Chưa bao giờ cánh cửa để K-Pop trở thành “Pop Culture” mở rộng đến thế

Chưa bao giờ cánh cửa để K-Pop trở thành “Pop Culture” mở rộng đến thế
HHT - Rất nhiều khán giả từ Đông sang Tây đều canh cánh trong lòng một câu hỏi -"Liệu K-Pop đã thật sự trở thành một xu hướng văn hóa đại chúng tại Mỹ hay chưa?".

K-Pop có thể “thống trị” nước Mỹ?

Ngày 27/5/2018, LOVE YOURSELF Tear (BTS) trở thành album K-Pop đầu tiên đạt #1 Billboard 200. Nhưng đây không phải lần đầu tiên K-Pop làm nên lịch sử. Năm 2012, Gangnam Style (PSY) đã từng “làm mưa làm gió” tại Mỹ. Khi ấy nhiều người nghĩ đã đến lúc K-Pop “đánh chiếm” nước Mỹ, nhưng kết quả là “đâu lại vào đấy”.

KCON tổ chức tại New York vào đầu năm 2018 đã rất thành công

Tuy nhiên, K-Pop không hề biến mất mà vẫn âm thầm phát triển ngay trong lòng nước Mỹ. Bằng chứng là KCON - festival K-Pop số một thế giới không ngừng mở rộng quy mô tại Mỹ. Từ 10.000 vé bán ra vào năm 2012, con số ấy giờ đã lên đến 128.000 vào năm 2017. Không chỉ xem K-Pop, người Mỹ còn muốn học cả tiếng Hàn. Trong giai đoạn 2013 - 2016, số lượt đăng kí các khóa học tiếng Hàn tăng đến 65%, mặc cho nhu cầu học tiếng nước ngoài nhìn chung đã giảm sút.

Các nghệ sĩ K-Pop có fan ở khắp thế giới

Nói như Euny Hong - tác giả cuốn Giải mã Hàn Quốc sành điệu: “Hàn Quốc đã từng không hề cool trong mắt bạn bè phương Tây”. Để có được ngày hôm nay, K-Pop đã phải rất nỗ lực trong suốt nhiều thập kỉ. Không còn thu mình trong “ao làng” châu Á, giờ đây cả đất nước Hàn Quốc đã sẵn sàng mang K-Pop ra thế giới. Trong lễ khai mạc Thế vận hội mùa Đông diễn ra tại Pyeongchang, hàng loạt bản hit hay nhất lịch sử K-Pop đã được cất lên. Đấy là hình ảnh mà Hàn Quốc muốn thể hiện - một mảnh ghép không thể thiếu trong văn hóa toàn cầu.

Nhóm Wonder Girls với ca khúc Nobody nổi tiếng

Không cần đợi đến khi BTS “Mỹ tiến”, K-Pop vốn dĩ đã len lỏi vào văn hóa Mỹ từ cả thập kỷ trước. Năm 2009, Nobody (Wonder Girls) trở thành bài hát K-Pop đầu tiên lọt vào Hot 100. Từ đó đến nay, hàng loạt nghệ sĩ K-Pop đã có album lọt vào Billboard 200 như 2NE1, G-DRAGON, SNSD, EXO, BoA… Nhưng những gì K-Pop còn thiếu là một “cú nổ” thật sự, giống như những gì Despacito đã làm với nhạc Latin.

Chưa bao giờ cơ hội dành cho âm nhạc nước ngoài tại thị trường Mỹ lại rộng mở như lúc này. Trong suốt 16 năm từ 1996 đến 2012, không một ca khúc nước ngoài nào đạt Top 10 Hot 100. Nhưng vào năm 2017, nhờ vào “siêu hit” Despacito mà đã có đến 19 bài hát Latin lọt vào Hot 100. Đây là cơ sở để tin K-Pop cũng có thể làm điều tương tự.

Nền công nghiệp “tỉ đô”

K-Pop ngày càng phát triển

Dưới góc nhìn vĩ mô, sự lan tỏa của K-Pop chính là biểu hiện của sự toàn cầu hóa về văn hóa. Bên cạnh âm nhạc, mạng xã hội cũng là một “đặc quyền” dành riêng cho thế hệ K-Pop thứ 3. Các nghệ sĩ Hàn có thể tương tác với các fan bên kia đại dương trên Twitter từng phút, từng giây.

Đến nay, tổng giá trị của nền công nghiệp âm nhạc Hàn Quốc  đã lên đến 5 tỉ đôla (115 nghìn tỉ đồng) và sẽ tiếp tục tăng nhờ vào sự “xuất khẩu” K-Pop. Ngoài ra, K-Pop còn giúp mang về rất nhiều lợi ích kinh tế. K-Pop làm tăng sự hứng thú của người Mỹ dành cho sản phẩm, ẩm thực và du lịch Hàn Quốc. Từ sản phẩm chăm sóc da đến bibimbap và kimchi, những cửa hàng ở Koreatown (New York) đều chứng kiến sự tăng trưởng đột biến về doanh thu.

BTS đã giúp thương hiệu Puma khởi sắc hơn

Hơn ai hết, các công ty đa quốc gia ý thức rất rõ về sự “phủ sóng” của K-Pop. BTS từng có một hợp đồng quảng cáo cùng Puma - hãng thời trang thể thao hàng đầu thế giới. Ông Adrian Toy - giám đốc marketing của Puma cho biết: “Kế hoạch ban đầu là Puma sẽ tiếp cận thị trường Hàn Quốc thông qua BTS. Nhưng kết quả là BTS đã giúp Puma ‘phủ sóng’ toàn thế giới.” Tháng vừa qua, Converse cũng vừa tung ra phiên bản giày hợp tác cùng BT21 - dòng sản phẩm được thiết kế bởi BTS.

Hãy cho K-Pop một cơ hội!

Sự hiện diện của K-Pop trên đất Mỹ là cơ hội để xã hội phương Tây chấp nhận rằng thế giới đang trở nên “phẳng” hơn bao giờ hết. Việc bạn là ai, bạn trông như thế nào… không còn quan trọng nữa. Nhất là khi BTS giành chiến thắng tại #BBMAs, đâu đó trên Twitter vẫn có những bài viết với nội dung phân biệt chủng tộc kiểu như: “Làm thế nào mà đám châu Á đó có thể thắng được vậy?”.

Chưa bao giờ cánh cửa để K-Pop trở thành “Pop Culture” mở rộng đến thế ảnh 6

Mới đây thôi, Joseph Kahn - đạo diễn đứng sau loạt MV của Taylor Swift vừa có phát ngôn gây tranh cãi về BTS: “Tất cả họ đều phẫu thuật thẩm mỹ và dùng son môi.” Bỏ qua việc chưa có bằng chứng nào cho việc BTS phẫu thuật thẩm mỹ, câu nói này cho thấy sự bất đồng về văn hóa vẫn còn rất lớn. Tại Hàn Quốc, phẫu thuật thẩm mỹ và trang điểm đậm là việc vô cùng bình thường, nhất là đối với các nhóm nhạc thần tượng.

Nhiều người không có thiện cảm với K-Pop bởi định kiến rằng các nhóm nhạc chỉ biết trình diễn những bài hát catchy nhưng rỗng tuếch. Tuy nhiên, BTS đang dần thay đổi định kiến đó. Họ tự mình sáng tác và sản xuất âm nhạc, kể về những câu chuyện mang đậm tính cá nhân và nhờ vậy, các ca khúc của BTS dễ dàng chạm đến khán giả khắp thế giới.

Theo hht 1273
MỚI - NÓNG

Có thể bạn quan tâm

I-LAND 2 tập 1: LE SSERAFIM bị "triệu hồi" trong bài đánh giá của thực tập sinh

I-LAND 2 tập 1: LE SSERAFIM bị "triệu hồi" trong bài đánh giá của thực tập sinh

HHT - I-LAND 2 đã chính thức khởi động với tập đầu tiên lên sóng vào tối 18/4. Một trong những ca khúc được chọn đánh giá thí sinh là "UNFORGIVEN" (LE SSERAFIM). Vô tình lên sóng giữa làn sóng tranh cãi hát live của nhóm nữ nhà Source Music, phần trình diễn của các thực tập sinh (TTS) được đặt lên bàn cân so sánh.