THPT chuyên Trần Đại Nghĩa (TP.HCM): Khi chó ăn bài tập là có thật
“Chó ăn mất bài tập về nhà của em rồi thầy ạ!” là câu trả lợi được xếp vào hàng “huyền thoại” khi bị thầy cô “sờ gáy”: “Sao em chưa làm bài tập về nhà?”. Có thể chẳng thầy cô nào tin một cái cớ “vô lí” đến như vậy, nhưng với teen THPT chuyên Trần Đại Nghĩa (TP.HCM) thì câu trả lời này… thật thà 100% đó!
Hương Mai (học sinh lớp 12) chia sẻ: “Lớp tớ hay đồn nhau rằng bạn nên cẩn thận với tất cả các loại giấy tờ của mình khi bước vào trường bởi vì ở đây có một chú chó thích gặm tất tần tật mọi thứ trên đời. Ban đầu mình cũng không tin cho đến khi quyển bài tập Toán mình để ở gốc cây bị mất một góc nhỏ. Có lần, bài kiểm tra của cô tớ còn xém bị chú chó ấy “đánh chén” khi cô làm rơi nữa cơ. Bởi thế mà lớp tớ, ai không làm bài cứ chỉ ra hung thủ là chú chó ấy. Thấy cũng tội mà thôi cũng kệ.”
Bạn Châu Anh (cựu học sinh) kể: “Có một hôm mình đang phe phẩy tờ giấy xin phép nghỉ học để quạt mát chờ phụ huynh đón thì bỗng không biết từ đâu chạy ra một chú chó. Đang tính nựng thì ẻm lại... gặm tờ phiếu của mình. Cũng may là mình có bọc ni-lông nên tờ giấy vẫn “bình yên vô sự”.
Đi bới gốc cây trong trường để… cho cú ăn
Chó và mèo là những loài vật quen thuộc với học sinh thành phố, và chim chóc cũng vậy, nhưng không phải loài chim nào các bạn cũng thường thấy, chưa nói là thấy ở trường. Đó là lí do vì sao nhiều bạn cựu học sinh lớp 9A4, THPT chuyên Trần Đại Nghĩa mỗi lần gặp mặt vẫn hay nhắc lại về “sự tích con cú” mà cả lớp từng nuôi.
Bạn Công Huy nhớ lại: “Cuối năm lớp Chín, đang giờ ra chơi bỗng có một “bạn” chim cú từ đâu đậu ngay sát hành lang lớp tớ. Tò mò vì “hiện tượng lạ”, nhiều lớp trên dãy hành lang kéo tới xem. Sau khi thấy “bạn” cú hình như bị thương và không bay được xa để kiếm ăn, một nhóm bạn nam lớp mình đã xung phong đi bắt mồi giùm người bạn mới. Thế là cả đám hì hục bới gốc cây phượng ở trường và đem lên một xô đầy sâu với giun. Sau đó vì không thả được mà cũng không nuôi được, tụi mình đã nhờ phụ huynh lớp hàng xóm chăm sóc bạn cú.
Nhiều người bảo có cú vào nhà là có điềm không may, nhưng lớp mình thấy người bạn đặc biệt này thật sự là một điều may mắn. Lớp mình có thêm một kỉ niệm đẹp mà nhắc lại mãi không chán. Và cả lớp đã trải qua kì thi chuyển cấp vô cùng thành công, ai cũng đậu vào trường mình muốn!”.
Tại sao lại gọi là con sâu đo, vì dùng “sâu” để “đo” chứ sao nữa!
Một trong những đặc trưng của sân trường là gì? Tất nhiên là những cây bàng, phượng, sứ... cho bóng mát và hoa đẹp rồi. Nhưng đây cũng là “vựa bỏ sỉ” sâu cho hội nghịch ngầm trong lớp. Tuy vậy, vượt qua nỗi sợ hãi những con vật bé bé xanh xanh, teen mình đã có những kỉ niệm rất thú vị.
Thu Giang (THPT chuyên Lê Hồng Phong, TP.HCM) không nén nổi tràng cười khi kể lại: “Trường mình có rất nhiều những chú sâu đo nho nhỏ hay thả dây lòng thòng xuống trước mặt học sinh. Có hôm chào cờ thầy đang phát biểu mà nhiều bạn không nhịn được, lấy tay kéo một con sâu trên dây xuống chơi, như kéo dây quạt máy ấy. Cô giám thị đi ngang qua không còn cách nào khác phải… giúp kéo hết tụi sâu xuống để bọn mình tập trung. Mình còn biết một chị cùng trường rất thích kéo sâu rồi để lên tay để cho sâu đo tay, đo hết cánh tay rồi lại cho vào bàn tay cho sâu đo tiếp”.
“Đàn bò thanh lịch” trở thành thương hiệu trường
Đi xa hơn nữa khỏi vùng trung tâm thành phố, học sinh ở các huyện ngoại thành có cơ hội trải nghiệm những câu chuyện còn thú vị hơn. Chẳng hạn như các bạn học sinh Phổ thông Năng Khiếu ở Cơ sở 2 (Q.Thủ Đức) còn có dịp xem bò… “catwalk”!
Bạn Đoan Dung kể lại: “Nhiều khi buổi sáng đang đến trường bằng xe đưa rước thì bọn mình phải dừng tạm thời, không phải vì đèn đỏ mà vì có một đàn bò đang sang đường”. Mấy cô bò còn có sở thích tạo dáng! Nhiều khi, học sinh đang phải tới trường cho kịp giờ nhưng mấy cổ còn bận điều chỉnh tư thế sao cho “ăn ảnh”, khoe được các góc đẹp, đi thì ưỡn người như đang trên thảm đỏ. Học sinh trên xe dở khóc dở cười với hội “người mẫu” này.
Còn bạn có những người bạn đặc biệt nào trong trường không?