Chống gian lận từ những chi tiết nhỏ

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ trò chuyện với cán bộ, giáo viên làm công tác coi thi, phục vụ thi tại điểm thi THPT Yên Viên - Gia Lâm, Hà Nội. Ảnh: Như Ý.
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ trò chuyện với cán bộ, giáo viên làm công tác coi thi, phục vụ thi tại điểm thi THPT Yên Viên - Gia Lâm, Hà Nội. Ảnh: Như Ý.
TP - Hôm qua, 25/6, các thí sinh thi THPT quốc gia 2018 bước vào ngày thi đầu tiên với hai môn Ngữ văn (buổi sáng) và Toán (buổi chiều). Năm nay, từ sự cố lọt đề của Hà Nội trong kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 cùng với lo ngại nạn quay cóp dùng công nghệ cao, toàn ngành giáo dục căng mình lo bảo mật và an toàn cho kỳ thi.

Sáng qua, khi thực tế tại các điểm thi của huyện Sóc Sơn, Hà Nội, phóng viên khá bất ngờ khi thấy điểm trưởng, điểm phó một điểm thi lúi húi cắt cắt, ký ký vào những mảnh giấy có kích thước nhất định và bằng nhau được cắt ra từ những tờ giấy mỏng tang như giấy ăn. Khi hỏi ra mới biết, Bộ GD&ĐT vừa có quy định nhãn niêm phong phải dùng loại giấy mỏng, không được dán bằng băng dính giấy như mọi năm. Theo vị điểm phó của điểm thi này,  Cục Quản lý chất lượng, Bộ GD&ĐT vừa có văn bản mới nhất về việc niêm phong túi bài thi kỳ thi THPT quốc gia. Văn bản này quy định sử dụng nhãn niêm phong là loại giấy mỏng, dễ rách khi bóc niêm phong (không sử dụng băng dính giấy để niêm phong), dán đủ nhãn niêm phong vào chính giữa các mép dán của túi đựng bài thi;  Trên nhãn niêm phong phải ghi rõ họ tên của Phó trưởng điểm thi là cán bộ của trường ĐH, CĐ phối hợp, có đủ chữ ký của 2 cán bộ coi thi và thư ký  (người trực tiếp thu bài thi) tại điểm thi, đồng thời phó trưởng điểm phải ký giáp lai giữa nhãn niêm phong và túi đựng bài thi; đóng dấu giáp lai niêm phong theo quy định.

Tại điểm thi trường THPT Tiên Lãng, Mê Linh, Hà Nội, thầy Ngô Đắc Năm, trưởng điểm thi cũng cho biết giám thị và cán bộ coi thi cũng dùng giấy ăn để làm nhãn niêm phong. Theo đề xuất của thầy Ngô Đắc Năm, từ năm sau, Bộ cần thống nhất một loại nhãn niêm phong để các điểm thi dễ thực hiện. Năm nay, văn bản chỉ đạo về sát ngày thi, nên nhiều điểm trưởng “trở tay” không kịp.

Một điểm nữa là năm nay quy định kết thúc kỳ  thi mới vận chuyển bài thi nên các điểm trưởng có trách nhiệm bảo vệ trong suốt thời gian thi. Thầy Ngô Đắc Năm cho biết vì quy định thế nên Bộ cũng đã có quy định bổ  sung yêu cầu khi bóc niêm phong túi phiếu trả lời trắc nghiệm, ngoài cho thí sinh chứng kiến phải có biên bản đóng dấu. Không những thế, mỗi phiếu trả lời trắc nghiệm chẳng may phải thay thì cũng phải có biên bản đóng dấu rất cẩn thận.

Tại điểm thi trường THCS Mai Đình, Sóc Sơn, Hà Nội, thầy Đinh Bá Ngọc, hiệu trưởng nhà trường, phó điểm trưởng điểm thi cho biết sự việc lọt đề thi lớp 10 vừa qua là của chính giáo viên trường thầy, và cũng tại chính điểm thi do thầy làm chủ tịch hội đồng thi vào lớp 10 của Hà Nội (trường THPT Vân Nội, Đông Anh). Sự việc đó đã để lại một bài học sâu sắc. Vì theo thầy Ngọc, thầy Nông Hoàng Phúc đã có hơn 20 năm giảng dạy và rất nhiều năm đi làm công tác thi. Trước khi tham gia kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10, thầy Phúc vừa xong  làm thi nghề. Lần thi này, điểm thi đã dành riêng một tủ sắt có nhiều ngăn cho giám thị để điện thoại. Tủ sẽ được khóa cho đến hết buổi thi.

Chia sẻ với Tiền Phong, GS. Nguyễn Hữu Tú, phó hiệu trưởng ĐH Y Hà Nội cho rằng so với các địa phương khác có thể thấy thí sinh Hà Nội “thiệt” hơn. Vì phối hợp với sở GD&ĐT tổ chức thi là các trường ĐH lớn, không có trường ĐH địa phương. Trong khi đó, tại các tỉnh thành khác, chủ yếu là ĐH địa phương phối hợp cùng sở nên không tránh khỏi yếu tố vùng miền. Tuy nhiên, năm nay, thí sinh Hà Nội có lợi thế đó là điểm khu vực đã giảm 50% nên các em có nhiều cơ hội hơn. Như những năm trước, tỷ lệ thí sinh Hà Nội đỗ vào ngành y đa khoa của ĐH Y Hà Nội chỉ chiếm một tỷ lệ rất thấp.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ:

Hi vọng một kỳ thi nghiêm túc, nhẹ nhàng

Sáng ngày 25/6, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đã đến kiểm tra điểm thi Trường THPT Yên Viên, huyện Gia Lâm (Hà Nội).

Trò chuyện với cán bộ, giáo viên làm công tác coi thi, phục vụ thi bộ trưởng nhấn mạnh: cán bộ, giáo viên phải làm việc nghiêm túc, đúng quy chế nhưng nhẹ nhàng, không gây áp lực cho thí sinh. Nhắn nhủ tới thí sinh, Bộ trưởng nói: “Tôi mong thí sinh bình tĩnh, tự tin và thực hiện đúng quy chế. Vì chỉ khi thực hiện đúng quy chế thì sự tự tin mới vững vàng. Nếu có ý định gì khác thí sinh sẽ lúng túng, sai sót ngay”.

Đánh giá về công tác chuẩn bị kỳ thi, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết, bộ và các đơn vị, địa phương phối hợp tốt nên công tác chuẩn  bị chu đáo, trước ngày thi, mọi công việc đã hoàn tất.   

Nguyễn Hà

MỚI - NÓNG