Chủ tịch Tập Cận Bình gửi thông điệp rắn khi Đặc phái viên khí hậu Mỹ thăm Trung Quốc

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Trung Quốc sẽ đi theo con đường riêng của mình để giảm phát thải carbon chứ không chịu tác động từ bên ngoài. Đó là thông điệp mà Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đưa ra khi Đặc phái viên khí hậu Mỹ John Kerry kêu gọi phải hành động nhanh hơn để đối phó với khủng hoảng khí hậu.
Chủ tịch Tập Cận Bình gửi thông điệp rắn khi Đặc phái viên khí hậu Mỹ thăm Trung Quốc ảnh 1

Đặc phái viên khí hậu Mỹ John Kerry (trái) trong cuộc gặp Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường tại Bắc Kinh. (Ảnh: AP)

Ông Kerry đang có chuyến thăm Bắc Kinh để thúc giục hợp tác giữa hai siêu cường trong lĩnh vực biến đổi khí hậu.

Trong khi đó, hãng thông tấn Xinhua dẫn lời ông Tập phát biểu tại một hội nghị quốc gia về bảo vệ môi trường rằng cam kết của Trung Quốc với mục tiêu kép về carbon, bao gồm đạt đỉnh phát thải vào năm 2030 và trung hòa carbon vào năm 2060, là “kiên định”.

“Tuy nhiên, con đường, phương pháp, nhịp độ và cường độ thực hiện mục tiêu đó phải do chúng ta tự quyết định, và sẽ không bao giờ chịu ảnh hưởng của người khác”, ông Tập nói.

Ngày 18/7, ông Kerry gặp Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường và Chủ nhiệm Ủy ban đối ngoại Đảng Cộng sản Trung Quốc Vương Nghị để bàn về chủ đề này, trong bối cảnh thế giới đang phải hứng chịu những đợt sóng nhiệt khủng khiếp ở nhiều nơi.

Trong cuộc gặp ông Lý, ông Kerry nhấn mạnh “sự cần thiết phải phi carbon hóa ngành năng lượng, giảm phát thải mê-tan, giảm nạn phá rừng”, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết trong một thông cáo.

Ông Kerry cũng thúc giục Trung Quốc “có những bước đi bổ sung để tránh tác động tồi tệ nhất của khủng hoảng khí hậu”.

Trung Quốc đầu tư nhiều cho năng lượng sạch trong những năm gần đây. Công suất điện mặt trời của nước này hiện nay đã lớn hơn cả thế giới cộng lại. Trung Quốc cũng đi đầu trong phát triển điện gió và xe điện.

Bên cạnh đó, Trung Quốc cũng phê duyệt thêm dự án xây dựng nhà máy nhiệt điện để cải thiện an ninh năng lượng, khiến giới chuyên gia môi trường lo ngại rằng điều này sẽ khiến nỗ lực từ bỏ than chậm hơn và khó khăn hơn.

Phát biểu lần này của ông Tập gợi ý rằng Trung Quốc không muốn bị thúc giục, bị gây sức ép, nhất là từ Mỹ.

Trung Quốc và Mỹ là hai nước phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính lớn nhất thế giới, vì thế bất kỳ nỗ lực nào nhằm xử lý khủng hoảng khí hậu cũng cần cả hai nước tham gia.

Quan hệ Mỹ - Trung đang ở mức thấp nhất trong nhiều năm vì hàng loạt mâu thuẫn, từ địa - chính trị đến thương mại và công nghệ.

Tuy nhiên, Washington vẫn nói rằng hợp tác khí hậu với Trung Quốc là vấn đề riêng, tách biệt với những tranh chấp khác.

Còn Bắc Kinh có quan điểm khác. Năm ngoái, Trung Quốc dừng đối thoại khí hậu với Mỹ sau khi Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi khi đó thăm đảo Đài Loan (Trung Quốc).

Khi gặp ông Vương Nghị, ông Kerry nhấn mạnh rằng hai nước “không thể để những khác biệt song phương cản trở tiến triển trong hợp tác khí hậu”.

Tuy nhiên, ông Vương Nghị nhấn mạnh rằng hợp tác trong lĩnh vực này “không thể tách khỏi môi trường chung của quan hệ Trung – Mỹ”. Ông thúc giục Mỹ thực hiện “chính sách hợp lý, thực chất và tích cực với Trung Quốc”, đồng thời “xử lý đúng đắn vấn đề Đài Loan”.

Theo CNN
MỚI - NÓNG