Kỳ thi Học sinh giỏi Quốc gia dời lịch thi
Theo kế hoạch của Bộ GD&ĐT, kỳ thi Học sinh giỏi cấp Quốc gia, dự thi Olympic khu vực và quốc tế năm học 2021 - 2022 sẽ được tổ chức muộn hơn 2 tháng so với mọi năm. Cụ thể, thời gian diễn ra kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia là từ ngày 4/3 đến 6/3/2022. Kết quả sẽ được công bố vào ngày 17/3 đến 20/3/2022.
Đối với kỳ thi chọn đội tuyển Olympic khu vực và quốc tế, thời gian được dự kiến là ngày 6 - 8/4/2022 và kết quả sẽ được công bố sau 10 ngày. Ngoài ra, các kỳ thi như học sinh giỏi cấp tỉnh thành cũng được tổ chức tùy theo tình hình của từng địa phương.
Khó khăn khi ôn thi học sinh giỏi trực tuyến
Bạn Minh Khuê (THPT chuyên Lê Quý Đôn, TP.HCM) chia sẻ: “Vì là năm cuối cấp, các bạn khối 12 vừa phải ôn thi học sinh giỏi môn Địa, chuẩn bị thi học kỳ rồi thi đánh giá năng lực, thi tốt nghiệp nên khá là áp lực. Mình đã học cách quản lý thời gian, chia thành từng chặng để vừa học kiến thức phổ thông vừa ôn kiến thức chuyên. Quan trọng là phải đặt mục tiêu và lên kế hoạch cụ thể”.
Việc ôn tập từ xa gây không ít khó khăn cho các bạn. Bạn Phúc Nguyên (Đội tuyển Toán 12, trường THPT Trần Phú, TP.HCM) chia sẻ: “Mình thấy trong lúc học online, tụi mình rất dễ bị ảnh hưởng bởi môi trường xung quanh hay sự tác động bởi các thiết bị khác như điện thoại dễ làm tụi mình xao nhãng khó tiếp thu được kiến thức hơn”.
Bạn Phúc Nguyên. Ảnh: NVCC |
Bên cạnh đó, hình thức ôn luyện của đội tuyển quan trọng nhất là sự tương tác giữa thầy cô phụ trách và các bạn học sinh. Việc học trực tuyến có thể hạn chế khả năng tiếp thu kiến thức, thầy cô cũng không thể theo sát để kiểm tra, đánh giá năng lực của các teen thường xuyên như học tại trường.
Bạn Minh Trí (Đà Nẵng) bày tỏ: “Với tính chất ôn thi học sinh giỏi thì cần phải viết nhiều, trình bày và sửa chữa lỗi sai khá nhiều nên nếu chỉ trình chiếu trên Powerpoint thì không thể truyền đạt đầy đủ nội dung kiến thức ôn thi”.
Học trực tuyến giúp nâng cao tinh thần tự học
Tuy nhiên, nhiều teen cũng cho rằng đây là cơ hội để mỗi học sinh phát huy đúng nhất thực lực của bản thân và nâng cao khả năng tự học, tự tìm tòi. Thầy Đình Hòa (giáo viên phụ trách đội tuyển Ngữ Văn trường THPT Trần Phú, TP.HCM) nêu quan điểm: “Đối với bộ môn Ngữ Văn, thầy luôn đề cao cá tính và sự sáng tạo của các bạn nên thầy cũng khuyến khích các bạn tự tìm tài liệu và phát triển lối viết phù hợp cho bản thân và thầy chỉ là người cung cấp kiến thức cơ bản và giải đáp một số thắc mắc hoặc định hướng câu trả lời cho các bạn. Với cách học này thì vừa nâng cao khả năng tự học, vừa chủ động, hiệu quả”.
Thầy Đình Hòa khuyến khích các bạn học sinh chủ động ôn tập, tìm tòi kiến thức mới. Ảnh: NVCC |
Với những khó khăn về môi trường học tập xung quanh như vậy, để việc chuẩn bị cho các kỳ thi quan trọng sắp tới thì ngoài việc học online thì tự học qua các trang mạng xã hội, học qua các trải nghiệm cá nhân cũng là một trong những giải pháp được các bạn học sinh lựa chọn.
Từng đạt nhiều giải thưởng ở các kỳ thi học sinh giỏi, bạn Nguyễn Đức Lam Thảo (ĐH KHXH&NV TP.HCM) bật mí: “Việc ghi chép khoa học, cẩn thận cũng sẽ ảnh hưởng đến kết quả rất nhiều. Các bạn cũng nên tích lũy kiến thức song song với việc vận dụng thực tế và quan trọng là hãy cân bằng giữa việc học, giải trí để tinh thần thoải mái”.
Lam Thảo từng đạt giải nhất môn Ngữ Văn cấp thành phố, giải khuyến khích HSG cấp quốc gia. Ảnh: NVCC |
Không chỉ học qua những tài liệu hay giáo trình có sẵn, các “tiền bối” mọi năm đều tìm đến những nguồn học liệu mở để trau dồi thêm kiến thức ngoài. Sử dụng các công cụ, nền tảng như YouTube, Podcast, kiến thức từ sách, phim ảnh cũng là “chìa khóa” để các teen tự học từ xa.