Chuyện giúp nhau làm giàu của đồng bào La Hủ nơi biên cương

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Những núi đồi xơ xác, nương trắng bạc màu ở xã Bum Tở (huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu) giờ đây đã được thay thế bằng những vạt quế xanh mướt. Đó là kết quả của chính sách đổi mới tư duy và phương thức canh tác dựa trên những hạt nhân trẻ được đào tạo bài bản.

Bum Tở là xã khó khăn của huyện Mường Tè gồm 7 bản, trên 3.500 nhân khẩu, 100% dân tộc La Hủ. Ở Bum Tở, tỷ lệ hộ nghèo còn cao vì thế các cấp ở huyện Mường Tè đang xây dựng mục tiêu và chương trình hành động cụ thể, quyết tâm đưa xã Bum Tở thay đổi.

Chị Phùng Giò Xó, Bí thư Chi bộ bản Phìn Khò xã Bum Tở, chia sẻ: Mấy năm trước, chị đã mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Những thước ruộng bạc màu, kém hiệu quả trước kia đã được chị Xó chuyển sang trồng quế xen riềng. Giờ đây, gia đình chị có trên 4ha quế, cùng nhiều diện tích cây riềng và trâu bò, dê; đời sống ngày càng khấm khá. Từ một hộ gia đình trẻ khó khăn, chị Xó đã vươn lên trở thành người khá giả.

Có điều kiện kinh tế, chị Xó đã không ngại chia sẻ cách làm ăn và giúp các hộ dân bản cùng nhau vươn lên phát triển kinh tế. Chị Xó được bà con dân bản mỗi ngày thêm quý mến và tín nhiệm bầu giữ chức trưởng bản khi mới tuổi 23.

Chị Xó cho biết, lúc đầu nhận nhiệm vụ cũng có chút rụt rè nhưng khi làm, nói người dân thấy đúng nên tin tưởng, nghe theo. Họ góp ý những chỗ chưa đúng và chị sửa. Thấy chị trồng riềng có thu nhập tốt, họ trồng theo vài sào, rồi dần dần trồng cả héc ta.

Chuyện giúp nhau làm giàu của đồng bào La Hủ nơi biên cương ảnh 1

Anh Vàng Giá Chừ ở bản Nậm Xả

Cũng ở Bum Tở, anh Vàng Giá Chừ ở bản Nậm Xả là một trong những trưởng bản tuổi mới đôi mươi. Năm 2007, sau khi tốt nghiệp phổ thông, anh được kết nạp Đảng. Sau đó, anh đi học lớp dự bị đại học, đến 2016 thì tốt nghiệp ngành dược trường ĐH Dược Hà Nội. Anh về quê kinh doanh buôn bán nông lâm sản.

Năm 2017, khi Nhà nước có chính sách chuyển đổi cơ cấu cây trồng, anh Chừ đã mạnh dạn đầu tư trồng hơn 14ha quế. Nay vườn quế của anh đã có cây to như bắp đùi, thương lái đến hỏi mua nhưng anh chưa muốn bán. Ước tính mỗi ha quế thu về khoảng 700 triệu đồng, như vậy 14ha của anh Chừ có thể thu về gần chục tỷ đồng. Ngoài quế anh Chừ còn trồng gần 2ha hạt dổi, 8 sào cây dê gừng (loại cây lấy gỗ có mùi gừng). Những ngày bắt đầu trồng quế, huyện có cử người lên hướng dẫn. Sau này anh trau dồi, học hỏi kiến thức qua internet.

"Thực tế cũng khác so với sách vở và mình phải vận dụng linh hoạt. Kinh nghiệm này cũng cần nhanh chóng chuyển thành ý kiến với lãnh đạo huyện và hướng dẫn cho người dân trong bản để đạt hiệu quả cao. Ví dụ, có năm tôi mua 6.500 cây quế ở Yên Bái về trồng từ giữa tháng 6. Tỷ lệ sống lên 90%, cây sinh trưởng phát triển rất tốt. Nhưng nếu theo lịch cấp giống quế của huyện vào tháng 8 là chưa phù hợp vì lúc đó Mường Tè thời tiết nóng, khô hạn, tỷ lệ sống thấp. Ngay lúc đó, tôi đã nêu ý kiến trong cuộc họp HĐND huyện. Và năm nay huyện đã có kế hoạch cấp giống quế sớm”, anh Chừ cho hay.

Ngoài trồng quế, thu nhập chính của gia đình anh từ chăn nuôi bò, dê, lợn, mỗi loại khoảng chục con. Ngoài ra, hàng ngày anh thu mua riềng, măng và các loại nông sản theo mùa của bà con rồi sơ chế, sau đó thương lái đến mua lại. Doanh thu trung bình mỗi năm hơn 150 triệu đồng. Không những thế, anh còn tạo công ăn việc làm cho hơn chục lao động là người trong bản (có thời điểm lên đến gần 40 người) để dọn dẹp, chăm sóc quế, thảo quả. Trung bình, anh trả công cho một người 200 nghìn đồng/ngày.

Những người như chị Xó, anh Chừ đã dần biến xã Bum Tở (nơi có 100% là đồng bào dân tộc La Hủ) thay da đổi thịt. Chỉ chưa đầy 5 năm, Bum Tở đã trở thành thủ phủ quế của tỉnh Lai Châu.

Trao đổi với phóng viên, ông Lý Anh Sinh, Bí thư Đảng ủy xã Bum Tở cho hay, chị Xó, anh Chừ là những người được đào tạo bài bản, qua trường lớp, có năng lực năng khiếu, là những người tiêu biểu và được nhân dân tín nhiệm. Hơn nữa, họ là những người chịu khó phát triển kinh tế gia đình, làm ăn bài bản. Mọi thông tin triển khai của huyện, tỉnh đến người dân rất nhanh và kịp thời. Chính điều này đã làm cho bộ mặt xã Bum Tở thay đổi thay rất nhiều.

MỚI - NÓNG
Nơi vua Hàm Nghi ban tặng nhiều bảo vật
Nơi vua Hàm Nghi ban tặng nhiều bảo vật
TPO - Quần thể Di tích quốc gia thành Sơn Phòng, đền Trầm Lâm và đền Công Đồng tại xã Phú Gia, huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh gắn với cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của vua Hàm Nghi. Đặc biệt nơi đây còn lưu giữ nhiều “bảo vật” nhà vua ban tặng.

Có thể bạn quan tâm

Trẻ em dân tộc thiểu số trước khi vào lớp 1 phải được dạy Tiếng Việt

Trẻ em dân tộc thiểu số trước khi vào lớp 1 phải được dạy Tiếng Việt

TPO - Thông tư mới của Bộ GD&ĐT quy định, dạy Tiếng Việt cho trẻ em là người dân tộc thiểu số trước khi vào lớp 1 nhằm mục tiêu chuẩn bị tâm thế sẵn sàng, chủ động cho trẻ trong học tập, hình thành kĩ năng học tập cơ bản và năng lực sử dụng Tiếng Việt, kĩ năng giao tiếp, ứng xử xã hội cho trẻ.
Đan Viện Châu Sơn

Chiều buông Đan viện Châu Sơn

TP - Đã bao năm thênh thang vo vo bánh xe lăn những Quốc lộ số 1, đường Hồ Chí Minh và cao tốc đã khiến tôi bỏ bẵng đi xứ Nho Quan của đất Ninh Bình này. Mà đâu phải xứ lạ? Nho Quan kề ngay địa đầu phía Bắc của xứ Thanh chỉ cách Thành Nhà Hồ Vĩnh Lộc quê tôi vài chục cây số!
Các thành viên của Ethnicity trong một chuyến thực tế về địa phương

Dệt thổ cẩm bằng công nghệ số

TP - Yêu văn hóa dân tộc theo cách riêng, một nhóm bạn trẻ đã nhiệt huyết “dệt” hàng ngàn mẫu hoa văn thổ cẩm của người dân tộc thiểu số bằng công nghệ số. Và từ đây, thổ cẩm Việt đã đi ra thế giới.