làm đều sẽ “nằm trong khuôn khổ luật pháp và hiến pháp”.

Một ví dụ là Thủ tướng Ý Giorgia Meloni, người cũng đưa ra nhiều quan điểm gợi nhớ đến nhà lãnh đạo độc tài phát xít Benito Mussolini. Sau khi lên nắm quyền, bà Meloni đã thay đổi lập trường của mình về một số vấn đề và trở thành nhà lãnh đạo cực hữu có thể chấp nhận được đối với EU.

Ông Wilders từ lâu đã chỉ trích Hồi giáo, EU và người di cư - một lập trường đưa ông đến gần quyền lực nhưng chưa bao giờ quan điểm này trở nên phổ biến ở quốc gia nổi tiếng với chính sách hài hòa.

Thủ tướng Hungary Viktor Orban, người tự hào đã biến Hungary thành một quốc gia “phi tự do” và có quan điểm khắc nghiệt tương tự về vấn đề di cư và các thể chế EU, nhanh chóng chúc mừng ông Wilders. “Những cơn gió của sự thay đổi đang ở đây! Xin chúc mừng”, ông Orban nói.

Cuộc bầu cử diễn ra sau khi liên minh của Thủ tướng sắp mãn nhiệm Mark Rutte từ chức vào tháng 7 năm nay, vì bất đồng với các biện pháp hạn chế di cư.

Ông Rutte được thay thế bởi Dilan Yeşilgöz-Zegerius, người từng là dân tị nạn từ Thổ Nhĩ Kỳ. Bà có thể trở thành nữ thủ tướng đầu tiên của Hà Lan nếu đảng của bà giành được nhiều phiếu bầu nhất. Tuy nhiên, đảng của bà đánh mất 11 ghế trong cuộc bầu cử lần này, chỉ còn lại 23 ghế.

Kỳ bầu cử được đánh giá là cuộc đua cân não, nhưng cuối cùng ông Wilders dễ dàng đánh bại mọi đối thủ. Đây là một trong nhiều kết quả đang làm thay đổi cục diện chính trị châu Âu. Từ Slovakia, Tây Ban Nha, Đức đến Ba Lan, các đảng dân túy và cực hữu giành đều chiến thắng vang dội.

Theo AP
MỚI - NÓNG