Cho trẻ sống với "rủi ro" để học kỹ năng sinh tồn

Cho trẻ sống với "rủi ro" để học kỹ năng sinh tồn
HHT - Từ câu chuyện 12 thiếu niên cùng một huấn luyện viên 25 tuổi bảo tồn được tính mạng sau hơn 10 ngày và đang được giải cứu khỏi hang động ở Thái Lan, nhiều phụ huynh giật mình khi nghĩ về kỹ năng sinh tồn của con mình.
Học sinh tham gia khóa huấn luyện phòng cháy chữa cháy tại TP.HCM .ẢNH: LÊ THANH.

Nghĩ học giỏi, ngoan là đủ!

Trên trang Facebook cá nhân, chị Phước Huyền (Đà Nẵng) đã chia sẻ bài viết về câu chuyện kỳ tích của đội bóng thiếu niên Thái Lan này với dòng trạng thái: “Niềm vui vỡ òa. Kỹ năng sinh tồn của các cháu thật tuyệt vời. Những bài học dã ngoại học tập kinh nghiệm rất bổ ích cho trẻ nhỏ hiện nay”.

Chị Phước Huyền chia sẻ: “Mình cũng có đứa con 11 tuổi. Chồng rất cưng chiều đến nỗi giờ mỗi lần đi đá bóng với bạn thì chồng cũng phụ mang tất và giày giúp, mỗi lần như thế mình đều la. Mình thấy trẻ em ở VN giờ như gà công nghiệp khó tự lo cho bản thân vì bố mẹ đã lo hoàn toàn. Hầu như bố mẹ chỉ lo mỗi việc con học cho thật giỏi, ngoan vâng lời bố mẹ là đủ rồi. Nhưng nếu chung cư bị hỏa hoạn khi vắng bố mẹ thì các con phải tự làm gì? Hoặc khi ra đường bị lạc hay gặp phải kẻ xấu dụ dỗ thì phải làm sao?”, chị Huyền trăn trở.

Chị Nguyễn Thị Nguyệt (Q.3, TP.HCM), nói: “Thật sự giật mình vì tự dưng nghĩ nếu đặt con mình vào trường hợp đó thì con có thể sống sót được không. Vì từ trước giờ, lúc nào cũng lo lắng cho con, nhiều khi con xin tham gia các khóa dã ngoại mình cũng lo sợ và không cho con đi”.

Còn chị Nguyễn Nhật Linh (chung cư Bắc Rạch Chiếc, Q.9, TP.HCM) thì tự nhận bản thân lâu nay chưa xem trọng việc này. “Thú thật chỉ khi có những sự cố xảy ra mới khiến bản thân phải suy nghĩ lại. Trong dịp tết năm rồi, cho con về quê nội, trong lúc chơi vô tình làm đứt tay chảy máu nhưng con hoảng rồi la lên tán loạn. Mình ở xa, chạy về thì con cũng chảy mất nhiều máu. Lúc đó mới nghĩ, nếu con được dạy những kỹ năng cầm máu thì sẽ không hoảng loạn như vậy”.

Nói rồi chị Linh thở dài: “Ngày xưa sao mình dang nắng dầm sương được, nhưng giờ cứ hễ cho con ra với thế giới bên ngoài hay xa mình một tí là đã có cảm giác bất an”.

Hãy “đẩy” con ra thế giới bên ngoài

Là người chuyên tổ chức các khóa dã ngoại, dạy kỹ năng sống, kỹ năng sinh tồn cho trẻ, anh Nguyễn Đăng Phúc, Giám đốc Trung tâm sinh hoạt dã ngoại thanh thiếu nhi TP.HCM, cho rằng hiện nay phụ huynh có quan tâm đến việc dạy kỹ năng sinh tồn cho trẻ nhiều hơn nhưng số lượng này chưa chiếm đa số, bởi nhiều phụ huynh vẫn còn rất e ngại và lo sợ.

“Số đông phụ huynh vẫn rất nặng nề về việc cho con ra với thế giới bên ngoài. Nhưng nếu như vậy trẻ không được tiếp xúc với thế giới bên ngoài, sau này sẽ thiếu những kiến thức về môi trường để khi gặp phải có thể ứng phó được”, anh Phúc nhìn nhận.

Cũng theo anh Phúc, nhiều phụ huynh nhìn thấy các hoạt động huấn luyện thì e ngại, sợ con không tiếp thu được hoặc sẽ gây ra rủi ro lớn hơn cho con. Nhưng phụ huynh lại không ý thức được là những “rủi ro” này sẽ tạo cho con những trải nghiệm và kỹ năng, cũng như ý thức được khi gặp sự cố.

Anh Phúc cho rằng đầu tiên cần dạy cho trẻ giữ được bình tĩnh, sau đó mới huấn luyện những giải pháp trong từng trường hợp cụ thể. Việc giữ được bình tĩnh rất quan trọng vì nếu la ó hay hoảng sợ thì chỉ làm bản thân thêm đuối sức. Mà sức khỏe lại rất quan trọng để giúp các em chống cự qua những ngày gặp nạn. Đối với một đứa trẻ, việc giữ bình tĩnh là rất khó, vì thế phải cho bé tiếp xúc và trải nghiệm nhiều để bé quen dần. Không những thế, việc dạy những kỹ năng cơ bản sẽ giúp bé tự tin hơn.

Thạc sĩ tâm lý Nguyễn Hoàng Dũng, giảng viên Trường ĐH Thủ Dầu Một, Bình Dương, nhận xét: “Cha mẹ e dè thế giới bên ngoài, không dám tin tưởng thả con mình ra mà ngay chính trong gia đình, cha mẹ cũng không dám thả con ra, cho con tự lập, tự làm những việc nhà thì làm sao con sau này ra đời có được những kỹ năng cần thiết để tự bảo vệ bản thân”.

Ông Dũng khuyên hãy cho con tham gia làm việc nhà trước rồi đến việc ngoài xã hội. Ví dụ những đứa trẻ phụ mẹ nấu cơm, lặt rau, quét nhà… thì trong quá trình đó sẽ có những rủi ro xảy ra (dù nhỏ) nhưng con sẽ được giao tiếp với mẹ và học được kỹ năng cần thiết có thể vận dụng vào cuộc sống nếu gặp phải những trường hợp tương tự.

“Hãy cho con sống chung với những “rủi ro”, cùng tham gia vào từng công việc nhỏ trong nhà. Từ những kỹ năng trong gia đình, chúng ta và cả con cái cũng sẽ tự tin hơn khi con bước ra thế giới bên ngoài. Đấy chính là liều kháng thể tốt nhất cho con đón nhận những điều bao la từ thế giới ngoài kia”, ông Dũng nhìn nhận.

Theo thanhnien.com.vn
MỚI - NÓNG

Có thể bạn quan tâm

Dubai cảnh báo khẩn vì bất ngờ hứng lượng mưa bằng 2 năm chỉ trong một ngày

Dubai cảnh báo khẩn vì bất ngờ hứng lượng mưa bằng 2 năm chỉ trong một ngày

HHT - Bình thường vẫn nóng và khô theo kiểu sa mạc, thậm chí vài hôm trước vẫn rất nóng bức, nhưng rồi thành phố Dubai (UAE) bất ngờ có mưa to. Mưa nhiều đến mức lượng mưa trong một ngày bằng tổng lượng mưa ở đây trong 2 năm, gây rất nhiều khó khăn cho cuộc sống của người dân vốn không quen với mưa thế này.
Cùng ở miền Bắc nhưng nhiệt độ tại Sơn La lại chênh lệch rất lớn so với Hà Nội

Cùng ở miền Bắc nhưng nhiệt độ tại Sơn La lại chênh lệch rất lớn so với Hà Nội

HHT - Nắng nóng tiếp tục diễn ra gay gắt tại nhiều nơi trên cả nước, trong đó có các tỉnh Tây Bắc Bộ. Tại Yên Châu (Sơn La), mức nhiệt đo được lúc 13h lên đến 41,7 độ C. Trong khi đó, Đông Bắc Bộ có nền nhiệt duy trì ngưỡng cao nhất khoảng 29-32 độ C. Vì sao lại có sự khác biệt rõ rệt này?