Chuyện về những tuyên truyền viên bình đẳng giới ở vùng xa Đắk Lắk

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Khi đi tuyên truyền về bình đẳng giới, chị Hằng luôn tìm hiểu kỹ về văn hóa, phong tục của mỗi dân tộc. Chị còn học tiếng dân tộc để dễ giao tiếp với chị em ở buôn làng dân tộc thiểu số.

Làm Chi hội trưởng Chi hội phụ nữ buôn Ea Sar (xã Ea Sar, huyện Ea Kar, Đắk Lắk) và đảm nhiệm mảng y tế của buôn, chị Ma Thị Hằng có nhiều thời gian gặp gỡ, trò chuyện với chị em phụ nữ.

Chị Hằng cho biết, trong buôn có khoảng 72% dân số người Êđê, còn lại Tày, Nùng, Mường...

Theo chị Hằng, qua công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về bình đẳng giới, chị em phụ nữ trong buôn Ea Sar đã hiểu được những điều cơ bản như: các thành viên nam, nữ trong gia đình có trách nhiệm chia sẻ công việc gia đình; bàn bạc, đưa ra các quyết định quan trọng của gia đình (mua bán đất đai, nhà cửa, vay vốn...).

Tuy nhiên, có gia đình vẫn tồn tại quan niệm khác nhau về con trai, con gái. Điều này xuất phát từ phong tục, tập quán của mỗi dân tộc.

Chuyện về những tuyên truyền viên bình đẳng giới ở vùng xa Đắk Lắk ảnh 1

Chị Ma Thị Hằng (trái) đến nhà tuyên truyền về bình đẳng giới

Chẳng hạn, người Êđê theo chế độ mẫu hệ, do đó, họ rất thích có con gái để sau này "bắt rể" về ở cùng gia đình, phụng dưỡng cha mẹ khi về già. Do đó, khi đã có 3 người con trai, có gia đình muốn sinh thêm để tìm con gái.

Còn bà con người Tày, Nùng..., thì ngược lại. Họ rất thích có con trai để nối dõi tông đường, thờ cúng tổ tiên. Vậy nên khi đã có 2 đứa con gái, có gia đình cố sinh thêm mong để tìm con trai "chống gậy".

Do đó, khi đi tuyên truyền về bình đẳng giới, chị Hằng luôn tìm hiểu kỹ về văn hóa, phong tục, quan niệm của mỗi dân tộc. Trong lúc tuyên truyền, chị dẫn chứng ngay chính các gia đình trong buôn về việc có nhà toàn con gái, có nhà toàn con trai, nhưng các con đều hiếu thuận, chăm sóc bố mẹ, chăm lo làm ăn, phát triển kinh tế...

"Tôi thường nói với bà con rằng, con trai hay con gái cũng đều là con, miễn sao chúng khỏe mạnh. Vấn đề còn lại nằm ở chỗ bố mẹ giáo dục con cái như thế nào để chúng biết lễ nghĩa, yêu thương chăm sóc gia đình là được", chị Hằng cho hay.

Không chỉ am hiểu phong tục, tập quán từng dân tộc, chị Hằng còn học luôn ngôn ngữ để dễ giao tiếp, tâm tư với họ nhiều hơn. Bản thân chị Hằng đã nghe và hiểu được 80% tiếng Êđê, đủ để giao tiếp với bà con trong buôn.

Do đặc thù bà con đi làm rẫy nên chị Hằng linh hoạt, đa dạng nhiều hình thức tuyên truyền cho hiệu quả về chủ đề quyền bình đẳng giới như: Lồng ghép nội dung tuyên truyền vào các cuộc họp buôn, tranh thủ lúc chị em đưa con đi tiêm chủng; có khi chị đi từng nhà vận động, thậm chí cả lúc bà con đang đi làm trên rẫy...

Còn tại thôn 2 (xã Ea Sar, huyện Ea Kar) có hơn 90% bà con người Tày, Nùng, nên chị Hoàng Thị Hồng - Chi hội trưởng Chi hội phụ nữ thôn, có cách tuyên truyền riêng, phù hợp.

Theo chị Hồng, đa số chị em phụ nữ trong thôn đã phổ cập giáo dục tới cấp THCS nên nhận thức rất tốt về vấn đề bình đẳng giới.

Chị em phụ nữ hiểu được căn bản quyền của người vợ trong gia đình. Nhiều chị em còn am hiểu pháp luật, "của chồng công vợ" và hiếm khi xảy ra bạo lực gia đình. Điều này đã tiến bộ hơn rất nhiều so với trước đây.

Tuy vậy, thi thoảng trong thôn 2 vẫn có trường hợp chồng say xỉn về to tiếng với vợ. Những lúc như vậy tổ hòa giải của thôn sẵn sàng hỗ trợ cho chị em. Phương pháp của tổ là luôn mềm dẻo, tuyên truyền cho chị em hiểu "cơm sôi bớt lửa" để tránh sự việc bị đẩy đi quá xa.

Đối với công tác tuyên truyền bình đẳng giới, chị Hồng cho hay, chị làm bên tổ vay vốn nên khi bà con đi nộp lãi, sẽ kết hợp tuyên truyền; những lúc chị em đổi công làm rẫy với nhau, chị Hồng cũng tranh thủ thời gian giải lao để bắt chuyện và chị cũng tuyên truyền nội dung này đến nam giới...

Ông Văn Đình Thìn - Phó Chủ tịch UBND xã Ea Sar cho biết, công tác tuyên truyền về bình đẳng giới luôn được các cấp, ngành quan tâm, triển khai sâu rộng đến tận thôn, buôn.

Hiện xã Ea Sar đã thành lập CLB truyền thông về bình đẳng giới với 13 đơn vị thôn, buôn tham gia. CLB lập ra để chị em phụ nữ kết nối với nhau, trang bị thêm kiến thức về bình đẳng giới, nâng cao nhận thức về chăm sóc sức khỏe, nâng cao thể trạng...

MỚI - NÓNG
Nơi vua Hàm Nghi ban tặng nhiều bảo vật
Nơi vua Hàm Nghi ban tặng nhiều bảo vật
TPO - Quần thể Di tích quốc gia thành Sơn Phòng, đền Trầm Lâm và đền Công Đồng tại xã Phú Gia, huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh gắn với cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của vua Hàm Nghi. Đặc biệt nơi đây còn lưu giữ nhiều “bảo vật” nhà vua ban tặng.

Có thể bạn quan tâm

Giao lưu sáng kiến truyền thông về phòng, chống bạo lực gia đình, thúc đẩy bình đẳng giới

Giao lưu sáng kiến truyền thông về phòng, chống bạo lực gia đình, thúc đẩy bình đẳng giới

TPO - Tại buổi Giao lưu sáng kiến truyền thông về phòng, chống bạo lực gia đình do Trung ương Hội LHPN Việt Nam và Hội LHPN tỉnh Thanh Hóa phối hợp tổ chức, nhiều tiểu phẩm đặc sắc, nhiều sáng kiến hay, nhiểu hoạt động thu hút.., đã giúp hội viên, phụ nữ và nhân dân nhận thức rõ hơn trách nhiệm tham gia công tác phòng, chống bạo lực gia đình, thúc đẩy bình đẳng giới.