Trong khoảng thời gian kéo dài trước và sau trận, mọi hoạt động kinh doanh, ăn uống, buôn bán, cổ vũ đều diễn ra tại cổng sân vận động dẫn đến tình trạng “tiện tay” xả rác của một bộ phận người hâm mộ. Mỹ Đình trở thành "bãi rác" khổng lồ chỉ sau một buổi chiều.
Đa số rác thải là các loại vỏ chai lọ, hộp nhựa đựng đồ ăn nhanh và hàng nghìn chiếc túi nilong nằm la liệt trên mặt sân.
Cơn bão cổ động đi qua để lại “bãi rác” ngập ngụa, bốc mùi, không chỉ gây mất cảnh quan đô thị, ô nhiễm môi trường mà còn để lại cái nhìn không tốt về hành vi thiếu ý thức của một bộ phận người hâm mộ.
Chiếc băng rôn vừa vài phút trước được buộc lên đầu với niềm tự hào dân tộc, sau khi bão tan đã nằm gọn dưới bánh xe của một người khác. Lực lượng chức năng ngay trong đêm đã đi vòng quanh khu vực cổng sân vận động để tìm nhặt, thu gom những băng rôn, miếng dán hình cờ tổ quốc không để nằm la liệt dưới đất.
Những người bán hàng ở đây cả ngày ngồi xung quanh rác, lượng rác tăng lên càng lúc càng nhiều vào cuối ngày.
Công nhân vệ sinh môi trường sẽ phải làm việc cả đêm để dọn dẹp bãi rác khổng lồ, đảm bảo sáng mai đường phố vẫn sạch đẹp.
Sau mỗi trận đấu quan trọng của đội tuyển Việt Nam, người dân thường sẽ xuống đường “đi bão” để ăn mừng chiến thắng, hòa mình trong niềm tự hào dân tộc. Nhưng “yêu nước” không chỉ là việc khoác trên mình lá cờ Tổ quốc rong ruổi khắp các phố phường rồi hô to khẩu hiệu “Việt Nam vô địch!”. Yêu nước còn là ý thức bảo vệ môi trường, tôn trọng luật pháp và hành xử văn minh.