Chuyện đầu tư trang phục lên phim

0:00 / 0:00
0:00
TP - Để tạo dấu ấn cho vai diễn của mình, có diễn viên phải chi cả tiền tỷ để đầu tư trang phục, có diễn viên lại trở thành khách ruột của các quán đồ cũ vỉa hè.

Từ cầu kỳ, tốn kém…

Sau khi nhận kịch bản, diễn viên thường sẽ định hình phong cách và cá tính nhân vật, rồi tự mình phối trang phục, phụ kiện hoặc nhờ đến các stylist chuyên nghiệp, sao cho phù hợp với từng hoàn cảnh nhân vật xuất hiện trong phim. Một đạo diễn cho biết, do chi phí làm phim truyền hình hạn hẹp nên các nhà sản xuất ít đầu tư phần phục trang diễn viên, ngoại trừ phim cổ trang. Vì thế, phần lớn do diễn viên tự mua hoặc mượn các nhãn hàng thời trang.

Vai diễn của Khả Ngân trong Gia đình mình vui bất thình lình đang được khán giả khen ngợi là có tạo hình sành điệu, nổi bật nhất trong 3 nàng dâu của phim. Trước đó, ở 11 tháng 5 ngày, cô vào vai nữ chính cũng với gu thời trang cực chất, được khen là “mặc đẹp như diễn viên Hàn Quốc”. Nữ diễn viên cho biết, cô đã chuẩn bị cho 2 vai diễn này hơn 100 bộ trang phục, một nửa là được nhãn hàng tài trợ, còn lại do mình bỏ tiền túi tự ra mua sắm.

Trước đó, Quỳnh Lương ở Đừng làm mẹ cáu cũng được yêu mến bởi gu thời trang sang chảnh, thời thượng mà vẫn trẻ trung, cá tính. Theo nữ diễn viên, cô đã đầu tư cả trăm triệu để chuẩn bị phục trang cho nhân vật với hơn 90 bộ đồ, có những bộ váy áo lên đến 10 triệu đồng, túi xách 200 triệu, hoa tai cũng vài chục triệu một đôi. Cô tính toán để từ đầu đến cuối phim nhân vật có bố cục nhất định, mỗi tình huống, trạng thái tình cảm có cách ăn mặc phù hợp. Thậm chí, mỗi tập cô thay 2 - 3 bộ không trùng lặp.

Nhân vật Ly trong Đừng nói khi yêu do Thùy Anh đảm nhận ghi điểm với phần phối đồ tối giản nhưng thời thượng, tạo nên diện mạo một gen Z cá tính, năng động, lém lỉnh và có chút bướng bỉnh. Thùy Anh cho biết, trong 3 vali mang đến trường quay thì 80% là do cô tự mua, chiếm phần nhiều là áo len gile với hơn 20 chiếc màu sắc đa dạng. Khi đạo diễn muốn nhân vật đeo kính, Thùy Anh cũng chuẩn bị sẵn 8 chiếc kính, mang từ TP HCM ra Hà Nội.

Ở ngoài đời, nghệ sĩ Hồ Phong có phong cách khá bụi bặm chứ không sang chảnh, sành điệu như ông Tấn giang hồ trong phim Hương vị tình thân. Do đó anh đã phải mua toàn bộ trang phục, phụ kiện, thậm chí, đầu tư hẳn một chiếc điện thoại Vertu cho hợp với phong cách đại gia.

Nữ diễn viên Quỳnh Nga cũng mang đến trường quay Sinh tử hơn 100 bộ váy áo. Phương Oanh mạnh tay đầu tư gần 1 tỷ đồng trang phục, phụ kiện cho vai diễn Thiên Trang trong Lựa chọn số phận…

Lã Thanh Huyền có lẽ là diễn viên “chịu chơi” nhất khi đầu tư tạo hình lên phim. Nữ diễn viên “gây sốc” khi phải chở 4 chuyến xe về nhà mới hết được số va li đựng quần áo phục vụ vai diễn của mình trong Tình yêu và tham vọng. Được biết số trang phục này được cô chuẩn bị trong 3 tháng, đến từ nhiều thương hiệu nổi tiếng trong nước và trên thế giới. Tuy không tiết lộ số tiền cụ thể, nhưng nhìn số lượng và những bộ cánh cô mặc trong phim thì số tiền ước tính lên đến vài tỷ đồng.

Ngược lại, Mạnh Trường có lẽ là một trong số nam diễn viên ít tốn tiền đầu tư đồ diễn nhất, bởi hầu hết các vai anh được nhận đều lịch lãm, quý ông, có gu thời trang gần gũi với nam diễn viên ngoài đời. Các “thánh soi” phát hiện Mạnh Trường thường ngày mặc gì thì mang luôn bộ đấy lên phim.

Đa số diễn viên đồng tình ngoài diễn xuất, yếu tố hình ảnh đóng vai trò quan trọng, góp phần mang đến thành công cho vai diễn. Do đó, việc đầu tư là hợp lý, dù có lúc cát-xê không bù lại được tiền quần áo. Cũng nhiều diễn viên tìm đến các stylist chuyên nghiệp để không phải lo lắng vấn đề trang phục. Stylist sẽ kết nối để mượn đồ từ các nhãn hàng, sắp xếp đồ phù hợp với cảnh quay, đồng thời giặt ủi cẩn thận trước khi trả cho nhãn hàng.

Trong phim Đấu trí, Lương Thu Trang được stylist chuẩn bị khoảng 50 bộ trang phục. Một số thiết kế còn được may gấp trong 1- 2 ngày để kịp lịch quay. Bạn diễn của cô, Thanh Sơn cũng được stylist mượn cho cả trăm chiếc áo polo, sơ mi đồ hiệu, 3- 4 chiếc đồng hồ.

Stylist cũng chuẩn bị cho Lan Phương gần 200 bộ đồ cho phim Thương ngày nắng về. Việc được các nhãn hàng tài trợ mang đến nhiều lựa chọn, ít tốn kém, tuy nhiên, phải rất giữ gìn, cẩn thận trong khi quay. Nhiều bộ đồ quay ngoài trời bị dính mồ hôi, vết bẩn hay đất cát, thậm chí bị rách trong quá trình quay, diễn viên lại phải nhờ stylist “nói khó” với nhãn hàng, hoặc mua lại sản phẩm.

… đến khách ruột của chợ đồ cũ

Nếu như diễn viên vào vai sang chảnh, giàu có thường phải đau đầu, tốn tiền mua sắm phục trang thì với những vai diễn nhà nghèo, lam lũ, vai giúp việc, đồng bóng, dở hơi…, các diễn viên thường chọn những khu chợ đồ cũ, hoặc chợ bán buôn để mua… cả lố về phục vụ vai diễn.

Chuyên viên phục trang của phim Cây táo nở hoa cho biết đã phải lùng khắp khu chợ hàng thùng Bà Chiểu mới mua được trang phục cho nhân vật Báu (do Nhã Phương thủ vai). Xấu, quái dị, kì cục là những nhận xét về cách ăn mặc của Báu, nhưng không thể phủ nhận nó đã phần nào tôn lên tính cách của nhân vật.

Vào vai ô-sin trong Hương vị tình thân, diễn viên Minh Cúc tiết lộ, ngoài đống sơ mi mượn của bố, cô đã phải đi sắm nguyên một lô “hàng si-đa” với 11 chiếc áo và 9 chiếc quần màu sắc sặc sỡ để cho nhân vật ô-sin của mình "ăn diện" hết cỡ. Tổng cộng chi phí hết khoảng 800k. Cũng trong Hương vị tình thân, diễn viên Ánh Tuyết vào vai cô em gái có ngoại hình xấu xí, lôi thôi, luộm thuộm, khác hẳn phong cách ngoài đời nên cô đã phải đi lùng ở các chợ đồ si, mua các món đồ chỉ 30-50 nghìn đồng, nhưng rất mất công, vất vả.

Tham gia bộ phim Cuộc đời vẫn đẹp sao đang phát sóng, có lẽ chỉ duy nhất ngày họp báo ra mắt bộ phim là dàn diễn viên mới được ăn mặc lộng lẫy, bởi phim xoay quanh cuộc sống mưu sinh của những người lao động lam lũ nơi xóm nghèo.

"Thực sự rất khó để tìm quần áo cho nhân vật Luyến. Tôi phải đi lục lọi, tìm tòi ở những hàng quần áo cũ, rồi sau đó tổ phục trang tiếp tục làm cũ những trang phục đó đi, và bản thân tôi cũng phải hy sinh nhiều quần áo thật của mình”, diễn viên Thanh Hương chia sẻ.

Chuyện đầu tư trang phục lên phim ảnh 1

Dàn diễn viên “Cuộc đời vẫn đẹp sao” chỉ được mặc đẹp duy nhất hôm… ra mắt phim

Dù các diễn viên được chủ động chuẩn bị trang phục nhưng ở nhiều đoàn phim vẫn phải qua sự kiểm duyệt của đạo diễn. Diễm My 9X từng hào hứng chuẩn bị mấy vali váy áo màu sắc, hiện đại cho vai diễn công sở trong Tình yêu và tham vọng. Tuy nhiên, kế hoạch đổ bể hoàn toàn, đạo diễn muốn cô ăn mặc đơn giản nhất có thể. Và thế là hầu như cả bộ phim, cô đều… mặc quần, chỉ gần hết phim nữ diễn viên mới được mặc váy.

Hay như Phương Oanh trong Quỳnh búp bê, tưởng rằng phần sau của phim sẽ được mặc đẹp, được “lột xác” sexy, nóng bỏng để đối đầu My Sói nhưng đạo diễn tiếp tục bắt cô phải ăn mặc giống “bông hoa dại giữa bùn lầy, lúc nào cũng ngơ ngác, thuần khiết".

Một nỗi khổ của các diễn viên là đôi khi chấp nhận hy sinh mặc xấu vì vai diễn nhưng không phải lúc nào cũng được ghi nhận. Một thời gian dài Nhã Phương bị bêu riếu, chế giễu khắp các diễn đàn phim vì gu thời trang quái gở trong Cây táo nở hoa. Hay như Phương Oanh trở thành biểu tượng “thảm họa thời trang” trên màn ảnh sau vai diễn trong Hương vị tình thân.

Ngoài chuyện tốn kém đầu tư hay bị khán giả “ghét lây” vì gu thời trang trong phim, một điều khiến các diễn viên ái ngại nữa là quay phim trái mùa. Đoàn phim Tình yêu và tham vọng từng quay phim đúng đợt nắng nóng gay gắt của Hà Nội, nhiệt độ lên tới 37 - 38 độ C nhưng các diễn viên phải mặc áo len cao cổ, áo khoác ấm áp cho đúng với diễn biến phim. Thương ngày nắng về lại khởi quay từ mùa hè nên lúc trời chuyển sang đông, các diễn viên vẫn phải mặc đồ cộc tay mỏng manh cho đúng với bối cảnh. Kết quả là trong hậu trường, các thành viên đoàn làm phim mặc áo khoác dày ấm áp thì các diễn viên trước máy quay lại co ro vì rét.

MỚI - NÓNG