Chủ động để tránh thiệt hại cho cây trồng vật nuôi

0:00 / 0:00
0:00
TP - Trước diễn biến xấu của thời tiết, đặc biệt là tình trạng rét đậm, rét hại, một số địa phương vùng cao của Lào Cai, Yên Bái đã chủ động phương án phòng tránh thiệt hại cho cây trồng, vật nuôi.

Ngày 22/1, tại các xã, phường của thị xã Sa Pa, nhiều hộ dân đã có các phương án bảo vệ cho đàn gia súc bằng cách gia cố, che chắn chuồng trại. Đối với cây trồng, hiện bà con được khuyến cáo không gieo trồng trong những ngày giá rét. Những diện tích hoa màu đến thời vụ cũng nhanh chóng được thu hoạch.

Chủ động để tránh thiệt hại cho cây trồng vật nuôi ảnh 1

Bà con nuôi nhốt trâu, bò trong chuồng khi thời tiết rét đậm, rét hại

Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Trần Mạnh Hùng - Trưởng phòng Kinh tế thị xã Sa Pa (Lào Cai) cho biết, hiện nay cây trồng vụ đông chủ yếu là cây trồng đặc hữu của Sa Pa với các loại rau chịu rét tốt như su hào, bắp cải, cải xoong, cải ngồng.

Đối với gia súc, lượng chuồng trại nuôi nhốt gia súc đã đảm bảo gia cố, che chắn trên 93%. Trên 80% số hộ đã dự trữ đủ thức ăn cho gia súc. Trời rét đậm, rét hại, các hộ cũng đã đưa gia súc về chuồng.

“Hiện tại chưa ghi nhận thiệt hại về cây trồng, vật nuôi”, ông Trần Mạnh Hùng thông tin.

Tại Yên Bái, nền nhiệt phổ biến 15 - 17 độ C. Nhiều địa phương vùng cao Trạm Tấu, Mù Cang Chải dưới 9 độ C. Các địa phương đã chủ động tuyên truyền, hướng dẫn người dân thực hiện các biện pháp chống rét, bảo đảm sức khỏe và an toàn.

Theo các hộ dân nơi đây, những thời điểm có rét đậm, rét hại các gia đình đều được cán bộ xã đến tuyên truyền, thông báo nên những năm gần đây không còn tình trạng trâu, bò bị chết rét.

Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Lương Văn Thư, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Mù Cang Chải cho biết, đối với mùa đông, ngay khi đầu vụ, phòng đã tham mưu huyện lên các phương án cụ thể ứng phó cho từng cấp độ phức tạp của thời tiết.

Theo đó, địa phương yêu cầu người dân làm chuồng trại kín gió, di chuyển gia súc về chuồng, không thả rông vào rừng. Tận dụng những khu đất trống để trồng gần 500 ha cỏ voi và ngô sinh khối, vận động hơn 8.000 hộ dân chăn nuôi trâu, bò dự trữ đủ lượng rơm khô; khuyến cáo người dân dùng chăn cũ, bao tải đay quấn quanh cơ thể gia súc để giữ ấm, không chăn thả gia súc khi nhiệt độ xuống dưới 10 độ C.

Ông Nguyễn Thành Hưng - Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Trạm Tấu đánh giá, đến thời điểm này, huyện đã triển khai tốt việc phòng, chống đói, rét, dịch bệnh cho đàn gia súc đến từng hộ chăn nuôi tại 57 thôn, bản của 12 xã, thị trấn.

Xã cũng vận động người dân dự trữ được gần 3.500 cây rơm, mỗi xã trồng mới ít nhất 2 ha ngô sinh khối, các hộ dân trồng thêm diện tích cỏ voi để bảo đảm thức ăn tươi cho đàn gia súc; duy trì phun tiêu độc khử trùng tại các khu vực chăn nuôi, cơ sở giết mổ gia súc, không để mầm bệnh bùng phát.

Băng tuyết xuất hiện ở đỉnh núi cao Lạng Sơn, Cao Bằng

Chiều tối 22/1, khi nhiệt độ xuống thấp, chừng âm 1 độ C, tại đỉnh Mẫu Sơn (huyện Lộc Bình, Lạng Sơn) và Phia Oắc (huyện Nguyên Bình, Cao Bằng) xuất hiện băng tuyết khá dầy.

Bà Trần Thị Phượng, Chủ tịch UBND xã Thành Công, huyện Nguyên Bình, Cao Bằng chia sẻ: Trước tình hình thời tiết băng giá, chính quyền địa phương đã chỉ đạo các trường học có giải pháp tăng cường chống rét cho học sinh, nhất là ngừng các hoạt động ngoài trời. Đồng thời, xã thành lập các đoàn đi kiểm tra công tác phòng, chống đói, rét cho đàn gia súc tại các thôn, xóm trên địa bàn. Tại Lạng Sơn, các cấp chính quyền, đoàn thể, ngành chức năng tuyên truyền và cảnh báo về thời tiết giá lạnh, khắc nghiệt và người dân cũng đã chủ động đưa gia cầm, gia súc về chuồng và thực hiện công tác phòng chống giá rét nên chưa ghi nhận có sự thiệt hại về người và của ở hai tỉnh miền núi, biên giới Lạng Sơn, Cao Bằng. Nguyễn Duy Chiến

MỚI - NÓNG