Chuyện chưa ai biết về nghệ sĩ Vũ Linh

TPO - Để trở thành "ông hoàng cải lương tuồng cổ" như hiện tại, con đường đi hát của NSƯT Vũ Linh đầy gian nan và khó khăn. Ông từng bị cha đánh, mẹ cấm cản vì định kiến "xướng ca vô loài".

"Mỗi con sông chảy mỗi cảnh khắc riêng mình

Tôi là dòng nước đảo điên

Quen vượt thác vượt ghềnh

Không thể im lìm trôi xuôi

Sông chảy về đâu ngông cuồng hay tĩnh lặng

Ra đại dương rồi có lúc chảy về nguồn

Tôi là bọt sóng chỉ bồng bềnh

Rồi tan biến vào hư không..."

Như quy luật "sinh, lão, bệnh, tử", số phận tan biến vào hư không của anh Vịnh nơi ghềnh đá với bi kịch lấy nhầm em gái trong Hòn vọng phu vận vào NSƯT Vũ Linh. Tượng đài của sân khấu cải lương tuồng cổ sau 1975 đã ra đi vĩnh viễn ở tuổi 67. Ông về với Tổ nghiệp trong sự đau lòng của khán giả.

Là "người đưa đò" của sân khấu cải lương, ông ra đi để lại kho tàng nghệ thuật đồ sộ. Tuy ra đi mãi mãi, Vũ Linh để lại hàng nghìn vở diễn trên sân khấu, video cải lương. Bất cứ người hâm mộ nào cũng thừa nhận rằng Vũ Linh là vua không ngai của sân khấu cải lương.

Không nhận lời tham gia game show, không làm giám khảo, không đi hát ở những năm cuối đời, nhưng mỗi khi nhắc đến Vũ Linh, từ khán giả TPHCM đến giới mộ điệu khắp các tỉnh miền Tây sông nước, người ta hình dung đến "anh kép đẹp với giọng hát trong vắt, hết mình trong từng vai diễn".

Trong loạt bài tưởng nhớ NSƯT Vũ Linh, xin giới thiệu quý độc giả Tiền Phong câu chuyện, cuộc đời của người nghệ sĩ từ lúc chập chững vào nghề đến khi thành danh, trở thành ông hoàng không ngai trước khi về với Tổ nghiệp.

Chuyện chưa ai biết về nghệ sĩ Vũ Linh ảnh 1

NSƯT Vũ Linh qua đời vì bạo bệnh.

'Tôi cấm ông cho thằng Như đi hát'

Vũ Linh tên thật là Võ Văn Ngoan (tên thường gọi ở nhà là Như), sinh năm 1958 tại TPHCM. Trong các video được Hồng Phượng (con gái nghệ sĩ Hồng Nhung, em ruột Vũ Linh) chia sẻ, Vũ Linh kể nhiều kỷ niệm từ ngày bé đến lúc thành danh.

Vũ Linh theo học sớm với thầy Văn Vĩ. Chỉ một tháng, Vũ Linh nhận bằng hạng Nhất, lúc đó ông chỉ 11 tuổi, trong sự ngỡ ngàng của nhiều người. "Sau khi đi học, cậu Năm phải đạp xe từ Gò Vấp sang cầu chữ Y để đi hát. Lần đầu ca Hàn Mặc Tử trong quán ăn, cậu Năm được thưởng 10 đồng (thời đó tiền rất có giá trị). Tiền cậu đi hát để may quần áo, sau đó dành dụm", ông kể.

Đến khi được giới thiệu ở nhà hàng khác, Vũ Linh ca những bài Nỗi buồn hoa phượng, Hàn Mặc Tử... với tổng lương hát và tiền thưởng lên đến 30 đồng mỗi đêm, số tiền mà nhiều nghệ sĩ thời đó ao ước, chứ đừng nói gì đến đứa trẻ 11 tuổi.

Nhưng để theo nghề hát, con đường của ông không đơn giản. Dù mê cải lương, ba của ông không thích cho con trai theo nghề hát vì định kiến "xướng ca vô loài".

Chuyện chưa ai biết về nghệ sĩ Vũ Linh ảnh 2

Chân dung NSƯT Vũ Linh thời còn trẻ.

Sau khi phát hiện con trai không đi học nhưng lại đạp xe đi hát, ông bị mẹ tìm đến nhà hàng đánh. Bà giận vì con trai không nói cho mình việc đi hát năm 11 tuổi.

"Đoạn trường lắm. Cậu bị đánh vì mở cặp chỉ toàn bài ca. Cậu phải chạy về nhà dì Tám ở một tháng vì sợ quá. Ba mắng má là tại sao ông (ba của Vũ Linh gọi má Vũ Linh là ông) dám cho nó đi theo nghề xướng ca vô loài", ông kể.

Vũ Linh kể lại khi nghe ba má cãi nhau vì mình, thậm chí ba của Vũ Linh đập tivi vì cấm cản con đi hát, ông đứng nép sau cửa vì run. Bù lại, má của Vũ Linh ủng hộ con trai theo nghề hát sau khi phát hiện con có tố chất.

Đến khi được giới thiệu sang đoàn Hoa Thế Hệ, ông được tuyển ngay và đặt cho tên Hùng Tuấn Linh, sau đó là Vương Vũ Linh (đặt theo tài tử Hong Kong Vương Vũ), sau này mới lấy tên là Vũ Linh.

Được một điều, cha của Vũ Linh dù không muốn con trai đi hát nhưng lại mê kép Thanh Sang. Ông theo dõi trên đài mới phát hiện "thằng Như" (tên ngày nhỏ của Vũ Linh) trên đài, sau đó dần chấp nhận con trai theo nghề hát.

'Mang 100.000 đồng về nhà, ba má tưởng tôi đi ăn cướp'

Năm 15 tuổi, Vũ Linh ký hợp đồng với hãng đĩa Hồn Nước. "Chỉ cần thử hơi, tôi được ông chủ hãng đĩa hỏi: Em muốn gì? Lúc đó tôi thật sự sốc", Vũ Linh kể.

Thời điểm đó, hãng đĩa Việt Nam toàn những danh ca gạo cội như Minh Phụng, Minh Cảnh, Lệ Thủy, Mỹ Châu... Phía hãng đĩa Hồn Nước chỉ có một vài cái tên, trong đó có Tấn Tài, Mộng Nghi (hát giống Mỹ Châu). Vì vậy, khi phát hiện giọng ca lạ Vũ Linh, ông chủ hãng đĩa bằng mọi giá phải mời được kép trẻ về đầu quân.

"Khi cậu Năm đem 100.000 đồng tiền về, ba má tưởng cậu đi ăn cướp. Tiền lúc đó đồng 500 đồng là tờ có mệnh giá lớn nhất", Vũ Linh kể.

Vũ Linh cho biết cố NSƯT Thanh Sang là người chở ông về đến nhà, đợi ông đem tiền vào cho gia đình, sau đó chở ông đi sắm đồ. "Tôi nhớ anh Sang mãi. Anh Sang không nhận hoa hồng của tôi một đồng, trong khi người khác đòi lấy 70% tiền giới thiệu. Tôi được anh Sang chở về nhà, cho ăn cơm, chính tay anh mắc mùng cho ngủ. Tôi nhớ anh lắm", Vũ Linh nói.

Chuyện chưa ai biết về nghệ sĩ Vũ Linh ảnh 3Chuyện chưa ai biết về nghệ sĩ Vũ Linh ảnh 4

NSƯT Vũ Linh được nhiều đồng nghiệp yêu quý vì tài năng, cách sống.

NSƯT Vũ Linh sau đó được cố NSƯT Thanh Sang chở đến giới thiệu cho bạn bè. Trong mắt đồng nghiệp, đứa bé 15 tuổi khi đó là đứa trẻ có giọng ca lạ, đặc biệt hiếm.

"Cậu Năm được người khác khen hát lạ quá, vừa giống Thanh Tuấn, vừa giống Linh Cảnh. Cuộc đời cậu Năm sang trang từ đó", nghệ sĩ Vũ Linh hồi tưởng lại tuổi thơ.

Trong buổi trò chuyện, NSƯT Vũ Linh liên tục nhớ về NSƯT Thanh Sang. Ngày Thanh Sang lâm bạo bệnh, Vũ Linh đến tận giường bệnh để thăm anh. "Anh Sang ơi, giờ em nổi tiếng dữ lắm, anh sống lại đi, em biết phải làm gì để anh sống", Vũ Linh kể.

Ngưỡng mộ cách sống và cách làm nghề của NSƯT Thanh Sang, NSƯT Vũ Linh quyết định trở thành "người đưa đò", luôn tận tâm chỉ dạy đàn em sau này.

Đón đọc Kỳ 2: 'Tôi ca khán giả vỗ tay muốn bể rạp, lưu diễn miền Tây phải đem bao đựng tiền'

Tin liên quan