Đáng chú ý, lúc nộp hồ sơ, Trang đạt IELTS 8.0 và SAT 1450. Cả IELTS và SAT đều chủ yếu do cô tự luyện. Từ kinh nghiệm của mình, Thùy Trang đã chia sẻ quá trình học và kinh nghiệm thi của mình với hi vọng phần nào giúp các bạn trẻ đạt được thành quả mong muốn.
Trang cho hay: “Mình xác định đi Mỹ để học đại học vào Hè năm lớp 11. Lúc này cũng khá muộn để bắt đầu quá trình nộp hồ sơ vì gia đình mình xác định mình không thể đi du học nếu không có học bổng, mà để lấy học bổng, bản thân thấy mình còn thiếu quá nhiều thứ như: SAT, SAT subjects, IELTS, GPA cao, hoạt động ngoại khoá xuất sắc, tìm hiểu trường phù hợp, bài luận nộp đại học, thi thố giải thưởng các cấp và chuẩn bị thi tốt đại học năm lớp 12. Do đó, phương án B sẽ là nếu apply du học Mỹ không thành công, mình sẽ ở lại học đại học trong nước.
Sau khi liệt kê hết những thứ phải làm để hoàn thiện một hồ sơ thuyết phục, mình phát hoảng nhận thấy "không đời nào" mình làm xong tất cả trong vòng 1 học kì năm 12.
Nhưng may thay, nhờ chăm chỉ đi xe khách từ Vũng Tàu lên TP. Hồ Chí Minh dự hội thảo du học và gặp nhiều anh chị đã đi trước, nhiều bạn cùng apply, được các anh chị hướng dẫn nộp hồ sơ, mình có những mối quan hệ rất tốt hướng dẫn mình cách nộp học bổng”.
Dưới đây là kinh nghiệm chinh phục học bổng hơn 5 tỷ của Thùy Trang chỉ trong vỏn vẹn một học kỳ:
Bước 1: Thi IELTS/TOELF các thứ trước đi!
Vì để đi du học, bạn cần phải biết tiếng trước mới học được! Đi đâu thì đi, học gì thì học, nộp gì thì nộp, có bằng IELTS trước rồi tính tiếp.
Khi học tiếng Anh, mình không học chỉ vì muốn nâng điểm IELTS được cao hơn mà muốn học kiến thức được viết trong tiếng Anh. Vì vậy, mình hay đọc cái bài viết trên trang The School Of Life để vừa học thêm cách viết, vừa học về triết hoặc nghe các bài Tedtalk để nghe về ý tưởng.
Mình chỉ luyện các bài thi IELTS tầm 1 tháng trước khi thi để làm quen dạng đề. Theo mình, nên học tiếng Anh làm sao để cảm thấy thực sự hứng thú với ngôn ngữ mới hiệu quả nhất.
Bước 2: Bạn là ai?!
Hồ sơ, bài luận, hoạt động ngoại khoá, giải thưởng,... tất cả những thứ này không phải để chứng minh bạn "giỏi" như thế nào, mà để thể hiện cho người tuyển sinh bạn là ai, đam mê bạn là gì, và tại sao bạn lại có những sở thích, đam mê, ước mơ đấy.
Lúc ấy, mình dành ra vài buổi tối chỉ ngồi viết ra mình thích những gì và tại sao lại thế. Đừng bao giờ nghĩ sở thích của mình không đủ to lớn và chẳng đáng để viết vì bất cứ niềm đam mê, ước mơ nào cũng quý giá cả.
Có thể bạn thích make-up, bạn có thể nói bạn thích làm điều đấy vì make-up cho phép bạn được tự do sáng tạo và cảm thấy tự tin... Nếu bạn vẫn lo đam mê không đủ lớn để viết, tin mình đi nó đủ, bài luận của mình viết về đam mê cho cà phê sữa thôi (cười).
Bước 3: SAT, SAT subjects, GPA
Hiện nay nhiều trường ở Mỹ đã cho SAT thành điều kiện không bắt buộc nên bạn không cần thiết phải có để nộp hồ sơ (nếu có thời gian để chuẩn bị vẫn rất tốt). Điểm trung bình cấp 3 cũng quan trọng, nhưng không phải tất cả, nên dù điểm chưa ổn lắm cũng đừng nản mà không nộp.
Đối với SAT, mình nhận thấy môn Toán và Viết không quá khó, nhưng mình luôn chật vật với môn Đọc. Chính vì vậy, mình dành nhiều thời gian cải thiện kĩ năng này bằng cách đọc nhiều sách tiếng Anh hơn và học về lịch sử Hoa Kỳ để có thể hiểu ngữ cảnh của các bài thi đọc nhanh hơn.
Hiện nay, mình qua Mỹ đã được một năm học đại học nhưng mình vẫn cố gắng cải thiện các kĩ năng như viết nhiều hơn bằng cách tham gia viết cho báo của trường.
Bước 4: Nộp đi, đừng sợ!
Quá trình nộp thật sự rất dài và mệt, nhưng đừng nản chí. Nếu bạn được nhận, thật tuyệt vời, bạn sang một đất nước đầy hi vọng mới. Nếu không được, đây sẽ là một kinh nghiệm rất bổ ích cho những lần sau bạn nộp tiếp. Với kinh nghiệm này, bạn sẽ chẳng phải bắt đầu từ con số 0 nữa.
“Đây chỉ là quá trình mình nộp hô sơ Mỹ, còn quá trình học tập và rất nhiều sự thất bại trước đấy của mình cũng chưa nhắc tới.
Để được như hôm nay, không phải chỉ một tháng, một học kỳ chăm chỉ nộp hồ sơ mà thành công đi được vì thế mọi người hãy cố gắng và đừng nản chí.
Và câu chuyện của mình chỉ là một trong hàng nghìn người mỗi năm được nhận học bổng và không phải công thức đảm bảo để lấy học bổng”, Trang lưu ý thêm.