Chuyên gia bày cách hoá giải áp lực về 'bệnh' thành tích

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Không ít giáo viên, học sinh đang áp lực trước các cuộc thi với nhiều môn học, cấp học khác nhau.

Một nữ giáo viên ở Đắk Lắk đã chia sẻ tại hội thảo “Sự cân bằng thể chất tâm lý – Con trưởng thành, Con hạnh phúc” do iSMART Education tổ chức ngày 24/3, rằng không ít giáo viên, học sinh đang áp lực trước các cuộc thi với nhiều môn học, cấp học khác nhau.

Nhiều trường, phụ huynh đặt kỳ vọng vào thành tích nên học sinh và cả giáo viên phải gồng lên. Không ít người cảm thấy quá áp lực. Có trường hợp, học sinh không còn thích học.

Học sinh và giáo viên bị áp lực khiến nữ giáo viên băn khoăn về trường học hạnh phúc. Hoá giải vấn đề này, tiến sĩ tâm lý Tô Nhi A – chuyên gia hàng đầu ngành trong lĩnh vực tâm lý trẻ em tại Việt Nam cho biết, đây là thực trạng chung, có thể chia sẻ trên diễn đàn Quốc hội.

Chuyên gia bày cách hoá giải áp lực về 'bệnh' thành tích ảnh 1

Một phụ huynh chia sẻ với tiến sĩ tâm lý Tô Nhi A tại hội thảo

Theo tiến sĩ tâm lý Tô Nhi A, quan điểm xây dựng trường học hạnh phúc không sai. Muốn làm được, những người tham gia vào phải hiểu đúng, thực hành đúng.

Đầu tiên, chính người giáo viên phải thực sự hạnh phúc. Bản thân họ phải có chính kiến trước những yêu cầu, đề nghị về thành tích.

“Đây là câu chuyện rất dài hơi, mỗi người phải nỗ lực, từ người làm chính sách, quản lý, giáo viên, phụ huynh…Đặc biệt cần phải hiểu đúng khái niệm trường học hạnh phúc”, tiến sĩ tâm lý chia sẻ.

Chuyên gia bày cách hoá giải áp lực về 'bệnh' thành tích ảnh 2

Hội thảo có sự tham dự của nhiều giáo viên, phụ huynh

Cũng tại cuộc hội thảo, tiến sĩ đã giải đáp nhiều lo lắng của phụ huynh trước việc “cảm thấy con học không giỏi”. Chuyên gia tâm lý cho rằng, phụ huynh hay lấy kỳ vọng của mình áp đặt vào con. Bố, mẹ phải đồng hành cùng con để tìm nguyên nhân.

Tiến sĩ Nhi A nói thêm, mỗi đứa trẻ đều có điểm mạnh riêng, đừng so sánh kiểu “con nhà người ta”. Mỗi ngày, phụ huynh hãy cố gắng giúp con tốt hơn phiên bản của ngày hôm qua. Muốn vậy, ba mẹ đừng chỉ việc hô hào suông mà phải hành động, làm gương.

Chuyên gia bày cách hoá giải áp lực về 'bệnh' thành tích ảnh 3

Một tiết học của học sinh Đắk Lắk

Trước đó, Tiền Phong đăng loạt bài về "Trường học hạnh phúc: Giấc mơ và ước nguyện". Tuyến bài xoay quanh thực trạng trong ngành giáo dục hiện nay cũng như tâm tư, nguyện vọng của những người trong cuộc. Ngành giáo dục Việt Nam cũng đang kiếm tìm mô hình trường học hạnh phúc phù hợp với điều kiện thực tế.

MỚI - NÓNG