Chuyên gia: Cân nhắc việc 'đếm ca' COVID-19, dừng xét nghiệm tràn lan

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Với tình hình thực tế như hiện nay, theo một chuyên gia trong lĩnh vực y tế dự phòng của thành phố Hà Nội, việc 'đếm ca' dương tính SARS-CoV-2 hiện nay cần phải cân nhắc, dừng việc xét nghiệm tràn lan để tránh lãng phí. 

Ngày 2/3, theo Sở Y tế Hà Nội, thành phố ghi nhận hơn 15.000 ca mắc COVID-19. Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia phòng, chống dịch, con số này chưa phản ánh chính xác thực tế tình hình dịch bệnh trên địa bàn, bởi nhiều người dân hiện có tâm lý không khai báo khi mắc bệnh bởi nhiều thủ tục liên quan.

Trao đổi với phóng viên Tiền Phong, một chuyên gia trong lĩnh vực y tế dự phòng của thành phố Hà Nội cho biết, việc phân tích dịch tễ học của một bệnh truyền nhiễm như thống kê số ca mắc mới, số ca cộng dồn; phân tích sự phân bố ca mắc theo đối tượng, địa điểm, thời gian … là hết sức cần thiết để đánh giá tình hình dịch bệnh, làm căn cứ đưa ra các chiến lược và biện pháp phòng chống.

"Trong những giai đoạn đầu tiên của dịch, chúng ta đã từng phải thông tin đầy đủ lịch trình di chuyển, tiếp xúc của từng F0 để truy vết, khoanh vùng, xét nghiệm và cách ly. Tuy nhiên với tình hình thực tế như hiện nay, thì việc “đếm ca”, xét nghiệm tràn lan cần phải cân nhắc", vị này nêu.

Vị chuyên gia này phân tích, khi số ca mắc mới hàng ngày liên tục tăng cao, việc đếm ca này chỉ tính được các trường hợp mắc bệnh có xét nghiệm dương tính, được khai báo và được xác nhận, chứ không tính được tổng số ca nhiễm thực tế bên ngoài cộng đồng, con số chắc chắn cao hơn nhiều lần.

Theo đó, thay vì “đếm ca”, chúng ta nên tiếp tục triển khai tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19; tuyên truyền, hướng dẫn tự theo dõi, điều trị tại nhà cho các trường hợp có triệu chứng nhẹ hoặc không triệu chứng; tập trung vào các trường hợp cần nhập viện; tập trung vào ca nặng, ca nguy kịch. Đặc biệt là phát hiện sớm, phân tầng kịp thời để điều trị, giảm ca chuyển nặng và giảm tỉ lệ tử vong.

"Hà Nội đã bao phủ cơ bản vắc xin phòng COVID-19, việc số ca mắc mới hàng ngày nhiều hay ít, cao hay thấp không còn quan trọng, đó chỉ là để cơ quan chuyên môn đánh giá tình hình dịch tễ. Nhờ có tiêm chủng vắc xin, hiện nay trên 99% các ca bệnh là không có triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ được theo dõi điều trị tại nhà", vị này nêu.

Liên quan đến công tác xét nghiệm, theo chuyên gia này, Bộ Y tế đã cho phép sử dụng kết quả xét nghiệm bằng xét nghiệm nhanh kháng nguyên để xác định ca bệnh. Khi số ca mắc COVID-19 có xu hướng tăng cao, người dân đã đổ xô đi mua xét nghiệm nhanh kháng nguyên để ngày nào cũng tự làm xét nghiệm.

"Tự xét nghiệm để xác định ca bệnh là việc làm cần thiết, nhưng xét nghiệm không đúng đối tượng, không đúng thời điểm sẽ dẫn tới nhiều hệ lụy. Vì vậy người dân cần tìm hiểu kỹ trước khi quyết định tự thực hiện", vị này đưa ra lời khuyên.

Theo đó, đối với F0, không cần xét nghiệm hàng ngày, chỉ cần xét nghiệm lại vào ngày thứ 7 sau cách ly.

Những người ngay sau khi được xác định là F1, không nhất thiết phải xét nghiệm ngay vì phải có thời gian nhất định để vi rút nhân lên, ít nhất sau tiếp xúc với F0 phải 1-2 ngày xét nghiệm mới cho kết quả chính xác. Vì vậy, đối với F1 chỉ cần làm xét nghiệm một lần vào ngày thứ 5 đối với người đã tiêm đủ hai mũi hoặc ngày thứ 7 đối với người chưa tiêm, tiêm chưa đủ.

"Chỉ những trường hợp F1 trong thời gian cách ly xuất hiện triệu chứng như sốt, ho, đau rát họng, mất khứu giác, vị giác…thì mới cần làm xét nghiệm nhanh ngay. Nhiều cơ quan đơn vị vẫn yêu cầu người lao động phải xét nghiệm định kỳ, điều này là không cần thiết mà chỉ nên xét nghiệm định kỳ cho nhóm người cao tuổi mắc bệnh nền, hoặc những bệnh nhân điều trị trong bệnh viện", vị chuyên gia nêu quan điểm.

MỚI - NÓNG