Chuyện đề Văn

0:00 / 0:00
0:00
TP - Đang xôn xao trên mạng một đề Văn được cho là để chọn học sinh giỏi THPT năm nay của tỉnh T. Ngữ liệu phần đọc hiểu và viết đoạn văn nghị luận là đoạn thơ này:

“Phía trước nhiều lối rẽ/Chưa biết đi đường nào/Đang bước thấp, bước cao, gặp cụ/Một dáng người lụ khụ/Chiếc gậy bóng mòn/Chỉ ngoặt lối này/Rồi rẽ hướng Tây/lại ngoặt/lại ngoặt/Tôi lầm lũi bước cao, bước thấp/Bóng nghiêng nghiêng như một thằng say/Bỗng giật mình!Ô hay/Sao ngoặt mãi lại về chỗ cũ/Tại ta?/Hay tại cụ?/Hay tại con đường nhiều ngả lắm người đi?”.

Tìm hiểu thì thấy ngữ liệu này từng được dùng trong một kỳ thi học sinh giỏi mấy năm trước. Nhưng tôi cho rằng, đây nếu để cất riêng như là tâm sự của một cá nhân cũng không sao, còn vào đề thi học sinh giỏi thì lại có vấn đề. Bởi triết lý vụn trong một tình huống ngô nghê khiên cưỡng, lối thơ toàn câu kể khá thô và giật cục, thiếu tính nghệ thuật và thẩm mỹ, thì học sinh học được gì? Nghệ thuật tu từ chẳng có, triết lý đời sống nhân sinh về “con đường nhiều ngả” trong tình huống này lại càng không.

Để thấy tình trạng “trăm hoa đua nở” trong việc ra đề thi, đề kiểm tra môn Ngữ văn trong nhà trường hiện nay. Có đề thi cuối kỳ I lớp 11 đưa ra tới 71 câu thơ trích từ một truyện thơ dân gian để học sinh làm bài, đọc để hiểu trong đó viết gì xong đã hết giờ. Có đề thi học sinh giỏi Văn lớp 7 của một huyện mà học sinh giỏi lớp 12 quốc gia chưa chắc hiểu hết đề. Nhiều đề thi lấy ngữ liệu là những câu nói trend, những ca từ đang hot trên mạng, mong manh ranh giới của sự phản cảm, lệch lạc.

Chương trình giáo dục phổ thông mới 2018 đã đi được chặng đầu tiên, bước đầu cho thấy hiệu quả và xu hướng tích cực trong việc tự chủ chọn lựa ngữ liệu môn Ngữ văn trong các cấp học. Khi sách giáo khoa không còn được xem là nguồn ngữ liệu duy nhất như trước. Các đề văn hầu hết đã thông thoáng, gần gũi hiện thực đời sống, kích hoạt khả năng tư duy riêng cho từng học sinh.

Năm ngoái, tôi viết bài “Ngày tàn của văn mẫu”, nhân việc Bộ GD&ĐT yêu cầu “tránh dùng lại các văn bản đã học trong sách giáo khoa làm ngữ liệu xây dựng các đề kiểm tra đọc hiểu và viết”. Đây xem như là biện pháp nhằm “khắc phục tình trạng dạy học nặng về thuyết giảng, đọc chép và yêu cầu thuộc lòng theo văn mẫu”.

Bài viết nhận sự phản hồi của một số giáo viên Văn các nơi, cho rằng thực ra từ lâu trong nhà trường, ở các bài kiểm tra đã có 50% quỹ điểm cho phần nằm ngoài sách giáo khoa (đọc hiểu ngoài sách, nghị luận xã hội vận dụng hiểu biết và trải nghiệm đời sống). Và đâu phải đề thi không dùng ngữ liệu sách giáo khoa là không còn văn mẫu. Vấn đề là ở cách ra đề thi và quan điểm đánh giá của người chấm.

Đúng là “đề mẫu” được thầy cô sao chép vận dụng sai lệch còn sợ hơn văn mẫu. Tuy nhiên, dù tự chủ sáng tạo đến đâu, cũng vẫn cần có sự thống nhất chung về một hệ sinh thái văn bản/ngữ liệu phù hợp với đặc thù, tính chất vùng miền, lứa tuổi... Để tránh những đề văn gây tranh cãi.

MỚI - NÓNG
Tước hơn 3.400 giấy phép lái xe trong ngày 30/4
Tước hơn 3.400 giấy phép lái xe trong ngày 30/4
TPO - Chiều 30/4, Ủy ban An toàn giao thông (ATGT) Quốc gia cho biết, trong ngày 30/4, toàn quốc xảy ra 61 vụ tai nạn giao thông, làm chết 27 người, bị thương 45 người. Lực lượng chức năng tước hơn 3.400 giấy phép lái xe các loại do vi phạm an toàn giao thông.