Chúng ta rất giỏi “tắt” chế độ “lắng nghe”, nhưng lại không giỏi “bật” nó lên trở lại!

Chúng ta rất giỏi “tắt” chế độ “lắng nghe”, nhưng lại không giỏi “bật” nó lên trở lại!
HHT - Hẳn bạn cũng đã nghe câu nói từ xa xưa: “Chúng ta có một cái miệng nhưng lại có hai cái tai, là để chúng ta lắng nghe nhiều hơn nói”.

Một khách hàng thường xuyên của tạp chí "Nghệ thuật Sân khấu" (Theatre Arts) gọi đến tổng đài điện thoại để hỏi số của tạp chí này. Tuy nhiên, nhân viên ở tổng đài đáp:

- Xin lỗi anh, nhưng trong danh bạ không ghi tên ai là "Theodore Arts".

Người gọi điện nói:

- Không, đó không phải là tên người; đó là một ấn phẩm báo chí. Tôi muốn tìm số điện thoại của "Theatre Arts".

- Tôi đã vừa nói với anh rồi, chúng tôi không có số điện thoại của Theodore Arts – Giọng cô nhân viên tổng đài có vẻ bực mình.

Người gọi cũng bực mình không kém:

- Cái từ tôi muốn tìm là "THEATRE". Cô nghe tôi đánh vần đây: T-H-E-A-T-R-E! Tôi cần số điện thoại của "Theatre Arts".

- Anh bình tĩnh đi – Cô nhân viên tổng đài đáp – Đó KHÔNG phải là cách để đánh vần đúng từ Theodore đâu!

Có lẽ người gọi điện thoại sẽ rất khó chịu, phần nhiều vì mình không hề được lắng nghe.

Đôi khi, nhân viên ở tổng đài điện thoại nhất định không lắng nghe khách hàng.

Patricia Goldman, khi làm phó chủ tịch của Ủy ban An toàn Giao thông ở Mỹ, đã từng kể câu chuyện về việc các hành khách đi máy bay lắng nghe kém đến mức nào. Bà nói rằng, một nhân viên phi hành đoàn đã rất bực mình do hành khách chẳng hề chú ý đến hướng dẫn an toàn khi đi máy bay, nên lúc nói về việc "cần làm gì trong tình huống khẩn cấp", nhân viên này đã nói khác với thông thường. Cô ấy thực ra đã nói thế này: "Khi mặt nạ dưỡng khí rơi xuống trước mặt bạn, hãy đặt nó lên rốn và tiếp tục thở bình thường".

Không một hành khách nào để ý.

Hầu hết hành khách đi máy bay không hề chú ý nghe hướng dẫn an toàn của nhân viên phi hành đoàn.

Chúng ta có mi mắt, nhưng chúng ta không có "mi-tai". Để bù lại, chúng ta học cách lắng nghe có chọn lọc – như thể "bật" hoặc "tắt" chế độ lắng nghe. Và mặc dù chúng ta có vẻ rất giỏi "tắt" chế độ lắng nghe, nhưng chúng ta có thể không giỏi "bật" nó lên trở lại. Điều gì sẽ xảy ra nếu chúng ta "bật" toàn bộ "hệ thống lắng nghe" của mình lên?

Nếu bạn đã lắng nghe, thực sự lắng nghe, thì bạn sẽ biết trải nghiệm đó mạnh mẽ đến mức nào. Việc lắng nghe là tốt nhất khi được thực hiện với toàn bộ con người bạn. Ý tôi là thế này:

- Lắng nghe bằng mắt: Hãy nhìn thẳng vào người nói. Và quên việc "đa nhiệm" như một cái máy tính đi. Các nghiên cứu khẳng định rằng, bạn không thể thực sự lắng nghe người khác trong khi cùng lúc lại làm một việc gì đó khác.

- Lắng nghe bằng tai: Bạn không thể lắng nghe khi bạn đang nói. Hãy học cách tập trung vào khoảnh khắc trước mắt và dẹp những gì làm sao lãng sang một bên.

- Lắng nghe bằng tâm trí: Hãy bỏ thói quen đoán trước, rằng bạn nghĩ là người nói đang nói gì, sắp nói gì. Hãy giữ cho tâm trí của mình "mở" và "thoáng", cho dù bạn e rằng mình sẽ không thích những gì mình sắp nghe thấy.

- Lắng nghe bằng trái tim: Hãy quan tâm và thực sự quan tâm đến người mà bạn đang lắng nghe. Điều này còn nói lên được nhiều hơn bất kỳ thứ gì bạn nói ra bằng lời.

Thực sự lắng nghe tức là hoàn toàn tập trung vào người đang nói.

Bác sĩ Karl Menninger khẳng định: "Lắng nghe là một điều lạ lùng và cuốn hút, một lực sáng tạo. Những người bạn lắng nghe chúng ta là những người mà chúng ta sẽ dịch chuyển lại gần". Lắng nghe bằng đôi mắt, đôi tai, tâm trí và trái tim bạn sẽ tạo ra sự kết nối và gắn bó kỳ diệu giữa bạn và những người khác.

Nói theo cách nào đó khiến nhiều người thích lắng nghe bạn có thể đã là tốt rồi. Nhưng sẽ còn tốt hơn nếu bạn lắng nghe theo một cách khiến nhiều người thích nói với bạn.

MỚI - NÓNG

Có thể bạn quan tâm

Reply Y2K: Trái tim lớn của "bác sĩ thú cưng" cấp xóm dành cho những con vật nhỏ

Reply Y2K: Trái tim lớn của "bác sĩ thú cưng" cấp xóm dành cho những con vật nhỏ

Đậu Ván vẫn ít nói, vẫn đeo kính và có lẽ vẫn mơ làm bác sĩ. Tớ nghĩ chẳng nghề nào hợp với cậu ấy hơn thế. Bởi những người có tính thương yêu thực sự, chẳng cần phô diễn ồn ào, luôn sẵn lòng cứu giúp những vật nhỏ nhất như Đậu Ván sẽ làm được rất nhiều điều tốt lành cho cuộc sống này.