Có địa phương dạy học sinh lớp 1 qua truyền hình

0:00 / 0:00
0:00
Học sinh lớp 1 cần được giáo viên nắm tay nắn từng nét chữ, nên nếu học qua màn hình sẽ gặp nhiều khó khăn. Ảnh: Quỳnh Anh
Học sinh lớp 1 cần được giáo viên nắm tay nắn từng nét chữ, nên nếu học qua màn hình sẽ gặp nhiều khó khăn. Ảnh: Quỳnh Anh
TP - Thừa Thiên-Huế quyết định không dạy trực tuyến cho học sinh lớp 1; tỉnh sẽ mời giáo viên giỏi ghi hình, tập hợp video để các em học qua truyền hình. Trong khi đó, Hưng Yên dạy kết hợp cả trực tuyến và trực tiếp.

Mỗi tiết học dự kiến sẽ chỉ từ 20-25 phút, thay vì 35 phút như học trực tiếp và chỉ học các môn Tiếng Việt, Toán, Đạo đức. Lãnh đạo Sở GD&ĐT Thừa Thiên-Huế cho rằng, học sinh chưa biết chữ, khó có thể học trực tuyến hiệu quả.

Khi dạy qua truyền hình, các bài giảng được lưu lại, các em có thể chủ động học đi, học lại nhiều lần. Chưa kể, giải pháp này giải quyết được cả vấn đề ở những vùng khó khăn, học sinh không có mạng để học.

Đà Nẵng cũng là địa phương xác định không coi phương thức dạy trực tuyến là chủ yếu, nhất là với học sinh đầu cấp vì ngoài việc không đạt hiệu quả như mong muốn, còn có thể ảnh hưởng sức khoẻ, tinh thần của học sinh. Nếu sau hai tuần làm quen, dịch COVID-19 vẫn chưa được kiểm soát, thành phố sẽ xin ý kiến, hướng dẫn của Bộ GD&ĐT.

Trong khi đó, Bộ GD&ĐT khuyến khích các địa phương linh hoạt, tận dụng thời gian vàng để dạy trực tiếp. Tại tỉnh Hưng Yên, riêng học sinh lớp 1 được thiết kế học kết hợp trực tiếp và trực tuyến; các khối lớp khác học trực tuyến. Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Văn Phê, Giám đốc Sở GD&ĐT Hưng Yên, nói rằng, học sinh lớp 1 chưa biết chữ, cần có thời gian tương tác với giáo viên, làm quen với việc học.

“Do đó, địa phương quyết định ưu tiên học sinh lớp 1 đến trường 3 buổi/tuần. Mỗi lớp chia đôi học sinh, đảm bảo không quá 20 em để học trực tiếp, các buổi còn lại học trực tuyến. Với phương thức này, ít nhiều sẽ thuận lợi hơn cho cả giáo viên, học sinh”, ông Phê nói.

Do chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch COVID-19 nên TPHCM xác định việc dạy học trực tuyến có thể kéo dài đến hết học kỳ I năm học 2021-2022. Giám đốc Sở GD&ĐT TPHCM Nguyễn Văn Hiếu cho biết, đơn vị sẽ có hướng dẫn cụ thể đối với các trường.

Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội, ông Phạm Xuân Tiến, nói rằng, sau khi Hà Nội hết giãn cách theo Chỉ thị 16, có thể học sinh chưa được đến trường ngay để đảm bảo an toàn cho các em.

“Các nhà trường xây dựng kế hoạch dạy học sao cho hiệu quả, nhất là học sinh lớp 1. Sở GD&ĐT sẽ có văn bản hướng dẫn chi tiết. Tuy nhiên, tinh thần là các trường dành 7-10 buổi đầu để học sinh làm quen, tương tác với giáo viên”, ông Tiến nói.

Ông Thái Văn Tài, Vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học - Bộ GD&ÐT, khẳng định, học sinh lớp 1 là đối tượng đặc thù; các địa phương xây dựng kế hoạch dạy học làm sao tận dụng tối đa thời gian vàng để dạy trực tiếp trên lớp, hạn chế học trực tuyến.

Bà Nguyễn Thị Ngân Bình, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Kim Giang (quận Thanh Xuân, Hà Nội), cho biết, dự kiến ngày 1/9, trường có buổi học sinh tựu trường trực tuyến, cô trò “gặp” nhau, làm quen.

Sau đó, trường thiết kế nội dung bài học, giờ học, thời lượng… phù hợp với đối tượng đặc thù. “Cái khó của lớp 1 là cô chưa biết mặt trò, trò cũng chưa biết mặt cô, mặt chữ; chưa có thời gian làm quen nên nếu dạy học phải có kế hoạch cụ thể. Phụ huynh làm vai trò cầu nối về việc chuẩn bị, hỗ trợ con trong quá trình học”, bà Bình nói.

Hiệu trưởng nhiều trường tiểu học tại Hà Nội cũng cho rằng, dạy trực tuyến với học sinh lớp 1 gặp nhiều khó khăn vì bình thường các em cần phải được cầm tay nắn chữ, nay mọi việc chỉ qua màn hình. Điều kiện của từng gia đình cũng khác nhau, người có máy tính, người chỉ có điện thoại cũ, màn hình mờ. “Nếu phải dạy trực tuyến, giáo viên, học sinh, phụ huynh đều rất vất vả, chưa biết hiệu quả được bao nhiêu”, một hiệu trưởng nói.

MỚI - NÓNG