Chuyện kiếm tiền từ Youtuber: Khi người lớn cần dùng đúng nội dung liên quan đến trẻ em

Chuyện kiếm tiền từ Youtuber: Khi người lớn cần dùng đúng nội dung liên quan đến trẻ em
HHT - Mới đây, thông tin kênh của Quỳnh Trần JP - bé Sa dính “án phạt” của Youtube đã khiến khán giả hụt hẫng. Tuy nhiên, đây là cũng hồi chuông dành cho các Youtuber càng phải có cái nhìn nghiêm túc hơn về nội dung đăng tải.

Đòn knock-out bất ngờ từ Youtube: Loạt Youtuber đình đám dính “án phạt”

Nếu bạn là một dân cư của hệ sinh thái 4.0 và Youtube là một trong những công cụ bạn kết nối, chắc chắn bạn sẽ không xa lạ với chính sách mới của nền tảng video trực tuyến đông dân nhất nhì thế giới này.

Theo đó, Youtube sẽ đồng loạt siết chặt những nội dung liên quan đến trẻ em như: buộc những content creator (nhà sáng tạo nội dung) đánh dấu nội dung của họ có dành cho trẻ em hay không, hạn chế tối đa việc sử dụng hình ảnh trẻ em trong nội dung truyền tải đến người xem… Những điều này được xem là động thái mạnh tay của Youtube nhằm bảo vệ trẻ em theo Đạo luật bảo vệ quyền riêng tư của trẻ em trên mạng (COPPA) và/hoặc các luật hiện hành khác mà Ủy ban Thương mại Liên bang Hoa Kỳ (FTC) đặt ra.

Chính hành động quyết liệt này của Youtube đã tạo nên những tác động không nhỏ cho các Youtuber Việt Nam, điển hình là việc những kênh của Khoai Lang Thang, Thơ Nguyễn, Hoa Ban Food, Ẩm Thực Tam Mao bị tắt bình luận và tắt kiếm tiền trên các video có sự tham gia của nhân vật là trẻ em. Mới đây nhất, cặp mẹ con “vui vẻ không quạo” Quỳnh Trần JP & bé Sa cũng trở thành kênh Youtube tiếp theo dính “án phạt” này.

Chuyện kiếm tiền từ Youtuber: Khi người lớn cần dùng đúng nội dung liên quan đến trẻ em ảnh 1

Được biết trước đó, vì mong muốn bé Sa tiếp tục xuất hiện cùng mình trong các video, mẹ Quỳnh Trần đã quyết định đổi kênh Youtube từ: Quỳnh Trần JP – Cuộc Sống Ở Nhật thành Quynh Tran JP & Family – Cuộc Sống Ở Nhật. Hơn nữa, mẹ Quỳnh cho biết cũng sẽ tăng cường các nội dung về cuộc sống thường nhật của mình cùng bé Sa như đi chơi, đi thăm ông bà… để Youtube có thể chứng nhận mình là kênh gia đình.

Chuyện kiếm tiền từ Youtuber: Khi người lớn cần dùng đúng nội dung liên quan đến trẻ em ảnh 2

Nhưng Quỳnh Trần đã không “thoát nạn” trước động thái siết chặt nội dung của Youtube. Vào ngày 13/1, mẹ Quỳnh thông báo bé Sa không thể đồng hành cùng mình trong các video từ nay trở về sau. Đồng thời, kênh của hai mẹ con cũng “dính gậy” ở một số chức năng quan trọng như: bình luận, giới hạn độ tuổi, tab cộng đồng, vô hiệu chức năng quảng cáo thương mại…

Mẹ Quỳnh đã phải đổi tên kênh nhưng vẫn không thoát khỏi án phạt của Youtube.

Quyền trượng Youtube: Nâng cao nội dung tử tế cho người xem

Theo chính sách mới của Youtube, những nội dung được xác nhận liên quan đến trẻ em đều sẽ không thể kích hoạt những tính năng như: Nút quyên góp, Thẻ thông tin hoặc Màn hình kết thúc, Trò chuyện trực tiếp hoặc Quyên góp trong cuộc trò chuyện trực tiếp, Phát lại trong Trình phát thu nhỏ, Super Chat hoặc Hình dán đặc biệt, Lưu vào danh sách phát, Kệ hàng hóa của YouTube, Quảng cáo tùy chọn cá nhân hóa, Bình luận, Hội viên của kênh, Hình mờ thương hiệu của kênh.

Chính các hạn chế gắt gao đến từ Youtube đã gây ra một ảnh hưởng rất lớn đối với những Youtuber mà tạo ra có nội dung với gần 90% thời lượng có sự góp mặt của các trẻ em. Sự kiện Khoai Lang Thang bị tắt chức năng kiếm tiền trên một số video mà anh cho rằng nêu cao thông điệp nhân văn, tốt đẹp và ý nghĩa đã dấy lên rất nhiều tranh cãi trong cộng đồng người dùng nền tảng này.

Chuyện kiếm tiền từ Youtuber: Khi người lớn cần dùng đúng nội dung liên quan đến trẻ em ảnh 4

Đặc biệt khi Khoai Lang Thang đăng tải dòng trạng thái có đoạn viết: "Youtube không còn là nơi ưu tiên cho những người làm nội dung chân chính", khiến không ít người ngầm hiểu chính sách mới của Youtube đang mang đến những sự bất công cho các Youtuber nỗ lực tạo ra các content hướng vào giá trị cộng đồng, có sức truyền cảm hứng hoặc như câu chuyện của mẹ con Quỳnh Trần JP là hài lòng người yêu mến độ dễ cưng hết nấc của bé Sa cùng cách dẫn duyên dáng của mẹ Quỳnh.

Tuy nhiên, nhìn ở khía cạnh rộng hơn, động thái của Youtube dẫu được xem là khá đanh thép nhưng là biện pháp đúng đắn để nâng cao ý thức về quyền bảo vệ trẻ em, những nội dung mà trẻ em có thể tiếp cận. Theo đó, những nội dung người lớn làm ra lại có sự góp mặt của trẻ em và dùng trẻ em như mục đích quảng bá thương mại (video có bật chức năng kiếm tiền) sẽ có mục tiêu hướng tới hầu như là khán giả đại chúng từ độ tuổi thành niên trở lên.

Chúng ta có thể thấy rằng ngay từ đầu, nền tảng chính của Youtube đã tỏ rõ quan điểm không dành cho trẻ em. Họ đã cho ra mắt ứng dụng đính kèm là Youtube Kids để hạn chế quảng cáo, nội dung mang tính bạo lực, định hướng sai lệch… Tuy nhiên hiện tại, có rất nhiều nội dung trên kênh Youtube chính hướng đến trẻ em; bao gồm việc sử dụng hình ảnh trẻ em trong các video bật chức năng kiếm tiền, dùng từ “trẻ em” trên tiêu đề chính nhưng nội dung không mang giá trị giáo dục, hướng đến các bé có độ tuổi nhỏ và gây những lệch lạc trong tư duy. Và đây là một nguồn thu quảng cáo khổng lồ.

Hệ luỵ đến từ những video mà trẻ em hiện nay có thể dễ dàng tiếp cận chỉ với vài cái chạm tay đã mang đến không ít những vấn nạn xã hội như: bạo lực, tư duy lẫn định hướng sai, tiếp xúc nhiều nội dung không giá trị mà trước đây là sự kiện hàng loạt video phản cảm dành cho trẻ em tràn lan trên Youtube…

Những nội dung phản cảm vẫn tràn lan trên kênh Youtube là mối nguy hại đến cách nhìn nhận của trẻ.

Trong giai đoạn Youtube đang có những chính sách kiểm duyệt gắt gao từ nội dung đến bản quyền, việc có nhận định: Youtube không còn là nơi ưu tiên cho các nội dung chân chính là chưa chính xác. Thay vào đó, động thái của Youtube cho thấy rõ quan điểm bảo vệ quyền lợi trẻ em và nhắc nhở mạnh mẽ đến các Youtuber cần chú tâm nhiều hơn trong việc tạo ra các nội dung có giá trị thiết thực nhưng vẫn đảm bảo quyền lợi cộng đồng, đóng góp cho xã hội, đặt ra giới hạn đúng đắn cho những nội dung mang tính giải trí chứ không phải sử dụng hình ảnh trẻ em trên video, giật tít liên quan đến trẻ em, làm ra các clip mà trẻ em có thể tiếp cận nhưng nội dung chứa yếu tố phản cảm và bạo lực để đánh tráo khái niệm và lồng ghép việc kiếm tiền trên các video.

Chuyện kiếm tiền từ Youtuber: Khi người lớn cần dùng đúng nội dung liên quan đến trẻ em ảnh 6

Thế nên, chính sách mới của Youtube vẫn là một động thái để tạo ra hệ sinh thái nội dung lành mạnh, sáng tạo cao nhưng vẫn có sự chừng mực lẫn sự tử tế, tránh việc lợi dụng hình ảnh trong sáng của trẻ em để tạo hiệu ứng, tạo sự nổi tiếng, tạo sự thiện cảm. Chúng ta đều thấy rằng trong xã hội 4.0, khi mọi thứ đều được vận hành với tốc độ chóng mặt, những hệ luỵ xảy đến sẽ diễn ra bất ngờ và khó có thể chống đỡ, kể cả những nội dung có sự xuất hiện của trẻ em. Hành động quyết liệt này là chiếc khiên bảo vệ cần thiết cho các bạn nhỏ trong giai đoạn nội dung về trẻ em bị người lớn lạm dụng và sử dụng ngày một đại trà.

MỚI - NÓNG

Có thể bạn quan tâm

Dubai cảnh báo khẩn vì bất ngờ hứng lượng mưa bằng 2 năm chỉ trong một ngày

Dubai cảnh báo khẩn vì bất ngờ hứng lượng mưa bằng 2 năm chỉ trong một ngày

HHT - Bình thường vẫn nóng và khô theo kiểu sa mạc, thậm chí vài hôm trước vẫn rất nóng bức, nhưng rồi thành phố Dubai (UAE) bất ngờ có mưa to. Mưa nhiều đến mức lượng mưa trong một ngày bằng tổng lượng mưa ở đây trong 2 năm, gây rất nhiều khó khăn cho cuộc sống của người dân vốn không quen với mưa thế này.
Cùng ở miền Bắc nhưng nhiệt độ tại Sơn La lại chênh lệch rất lớn so với Hà Nội

Cùng ở miền Bắc nhưng nhiệt độ tại Sơn La lại chênh lệch rất lớn so với Hà Nội

HHT - Nắng nóng tiếp tục diễn ra gay gắt tại nhiều nơi trên cả nước, trong đó có các tỉnh Tây Bắc Bộ. Tại Yên Châu (Sơn La), mức nhiệt đo được lúc 13h lên đến 41,7 độ C. Trong khi đó, Đông Bắc Bộ có nền nhiệt duy trì ngưỡng cao nhất khoảng 29-32 độ C. Vì sao lại có sự khác biệt rõ rệt này?