Chúng ta đang ăn cắp công khai, nhưng nghĩ là mình đúng?

Chúng ta đang ăn cắp công khai, nhưng nghĩ là mình đúng?
HHT - Trước việc nữ sinh trường Đại học Luật TP.HCM sử dụng sách photo thuộc bản quyền của trường để học tập, nhiều ý kiến cho rằng, đã đến lúc những hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ thế này cần phải được nghiêm túc xử lý!

Bênh vực hay lên án?

Trước sự việc này, bản thân các bạn học sinh và sinh viên cũng có nhiều ý kiến trái chiều về việc hành vi của bạn nữ sinh trường Đại học Luật TP.HCM có nên bị xử phạt.

Chúng ta đang ăn cắp công khai, nhưng nghĩ là mình đúng? ảnh 1

Một cựu học sinh trường Đại học Luật TP.HCM đã bình luận như sau: “Giáo trình tại trường, nếu theo giá bìa thì mình chưa thấy quyển nào quá 150K. Theo mình, nó không phải là quá đắt nếu chúng ta xem giáo trình là một công trình tâm huyết của người viết, là tài sản quý giá nhất của người học, và sách không chỉ có giá trị trong một học kì mà có thể là 4 năm học, hoặc cả sau khi đã ra trường. Có nhiều cách để giảm tiền mua giáo trình, chưa kể mượn tại thư viện. Chỉ là các bạn lại chưa có ý thức tôn trọng pháp luật và photo vì đơn giản nó rẻ hơn và dễ dàng hơn mà thôi. Đánh đổi ý thức với những nguyên tắc mà mình đang học như vậy, liệu có đáng?”. Đây là một trong nhiều ý kiến cho rằng kỷ luật nữ sinh này là đúng. Ngược lại, cũng có rất nhiều ý kiến cho rằng, sinh viên eo hẹp về tài chính, nhưng cũng muốn có sách để học nên mới trót photo sách.

Chúng ta đang ăn cắp công khai, nhưng nghĩ là mình đúng? ảnh 2

Nickname Hugo bình luận: “Bạn thuộc dạng công tử nhà giàu có, nên bạn mạnh miệng nói vậy, xin lỗi bạn đi học sinh viên mà 150K/ quyển giá không cao à, đằng này mua 8 cuốn trong một học kỳ”. Có bạn còn trích luật ra để bảo vệ bạn nữ sinh như sau: “Điều 25 (Luật Sở hữu trí tuệ) quy định: Các trường hợp sử dụng tác phẩm đã công bố không phải xin phép, không phải trả tiền nhuận bút, thù lao:
1. Các trường hợp sử dụng tác phẩm đã công bố không phải xin phép, không phải trả tiền nhuận bút, thù lao bao gồm:
a) Tự sao chép một bản nhằm mục đích nghiên cứu khoa học, giảng dạy của cá nhân;
d) Trích dẫn tác phẩm để giảng dạy trong nhà trường mà không làm sai ý tác giả, không nhằm mục đích thương mại;
đ) Sao chép tác phẩm để lưu trữ trong thư viện với mục đích nghiên cứu”.

Sách lậu tràn ngập khắp nơi

Bạn có dám nói mình chưa bao giờ dùng sách photo, sách in lậu, chưa bao giờ nghe nhạc lậu, hay chưa bao giờ dùng phần mềm lậu?

Đi ngoài đường, nhan nhản các tiệm photocopy vẫn sống “khỏe”, mặc cho Luật sở hữu trí tuệ đã ban hành từ lâu. Nhiều thầy cô chủ động photo sách cho sinh viên học. Bảo vệ quyền tác giả ở nước ta lâu nay dưới mọi hình thức và trong mọi lĩnh vực, vẫn là "câu chuyện xa xỉ".

Tại phần lớn các trường đại học ở Việt Nam hiện nay không cấm sinh viên sử dụng sách in lậu với lý do “thông cảm cho sinh viên”. Nhiều trường có bộ phận photo sách ngay tại thư viện, sinh viên chỉ cần vào đọc tên giáo trình sẽ được đưa ngay một bản photo của cuốn đó, với giả trung bình chỉ bằng 1/4 sách gốc.

Chúng ta đang ăn cắp công khai, nhưng nghĩ là mình đúng? ảnh 3

Trong các trường học, nhất là với các môn tiếng Anh, thầy cô cũng tự ý photo giáo trình tiếng Anh nước ngoài để học sinh học, vì giáo trình gốc bằng tiếng Anh rất đắt.

Đọc hết một lượt các bình luận trên mạng xã hội xoay quanh câu chuyện của nữ sinh bị kỷ luật, có thể thấy lý do chính ở đây là "cơm áo gạo tiền". Nếu nói, "sinh viên chỉ có tiền mua quần áo, mua son phấn, chứ không đủ tiền mua giáo trình" như nhiều người vẫn đang phê phán, e là không hợp tình, vì quần áo đẹp, son phấn đắt tiền đâu phải ai cũng mua, đánh đồng như vậy là vơ đũa cả nắm. Nhưng, nếu nói vì tôi nghèo nên tôi phải photo sách, vậy thì tác giả viết ra cuốn sách gốc lấy tiền đâu để sống?

Hãy ngưng làm kẻ cắp!

Đối với một người bán tạp hóa, bạn lấy của họ một hộp sữa không trả tiền, tức là bạn đã ăn cắp hộp sữa.Vậy, đối với một người viết sách, họ bán những cuốn sách gốc, nhưng bạn không mua sách gốc của họ mà lại mua những cuốn sách giống y đúc nội dung bên trong sách gốc bằng cách sao chép lại, tức là bạn đã ăn cắp nội dung của cuốn sách gốc.

Vậy tại sao trong khi chúng ta lên án những kẻ ăn cắp những sản phẩm hữu hình (như hộp sữa), nhưng lại dung túng cho những kẻ ăn cắp sản phẩm trí tuệ của người viết ra sách? Tại sao chúng ta khó tha thứ cho những kẻ trộm cắp tiền, tài sản với lý do “vì nghèo nên mới sinh tật ăn cắp”, mà lại bênh vực những người photo sách vì “nghèo nên mới dùng sách photo”? Có phải bởi vì chúng ta cũng từng ít nhiều có hành vi đó không?

Chúng ta đang ăn cắp công khai, nhưng nghĩ là mình đúng? ảnh 4

Bạn Thảo Ngọc, sinh viên trường Luật chia sẻ: “Đọc nhiều bình luận cảm thấy như nhiều người ý thức kém quen rồi nên giờ xử lý vậy thấy lạ, thấy bức xúc. Viết một cuốn sách chuyên môn không phải chuyện đơn giản, toàn chất xám, thời gian quý báu. Bình thường tụi mình làm bài thảo luận trên lớp đã phát mệt rồi, viết một cuốn sách còn gấp mấy lần như vậy”. Các bạn du học sinh Úc trước khi đi vẫn phải kiểm tra lại hành lý vì các đĩa cài đặt chương trình nếu không có bản quyền sử dụng (gọi tắt là đĩa lậu hoặc sao chép) có thể bị hải quan Úc kiểm tra tịch thu và bạn phải đóng một mức phạt rất lớn.

Có bạn đã chia sẻ trên mạng xin được trích ra một đoạn như sau: “Hồi mình học ở bển á (Webster University Thailand), mới vô trường đã được dặn không bao giờ được photocopy sách đem vô trường. Bị phát hiện sẽ bị đuổi học. Photocopy vài trang để tham khảo thì được. Nhân viên thư viện trong trường cũng sẽ không hợp tác với sinh viên chuyện photocopy sách. Cần sách thì vô thư viện mượn. Lỡ học kỳ đó mà hết sách để mượn thì ráng mà mua. Kỳ nào kỳ nấy tiền sách mắc như quỷ như mua thì vẫn phải mua. Các thầy cô trong trường dạy rằng phải mua sách để tác giả còn có tiền để sống, để viết tiếp. Công sức của người ta”.

Quay trở lại bình luận về Điều 25 Luật Sở hữu trí tuệ ở trên, tuy mục đích photo sách của nữ sinh này là phục vụ cho việc học tập, nghiên cứu, phù hợp với điểm a khoản 1, và cũng không nhằm mục đích thương mại phù hợp với điểm d khoản 1 Điều 25, nhưng nữ sinh nọ vẫn vi phạm Luật Sở hữu trí tuệ theo khoản 2 Điều này: “Tổ chức, cá nhân sử dụng tác phẩm quy định tại khoản 1 Điều này không được làm ảnh hưởng đến việc khai thác bình thường tác phẩm, không gây phương hại đến các quyền của tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả; phải thông tin về tên tác giả và nguồn gốc, xuất xứ của tác phẩm”.

Bạn T., nữ sinh năm 3 ĐH Luật TP.HCM giải thích rằng: “Theo những gì mình được học về Luật Sở hữu trí tuệ, nếu photo ra một phần để học, thì không vi phạm. Đằng này, bạn photo cả cuốn, học xong lại chuyển lại cho sinh viên khác, tức là đã ảnh hưởng đến việc khai thác bình thường của tác phẩm. Nếu nói là không có buôn bán gì cả, chỉ photo để học thì cũng không được, vì khi bạn đã photo cả cuốn, tức là bạn đã sử dụng nội dung cuốn sách của tác giả nhưng không trả tiền cho tác giả, khiến tác giả thất thu. Nếu ai cũng photo cả cuốn và nói là dùng vì mục đích học tập, và đều nói là không vi phạm, vậy không lẽ tác giả viết sách “không công” còn tiền thì vào túi các tiệm photo?”. Bạn T.F (21 tuổi, người Nhật, sống tại Aichi, Nhật Bản) cho biết: “Ở nước mình, mình chưa thấy ai photo cả cuốn sách bao giờ. Nếu có, để phục vụ cho việc học tập thì có thể mượn thư viện, photo vài trang. Không ai có ý nghĩ photo sách cho rẻ hơn, cho dù quyển sách ấy có đắt đến thế nào đi nữa”.

Cứ viện cớ vì không đủ tiền, chúng ta đã trở thành những kẻ ăn cắp từ lúc nào không hay.

Chúng ta đang ăn cắp công khai, nhưng nghĩ là mình đúng? ảnh 5

Hơn nữa, khi bạn đã chấp nhận trả tiền để mua tác phẩm, tức là bạn đang tự trao cho mình một quyền lực của người tiêu dùng. Nếu bạn mua sách in lậu, thì đừng hỏi vì sao nước mình ít sách hay, tác giả viết mà không có thù lao thì còn động lực để cống hiến không? Nếu bạn nghe nhạc lậu, thì đừng hỏi vì sao âm nhạc nước mình không bằng thế giới, vì người làm ra nhạc cũng cần tiền để sống, để tái sản xuất. Bạn nói rằng, nước mình quá nhiều nhạc “rác”, nhưng vẫn nghe nhạc miễn phí thay vì tự bỏ tiền ra mua đĩa gốc, file gốc, thì nhạc “rác” vẫn tồn đọng để phục vụ cho nhu cầu “ham rẻ” của người nghe, vậy thôi.

Bạn Bùi B., sinh viên trường ĐH Khoa học Tự nhiên, TP.HCM cho rằng đã đến lúc thế hệ chúng ta cần thay đổi nếp nghĩ này: “Đúng là nước mình hầu hết đều vi phạm bản quyền, không phải in lậu sách thì cũng nghe nhạc lậu trên mạng không trả phí, hoặc dùng phần mềm lậu. Nhưng không vì vậy mà mình lại biết sai vẫn tiếp tục sai. Bản thân mình cũng đã mua sách gốc, dùng phần mềm gốc thay vì dùng đồ “nhái” như trước. Tuy đắt hơn nhưng dùng cũng thích hơn, với cả mình có mua sách gốc thì tác giả mới có tiền mà viết tiếp, để mình đọc. Nhiều người cứ than vì sao nước mình nghèo, dở, mà lại không chịu bỏ tiền ra ủng hộ sách, nhạc,… của Việt Nam thì chỉ có nói suông. Nếu cứ viện cớ “vì ai cũng sai thì tại sao tôi lại phải đúng”, thì biết bao giờ nước mình mới thôi hám lợi trước mắt, mới văn minh hơn đây?”.

Một số ý kiến từ các bạn du học sinh Việt ở nước ngoài

Đ., du học sinh Mỹ cho biết: “Mình thấy do cách quản lý của Việt Nam mình còn lỏng lẻo, nên người ta thấy “lời” thì cứ làm. Ở đâu cũng có người ham “lời”, Mỹ cũng vậy. Nhưng ở Mỹ, giá photo rất đắt, ngang ngửa sách thật nên thường sẽ hiếm người đi photo. Nếu học sinh sinh viên muốn làm bài tập, thì phải có code sách để làm, code thì phải mua với giá trung bình 90 đôla (khoảng 2 triệu đồng)”.Đăng Hải, du học sinh Thụy Sĩ: “Ở bên đây mọi người không ai lại đi photo cả cuốn sách như Việt Nam mình. Ai cần lưu lại thì photo vài chương rồi đem trả, hoặc chỉ mượn thư viện vài ngày là trả lại”.Bạn Thanh Nguyên, du học sinh trường Osaka Jogakuin University, Nhật Bản cũng cho rằng: “Luật là luật, nếu vi phạm thì xử lý là cũng đúng. Ở trường mình nếu vi phạm thì cũng sẽ bị kỷ luật, hoặc đuổi học thôi”.Các bạn cũng nói thêm, tuy photo cả cuốn sách ở ngước ngoài hên thì không bị kỷ luật hay bị bắt, nhưng nếu để bạn bè quốc tế thấy được, bạn sẽ ngay lập tức bị “kì thị” vì đã dùng sách in lậu.

HY DI

Ảnh: Phước Tuần và Internet 

MỚI - NÓNG

Có thể bạn quan tâm