Cho vay trả lương phục hồi sản xuất: Chỉ giải ngân được nửa số tiền dự kiến

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Dù dự kiến Nhà nước sẽ tái cấp vốn để cho doanh nghiệp vay ưu đãi trả lương ngừng việc và phục hồi sản xuất lên tới 7.500 tỷ đồng và sắp tới hạn dừng chính sách hỗ trợ này nhưng thực tế đến nay các ngân hàng chỉ giải ngân được phân nửa.

Theo Nghị quyết 68/NQ-CP ngày 1/7/2021 của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước tái cấp vốn khoảng 7.500 tỷ đồng để Ngân hàng chính sách xã hội cho người sử dụng lao động vay ưu đãi lãi suất 0% để trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất. Thời hạn giải ngân các gói vay hỗ trợ tới hết tháng 3/2022. Chính sách này từng được áp dụng năm 2020, nhưng không mấy thành công, khi tỷ lệ doanh nghiệp được vay rất ít, lần thứ 2 chính sách được áp dụng tỷ lệ cho vay có tăng, nhưng vẫn thấp hơn kỳ vọng rất nhiều.

Theo Ngân hàng Chính sách xã hội, tính đến ngày 23/2/2022, ngân hàng này đã giải ngân cho doanh nghiệp vay ưu đãi để trả lương được gần 4.000 tỷ đồng, đạt hơn 53% tổng kinh phí dự kiến cho vay. Số tiền được giải ngân cho hơn 3.100 doanh nghiệp vay để trả lương cho hơn 1 triệu lượt người lao động.

Trong đó, vay trả lương ngừng việc đã giải ngân được 259 tỷ đồng (chiếm 3,5% tổng số tiền vay); vay trả lương phục hồi sản xuất giải ngân được hơn 3.500 tỷ đồng (chiếm gần 47% tổng số tiền vay); giải ngân cho các doanh nghiệp thuộc nhóm chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi dịch COVID-19 (giao thông, du lịch, lưu trú…) cũng chỉ được 227 tỷ đồng (chiếm 3% tổng số tiền đã giải ngân).

Số tiền vay đã giải ngân tập trung chủ yếu ở Đồng Nai (hơn 900 tỷ đồng), TPHCM (hơn 500 tỷ đồng), Bình Dương (hơn 400 tỷ đồng), Hà Nội (hơn 200 tỷ đồng), Bắc Ninh (hơn 200 tỷ đồng).

Cho vay trả lương phục hồi sản xuất: Chỉ giải ngân được nửa số tiền dự kiến ảnh 1

Sắp hết hạn giải ngân, chỉ nửa số tiền dự kiến ban đầu được cho vay ưu đãi để doanh nghiệp bị ảnh hưởng dịch COVID-19 trả lương cho người lao động.

Con số giải ngân tiền vay ưu đãi trên cho thấy, số tiền cho vay cũng chỉ tập trung vào các doanh nghiệp còn hoạt động, khả năng phục hồi tốt. Trong khi đó, nhóm bị ảnh hưởng nặng nề, phải cắt giảm lao động, thậm chí tạm dừng hoạt động (vay trả lương ngừng việc, 5 ngành chịu ảnh hưởng nặng) vẫn khó tiếp cận được vốn ưu đãi.

Đánh giá về chính sách cho vay ưu đãi trên, Bộ LĐ-TB&XH cho rằng, chính sách đã thể hiện được sự chia sẻ của Nhà nước với khó khăn của doanh nghiệp; nguồn vốn để hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn đại dịch, ổn định cuộc sống người lao động.

Tuy nhiên, bộ này cũng nhìn nhận, giai đoạn đầu việc triển khai còn chậm do vướng mắc về thủ tục, điều kiện để được vay (xác định lao động ngừng việc theo yêu cầu của cơ quan Nhà nước, điều kiện về không nợ xấu, đã quyết toán thuế). Sau đó, các quy định này phải sửa đổi cho sát thực tế.

Bên cạnh đó, đơn vị đề xuất chính sách cũng nhìn nhận, tỷ lệ giải ngân còn thấp, chưa đạt mục tiêu đặt ra khi tới nay chỉ giải ngân được hơn 53% tổng số tiền so với dự kiến ban đầu, đặc biệt các lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng số tiền được vay còn thấp.

Trước đó, năm 2020, chính sách cho doanh nghiệp vay ưu đãi để trả lương ngừng việc vì ảnh hưởng dịch COVID-19 cũng từng được áp dụng (theo gói an sinh 62 nghìn tỷ đồng). Khi đó, chính sách này cũng được xây dựng với nhiều kỳ vọng lớn, số tiền dự kiến cho vay lên tới khoảng 16.200 tỷ đồng. Tuy nhiên, tới hết năm 2020, thực tế chỉ giải ngân cho vay được số tiền chưa tới 42 tỷ đồng (chỉ 245 doanh nghiệp tiếp cận được vốn vay ưu đãi).

MỚI - NÓNG
Nạn nhân của chiêu trò lừa đảo cài dịch vụ công giả mạo kể lại việc bị chiếm quyền điều khiển điện thoại
Nạn nhân của chiêu trò lừa đảo cài dịch vụ công giả mạo kể lại việc bị chiếm quyền điều khiển điện thoại
TPO - Sau khi 3 đối tượng mạo danh công an liên hệ yêu cầu cập nhật thông tin cá nhân trên ứng dụng dịch vụ công, chị H. (trú tại Hà Nội) cài đặt ứng dụng giả mạo theo đường link các đối tượng gửi và bị chiếm hoàn toàn quyền điều khiển điện thoại, "hack" tài khoản Facebook, Zalo...