Học đại học và cao học từ 4,5 - 5,5 năm
Trong năm nay, ĐH Quốc gia TP.HCM đã ban hành Quy định tạm thời về đào tạo liên thông từ trình độ ĐH lên thạc sĩ tại ĐH này. Người dự tuyển là sinh viên năm 3 và 4 có điểm trung bình tích lũy đạt loại khá trở lên (7,0 điểm trở lên trong thang điểm 10) và đang theo học ngành phù hợp với ngành đào tạo liên thông. Các đơn vị cơ sở sẽ xây dựng quy định chi tiết về thời gian, điều kiện và tiêu chí xét tuyển người học vào chương trình này.
Hình thức tuyển sinh là xét tuyển, chỉ tiêu tuyển sinh không vượt quá 50% chỉ tiêu đào tạo trình độ thạc sĩ của ngành tương ứng. PGS-TS Vũ Phan Tú, Trưởng ban Sau ĐH, ĐH Quốc gia TP.HCM, cho biết mục tiêu quan trọng của chương trình này nhằm rút ngắn thời gian học ĐH và thạc sĩ của người học. Tuy nhiên, yêu cầu của người học với chương trình này là phải có học lực khá giỏi, còn cơ sở đào tạo phải được kiểm định quốc tế ở cấp chương trình hoặc trường với ngành học triển khai.
Theo quy định này, sau khi hoàn thành thời gian đào tạo chính thức của chương trình liên thông, sinh viên đáp ứng đủ điều kiện sẽ được nhận 2 bằng ĐH và thạc sĩ trong khoảng từ 4,5 - 5,5 năm.
Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM cũng vừa có thông báo tới sinh viên về việc xây dựng chương trình đào tạo mới nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho sinh viên có nguyện vọng học tập nâng cao trình độ. Theo thông báo này, ban giám hiệu đề nghị các khoa và viện xây dựng chương trình đào tạo cao học cần triển khai kết nối chương trình đào tạo liên tục theo hình thức 3,5 năm + 1,5 năm.
Theo đó, sinh viên khi hoàn thành tất cả môn học trong chương trình ĐH (trừ khóa luận tốt nghiệp hoặc các môn học, chuyên đề tốt nghiệp) nếu có nguyện vọng, được đăng ký học chuyển tiếp các chương trình đào tạo cao học. Sinh viên sẽ được tự động kéo dài thời gian học tiếp nối và chưa xét tốt nghiệp trình độ ĐH.
Như vậy, chỉ trong khoảng 4,5 - 5,5 năm, người học có thể nhận được cả bằng ĐH và thạc sĩ theo chương trình mới thay vì cần khoảng 3,5 - 5 năm bậc ĐH và 1,5 - 2 năm bậc cao học theo cách bình thường.
Có bằng ĐH mới xét bằng thạc sĩ
Ông Vũ Phan Tú khẳng định: “Dù được phép học liên thông lên chương trình cao học nhưng trong chương trình liên thông này, sinh viên vẫn phải đảm bảo các điều kiện để được xét tốt nghiệp ĐH theo quy định, bao gồm cả thi tốt nghiệp hoặc làm khóa luận. Chỉ sau khi có bằng ĐH, sinh viên mới được xét tới bằng thạc sĩ”.
Theo quy chế tạm thời mà ĐH Quốc gia TP.HCM đã công bố, cấu trúc chương trình học liên thông này sẽ gồm 2 phần: trình độ ĐH và thạc sĩ. Người học cần đảm bảo tích lũy đủ 180 tín chỉ của chương trình liên thông. Tuy nhiên, người học chỉ được tích lũy không quá 50% số tín chỉ của các môn học chương trình thạc sĩ giảng dạy trong trình độ ĐH.
Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM có cách triển khai khác. Khi đó, khóa luận tốt nghiệp ĐH sẽ được tích hợp vào luận văn tốt nghiệp thạc sĩ. Người học khi bảo vệ thành công luận văn tích hợp này sẽ được xét tốt nghiệp cả hai trình độ ĐH và thạc sĩ. Như vậy, trong chương trình đào tạo thạc sĩ mới, luận văn tốt nghiệp trình độ thạc sĩ sẽ bao gồm thêm 7 tín chỉ trình độ ĐH.
Tuy nhiên, trong trường hợp sinh viên không đủ khả năng hoàn thành luận văn tốt nghiệp theo hướng tích hợp vẫn có thể đăng ký xét tốt nghiệp trình độ ĐH bằng một trong hai cách. Thứ nhất, khóa luận tốt nghiệp được xét tương đương với một số môn học của trình độ thạc sĩ, các khoa đề xuất danh sách các môn học tương đương này. Thứ hai, sinh viên đăng ký làm lại khóa luận tốt nghiệp trình độ ĐH.
Ngoài ra, trong quá trình tham gia chương trình cao học, sinh viên có nguyện vọng xin xác nhận hoàn thành chương trình ĐH để xin việc thì trường sẽ căn cứ vào tình hình thực tế các môn học tương đương để xác nhận cho sinh viên.
Mới thực hiện thí điểm
Trước giờ, việc xét chuyển tiếp (không cần thi) lên cao học chỉ thực hiện với các sinh viên đã tốt nghiệp ĐH, tùy trường sẽ có các điều kiện kèm theo. Chẳng hạn, Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM xét tuyển tiếp cao học với sinh viên tốt nghiệp ĐH có điểm trung bình chung 7,0 trở lên, kết quả rèn luyện khá trở lên, trình độ tiếng Anh đạt IELTS 4.5 trở lên hoặc tương đương và chỉ xét trong 1 năm sau tốt nghiệp.
Trong khối ĐH Quốc gia TP.HCM, trước năm 2018 sinh viên tốt nghiệp ĐH được chuyển tiếp cao học thường phải xếp loại giỏi trở lên, kết quả rèn luyện khá trở lên và chỉ thực hiện xét trong vòng 1 năm sau khi tốt nghiệp (riêng chương trình tài năng điểm tích lũy từ 7,5 trở lên). Từ 2018, ĐH này chính thức mở rộng danh sách diện cử nhân đủ điều kiện xét tuyển (không thi) bậc thạc sĩ với những chương trình đặc biệt như: chất lượng cao PFIEV, được kiểm định ABET, tài năng.
Nay, việc cho phép sinh viên chưa chính thức tốt nghiệp ĐH vẫn được học chuyển tiếp lên chương trình cao học là một hướng đi hoàn toàn mới. Theo PGS-TS Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, kế hoạch đào tạo này hiện đã được bàn tại hội đồng khoa học đào tạo, sắp tới sau khi hội đồng trường phê duyệt sẽ gửi công văn cho Bộ GD-ĐT xin đào tạo thí điểm. Theo ông Dũng, việc thí điểm này mới chỉ thực hiện ở một vài ngành.
Còn PGS-TS Vũ Phan Tú cho biết ĐH Quốc gia TP.HCM đã có văn bản báo cáo Bộ GD-ĐT về việc này. “Hiện chúng tôi mới chỉ ban hành quy chế tạm thời. Sau 2 năm triển khai sẽ tổng kết lại, nếu hiệu quả mới ban hành quy định chính thức”, ông Tú nhấn mạnh.
Theo ông Tú, chương trình liên thông này sẽ được triển khai ngay trong năm nay. Trước mắt, Trường ĐH Bách khoa dự kiến thực hiện tất cả ngành đào tạo, các đơn vị khác vẫn đang làm đề án.