Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng về thăm trường cũ

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Thăm Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia TP.HCM sáng 13/11, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng gửi lời chúc mừng đến các thầy cô giáo nhân ngày Nhà giáo Việt Nam.

Sáng 13/11, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng, cựu sinh viên Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia TPHCM, đã về thăm trường cũ và làm việc với đội ngũ giảng viên, lãnh đạo nhà trường nhân kỷ niệm ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11.

Tại không gian truyền thống Phong trào học sinh, sinh viên Sài Gòn - Gia Định - TPHCM, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng dâng hoa, tôn vinh những giá trị tốt đẹp hình thành trong lịch sử hơn 65 năm của các thế hệ sinh viên nhà trường. Đồng thời, Chủ tịch nước cũng trồng tặng trường một cây mai vàng được đưa từ quê hương Vĩnh Long của ông.

Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng về thăm trường cũ ảnh 1

Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và các thầy cô giáo. Ảnh: TTXVN

Chủ tịch nước gửi lời chúc mừng đến các thầy cô giáo nhà trường nhân ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11. Ông nhắc đến nhiều người thầy cũ, nhìn nhận kiến thức sâu rộng, nhân cách mẫu mực của thầy cô, động viên những thế hệ sinh viên bước vào cuộc sống với nhiều hoài bão.

Chủ tịch nước cũng nêu rõ quan điểm của Đảng và Nhà nước về vai trò của đội ngũ tri thức lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng chia sẻ: "Cách đây hơn 30 năm, dưới mái trường này, chúng tôi đã được học tập với những cô giáo, thầy giáo đầy nhiệt huyết, luôn quan tâm đến sự tiến bộ của sinh viên. Những thành công có được của lớp sinh viên ngày ấy, trong đó có cá nhân tôi, có phần từ công lao dạy bảo của các thầy cô".

Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng còn trao đổi thêm nhiều vấn đề về đào tạo đại học. Theo Chủ tịch nước, nhiệm vụ của giáo dục đại học không chỉ là truyền thụ tri thức, tạo ra tri thức mới, phục vụ sự tiến bộ, phồn vinh và hạnh phúc của xã hội mà còn chuẩn bị cho con người có đủ phẩm chất và năng lực hành động, sáng tạo, thích ứng trong một thế giới không ngừng biến động phức tạp, khó lường.

Trường đại học phải là nơi phát hiện năng lực, bồi dưỡng các giá trị, tạo nền tảng để cá nhân được phát triển toàn diện, phát huy tốt nhất tiềm năng, khả năng sáng tạo; từ đây cung cấp cho xã hội những công dân có trách nhiệm, sống tốt và làm việc hiệu quả.

Chủ tịch nước nêu rõ: Đất nước đang nỗ lực hiện thực hóa khát vọng phồn vinh, hạnh phúc, phấn đấu đến năm 2045 trở thành nước phát triển có thu nhập cao. Khát vọng và tầm nhìn ấy chỉ có thể thành hiện thực khi có nền tảng khoa học và giáo dục chất lượng, trong đó khoa học xã hội và nhân văn đóng vai trò quan trọng.

Báo cáo với Chủ tịch nước tại buổi làm việc, PGS.TS Ngô Thị Phương Lan, Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TPHCM cho biết, trường là nơi hội tụ các nhà khoa học đầu ngành trong lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn, thu hút sinh viên, học viên quốc tế đến từ hơn 85 quốc gia và vùng lãnh thổ đến học tập, nghiên cứu.

Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng về thăm trường cũ ảnh 2

Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và các thầy cô giáo.

Trong bối cảnh tự chủ đại học, trường mong muốn Nhà nước quan tâm kịp thời đến công tác đào tạo, nghiên cứu các ngành khoa học cơ bản, trong đó có lĩnh vực Khoa học xã hội.

"Nếu không có sự quan tâm kịp thời, các ngành này có nguy cơ tụt hậu trước cơ chế thị trường, dẫn đến sự thiếu hụt nguồn nhân lực khoa học cơ bản trong tương lai", bà Lan nói.

Bà Ngô Thị Phương Lan đề xuất cần có chính sách đãi ngộ tốt hơn để giảng viên yên tâm công tác. Mặt khác, để đảm bảo công bằng trong tiếp cận giáo dục đại học, Nhà nước cần có chính sách tín dụng phù hợp để sinh viên có điều kiện nâng cao trình độ.

MỚI - NÓNG