Chip 5G DEF và chuyện làm chủ để bảo vệ hạ tầng mạng quốc gia của Viettel

0:00 / 0:00
0:00
TP - Quá trình từ nghiên cứu công nghệ 5G của Viettel bắt đầu đạt thành tựu từ năm 2019, đến nay đã khẳng định việc một hạ tầng viễn thông 5G được làm chủ hoàn toàn, bảo vệ mạnh mẽ, trọn vẹn từ bên trong.
Chip 5G DEF và chuyện làm chủ để bảo vệ hạ tầng mạng quốc gia của Viettel ảnh 1

Một sự kiện nổi bật của ngành công nghệ Việt Nam vừa được công bố tại Triển lãm Quốc tế Đổi mới sáng tạo Việt Nam 2023 (VIIE 2023): Tập đoàn Công nghiệp – Viễn thông Quân đội (Viettel) công bố nghiên cứu thành công Chip 5G. Đây là bước tiến mới nhất khẳng định Viettel đã làm chủ hoàn toàn hạ tầng viễn thông 5G bao gồm từ trạm thu phát vô tuyến, thiết bị chuyển mạch, thiết bị truyền dẫn, thiết bị truy cập vô tuyến cho đến mạng lõi.

Những sản phẩm đột phá làm nên hạ tầng viễn thông 5G

Thông tin cho biết, dòng Chip 5G DFE đầu tiên của Việt Nam thuộc hệ sinh thái sản phẩm 5G do kỹ sư Viettel làm chủ hoàn toàn thiết kế. Lần đầu tiên và duy nhất cho tới giờ, tại Việt Nam, một dòng chip cao cấp và phức tạp nhất của hệ sinh thái 5G đã được phát triển và thử nghiệm thành công bởi những kỹ sư người Việt tại Viettel. Đó là dòng Chip 5G DFE, có năng lực tính toán 1.000 tỷ phép tính/giây và được các đối tác uy tín như Synopsys, nhà cung cấp thiết kế vi mạch hàng đầu thế giới đánh giá cao.

Ông Trịnh Thanh Lâm, Giám đốc Kinh doanh Synopsys Nam Á chia sẻ “Tôi rất xúc động khi Viettel thông báo cho tôi là người đầu tiên khi Chip sản xuất xong mang về chạy với kết quả rất tốt. Quá trình làm ra con chip đối với nhóm kĩ sư Việt Nam là một việc rất khó, nếu trục trặc không hoạt động được thì có rất nhiều hậu quả. Thứ nhất là làm cho mình mất tinh thần về việc kỹ sư Việt Nam có thể làm con chip hiện đại như thế hay không, thứ hai là rất tốn kém về việc đầu tư. Vì vậy chúng tôi đã áp dụng công nghệ cao cấp nhất để làm sao để 1 lần sản xuất là về chạy được luôn. Đúng là may mắn với con chip 5G DFE của Viettel thì về chạy được ngay, chúng tôi rất là hạnh phúc”.

Chip 5G DEF và chuyện làm chủ để bảo vệ hạ tầng mạng quốc gia của Viettel ảnh 2

Tiến sỹ Lê Thái Hà, Kỹ sư trưởng công nghệ, Trung tâm vi mạch Viettel High Tech (VHT) cho biết “Với nền tảng Việt Nam thì để tiếp xúc, làm chủ được công nghệ này thì từ 2018, 2019 về trước thì không thể. Đây là những công nghệ tiên tiến nhất của thế giới trong thiết kế chip. Chúng tôi đã được hỗ trợ của Synopsys, cử đội ngũ kĩ sư sang R&D Center ở Bỉ".

Ngoài Chip 5G, Viettel cũng mang đến Triển lãm những sản phẩm nổi bật tạo nên hạ tầng viễn thông như thiết bị thu phát 5G gNodeB (8T8R – thiết bị phủ sóng sâu cho các khu dân cư có mật độ cao, 32T32R – thiết bị có vùng phủ sóng rộng, là sản phẩm chủ đạo của các nhà khai thác mạng 5G), trạm thu phát 5G gNodeB, thiết bị truyền dẫn Site Router 100G, khối thu phát xử lý tín hiệu cao tần 5G. Đây là các thành phần quan trọng xây dựng nên hạ tầng mạng viễn thông 5G mà Viettel đã công bố làm chủ công nghệ toàn phần.

Trước đó, 3 sản phẩm trong hệ sinh thái 5G Viettel gồm 5G gNodeB, vOCS 4.0 và 5G Core đã được công ty nghiên cứu hàng đầu thế giới - Gartner đưa vào danh sách đánh giá các sản phẩm quốc tế uy tín Gartner Peer Insights.

5G gNodeB đã được triển khai tại 5 tỉnh thành Việt Nam với tổng gần 300 trạm. vOCS – hệ thống tính cước tự động phiên bản 4.0 cho mạng 5G hiện đã hoàn thành thử nghiệm trên một triệu thuê bao. Trước đó, các phiên bản cho mạng 3G, 4G đã phục vụ tại 11 quốc gia với quy mô dân số trên 300 triệu. Thiết bị 5G Core đã được đưa vào mạng lưới Viettel và đổ tải thành công hơn 250.000 thuê bao.

Chip 5G DEF và chuyện làm chủ để bảo vệ hạ tầng mạng quốc gia của Viettel ảnh 3

Hành trình làm chủ hạ tầng viễn thông 5G của Viettel

Cuối năm 2018, Viettel mới tuyên bố sẽ tham gia thử nghiệm công nghệ 5G và hé lộ việc đang nghiên cứu sản xuất thiết bị trạm phát sóng 5G. Rất nhanh chóng, tháng 4/2019, Tập đoàn này đã hoàn thành tích hợp hạ tầng phát sóng 5G đầu tiên tại khu vực Hồ Hoàn Kiếm (Hà Nội) và phát sóng thử nghiệm thành công trên mọi băng tần được Bộ TT&TT cấp phép.

Năm 2019 chính là năm ghi nhận Viettel đạt được những thành công đầu tiên trong việc nghiên cứu và làm chủ công nghệ 5G.

Hệ thống thu phát 5G gNodeB được nhắc đến ở trên được đội ngũ kỹ sư của Viettel phát triển trong 6 tháng (từ tháng 6 đến tháng 12/2019) với nền tảng kinh nghiệm từ quá trình tự nghiên cứu phát triển trạm thu phát sóng BTS cho 4G-eNodeB và quá trình nghiên cứu tiền khả thi 5G.

Đó là điều kiện để đầu năm 2020, Viettel thực hiện được cuộc gọi 5G đầu tiên trên thiết bị 5G do chính họ nghiên cứu, sản xuất. Sự kiện này tạo thành dấu mốc lịch sử trong ngành công nghệ Việt Nam khi một doanh nghiệp nội địa chính thức làm chủ công nghệ mạng tiên tiến nhất thế giới. Việc tự thiết kế và sản xuất thiết bị 5G giúp Viettel chủ động trong triển khai 5G cho mạng di động của mình và các dịch vụ gia tăng đi kèm.

Cuộc nghiên cứu này thực tế đối với Viettel không hề dễ dàng khi các kỹ sư đã từng phá thiết bị do chính mình làm ra để đánh giá lại chất lượng. Các sản phẩm tiến bộ dần từ nghiên cứu trạm 5G công suất nhỏ cho đến trạm 5G công suất lớn.

Đầu năm 2023, Viettel công bố cùng Qualcomm công bố nghiên cứu, sản xuất thành công khối vô tuyến trạm thu phát sóng 5G (3T32R) đầu tiên trên thế giới sử dụng chipset ASIC theo tiêu chuẩn Open Ran của Qualcomm. Tiếp theo thành công này, Viettel sẽ hoàn thiện thiết bị 5G (64T64R) để phục vụ các nhà mạng phát sóng vào những khu vực có nhiều nhà cao tầng cần phủ cao và sâu.

Việc nghiên cứu thành công Chip 5G DFE vừa được công bố khẳng định Viettel đã xây dựng và làm chủ được một hạ tầng viễn thông 5G được bảo vệ mạnh mẽ, trọn vẹn từ bên trong.

Như vậy, từ một nước đi sau về 4G, Viettel đã đưa Việt Nam trở thành quốc gia thứ 6 trên thế giới có năng lực sản xuất thiết bị mạng 5G và trở thành doanh nghiệp duy nhất trên thế giới vừa là nhà khai thác mạng viễn thông vừa nghiên cứu sản xuất thiết bị, đặc biệt là thiết bị mạng 5G. Điều này bảo đảm cho một nền tảng viễn thông an toàn, bảo mật, phục vụ đắc lực chiến lược chuyển đổi số quốc gia.

Theo ông ST Liew - Phó chủ tịch Qualcomm Technologies chia sẻ tại Hội nghị cấp cao về công nghiệp bán dẫn Việt Nam, 5G sẽ mang lại doanh thu toàn cầu đạt 13,1 nghìn tỷ USD vào năm 2035. Trong đó, chip sẽ trở nên cực kỳ phổ biến trong cuộc sống hàng ngày của con người, từ lúc chúng ta thức dậy cho đến khi chúng ta đi ngủ.

Việc Viettel có thể làm chủ hoàn toàn các công đoạn thiết kế chip là bước tiến quan trọng để Việt Nam tham gia sâu hơn vào ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu, trong bối cảnh thị trường thế giới chưa cung cấp dòng sản phẩm Chip 5G thương mại. Đồng thời, là tiền đề để Viettel có thể sản xuất các loại chip phục vụ nhiều lĩnh vực như AI, 6G, IoT... trong tương lai.

MỚI - NÓNG