Trong câu chuyện về nàng Bạch Tuyết có chi tiết các chú lùn khi đang khiêng nàng Bạch Tuyết - đã qua đời - thì chẳng may một chú lùn bị vấp, khiến Bạch Tuyết bị xóc lên, miếng táo độc mắc ở cổ bật ra và nàng sống lại.
Tưởng như chuyện thế này chỉ là cổ tích nhưng hóa ra lại có thật, mà thứ tạo nên điều kỳ diệu lại là thứ khiến rất nhiều người tham gia giao thông than phiền: Một cái ổ gà.
Theo trang India Times (Thời báo Ấn Độ), mới đây, một cụ ông 80 tuổi đã “sống lại” sau khi bác sĩ bảo là ông đã qua đời và ông được chở về nhà bằng xe cấp cứu.
Bệnh viện đã sắp xếp xe cấp cứu chở cụ ông về nhà sau khi các bác sĩ nói rằng ông đã mất. Ảnh minh họa: India Times. |
Các báo cáo ban đầu cho biết, các bác sĩ tuyên bố rằng cụ ông Darshan Singh Brar đã mất. Xe cấp cứu được gọi tới để đưa ông từ thành phố Patiala (bang Punjab) về nhà ông ở Karnal (bang Haryana). Tại nhà ông Brar, họ hàng đã tập trung, nấu ăn, chuẩn bị những nghi lễ cuối cùng cho ông.
Thế nhưng trên đường, xe cấp cứu đi qua một ổ gà và bước ngoặt xảy ra.
Khi xe bị xóc lên, cháu trai của ông Brar, lúc ấy cũng đang ngồi trên xe cấp cứu, chợt nhìn thấy tay ông cử động. Ban đầu, cậu cháu trai còn tưởng do xe xóc nên tay ông như vậy, nhưng cậu chạm tay vào ngực ông thì thấy có nhịp tim. Cậu liền vội vã giục bác tài xế đưa ông mình vào bệnh viện gần nhất.
Tại đó, các bác sĩ tuyên bố rằng ông Brar đã sống lại (hoặc có thể nói là vẫn còn sống). Rồi ông Brar được chuyển tới bệnh viện NP Rawal ở Karnal, gần nhà ông, để được điều trị.
Gia đình ông vô cùng mừng rỡ và những thức ăn đã được chuẩn bị để tiễn đưa ông thì được chia cho hàng xóm để cùng ăn mừng. Gia đình ông Brar miêu tả đây là một điều kỳ diệu và hy vọng ông sớm bình phục.
Bệnh viện NP Rawal, nơi ông Brar đang được điều trị. Ảnh: Justdial. |
Về mặt khoa học, chuyện như thế này (một người được tuyên bố là đã qua đời vì ngừng tim bỗng có dấu hiệu của sự sống sau đó một lúc, thường dưới 10 phút) là rất hiếm nhưng có xảy ra và các chuyên gia y tế vẫn chưa biết được nguyên nhân chính xác, theo trang Cleveland Clinic. Toàn bộ sự việc khiến bệnh nhân có vẻ như “hồi sinh”, nhưng thực tế là họ chưa qua đời. Nếu được cấp cứu kịp thời, họ vẫn có cơ hội sống tiếp.