Cô gái 9x kể chuyện đi tình nguyện nơi tâm dịch

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Lê Thanh Hồng Bảo Ngân (SN 1999, quê Trà Vinh) cựu sinh viên Cao đẳng Y Dược Pasteur, hiện là nhân viên của một nhà thuốc tại TPHCM. Cô tình nguyện tham gia công tác phòng chống dịch từ tháng 6/2021.

Lúc đầu, cô hoạt động trong đội hình điều phối, trực chốt giao thông, chốt cách ly. Khi diễn biến dịch phức tạp, Ngân là một trong những tình nguyện viên ngành Y được Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch tập huấn cấp tốc bổ sung cho lực lượng lấy mẫu xét nghiệm tại TPHCM.

Cô gái 9x kể chuyện đi tình nguyện nơi tâm dịch ảnh 1
Bức ảnh với dòng chữ “Thà mất nước cơ thể, đừng để mất nước trong tim” đã thu hút hàng ngàn lượt yêu thích, chia sẻ trên mạng xã hội. Ảnh: NVCC

Ngân chính là tình nguyện viên mặc trang phục bảo hộ có dòng chữ "Thà để mất nước cơ thể, đừng để mất nước trong tim" trong tấm ảnh nhận được ngàn "like" trên mạng xã hội mới đây.

Chia sẻ với Tiền Phong, Ngân cho biết đã tình cờ đọc được câu nói ý nghĩa này, rồi quyết định viết lên lưng áo như lời động viên tinh thần bản thân và đồng đội.

“Mặc đồ bảo hộ chống dịch, tôi cảm giác cơ thể luôn trong tình trạng bị vắt kiệt nước. Ngày trước ở nhà, nóng bức, đổ xíu mồ hôi là tôi đã than vãn, phải tìm ngay chỗ có quạt, điều hoà", Ngân chia sẻ và cũng quả quyết "nóng bức mà bảo vệ bản thân và mọi người vẫn tốt hơn".

Cô gái 9x kể chuyện đi tình nguyện nơi tâm dịch ảnh 2
Bảo Ngân lấy mẫu xét nghiệm tại địa bàn dân cư. Ảnh: NVCC

Trong quá trình tác nghiệp, Ngân và đồng đội luôn phải đảm bảo đồ bảo hộ và mặc trong suốt nhiều giờ đồng hồ liền. Đến 8-9 tiếng đồng hồ mặc đồ bảo hộ làm việc cũng là ngần ấy thời gian không uống nước, dù khát khô cổ họng, để tránh lây nhiễm.

Ngân kể, hằng ngày trước khi đi làm đều uống vitamin C để có thể làm việc suốt một ngày dài. Thời gian làm việc không ổn định, sáng bắt đầu từ 6 giờ và kết thúc có khi lúc 3h sáng hôm sau.

Cô gái 9x kể chuyện đi tình nguyện nơi tâm dịch ảnh 3
Bàn tay của Bảo Ngân sau thời gian dài đeo găng tay, sử dụng dung dịch sát khuẩn. Ảnh: NVCC

Trong những ngày tình nguyện tham gia chống dịch, Ngân còn vượt qua nỗi nhớ nhà. Sợ bố mẹ lo lắng nên cô chưa nói với gia đình việc tham gia đi lấy mẫu xét nghiệm.

“Những lúc gia đình gọi video lên, tôi không dám bắt máy vì đang mặc bộ đồ bảo hộ kín mít. Lúc tôi xong việc có thể gọi điện thì đã muộn. Ở dưới quê, mọi người thường đi ngủ sớm", Ngân tâm sự không ít lần đã khóc vì nhớ nhà.

"Tôi còn trẻ và có sức khỏe"

Chia sẻ về lý do tình nguyện tham gia chống dịch, Ngân nói: “Ở nhà, ngày nào cũng thấy hàng trăm ca mắc mới, tôi quyết định tạm gác lại công việc bán thuốc của mình để đăng ký tham gia. TPHCM cho tôi quá nhiều ước mơ, hoài bão. Tôi trẻ và có sức khỏe, tại sao không cống hiến để đi chống dịch".

Cô gái 9x kể chuyện đi tình nguyện nơi tâm dịch ảnh 4
Bảo Ngân mong muốn đóng góp sức trẻ để đẩy lùi dịch bệnh. Ảnh: NVCC

Ngân hiện không chỉ tham gia đội hình lấy mẫu xét nghiệm, mà còn tham gia đội hình có y bác sĩ, giáo viên... ở nhiều quận, huyện sẵn sàng có các hoạt động sẻ chia, hỗ trợ người dân trong dịch.

Trong quá trình tham gia phòng chống dịch, Ngân gặp không ít khó khăn như gặp những người coi thường, chống đối việc thực hiện các quy định phòng chống dịch. Tuy nhiên, có những đồng đội tâm lý và những lời động viên của người dân là "doping" giúp cô thêm mạnh mẽ và tích cực hoạt động.

Cô gái 9x kể chuyện đi tình nguyện nơi tâm dịch ảnh 5

Lê Thanh Hồng Bảo Ngân tạm dừng công việc bán thuốc để tình nguyện tham gia chống dịch. Ảnh: NVCC

"Ở nhóm nào, tôi cũng là em út nên được các anh chị đùm bọc, động viên. Có chị từng động viên: Em hãy nghĩ về TPHCM, nơi em có nhiều kỷ niệm, nơi làm em trưởng thành hơn để cố gắng giúp thành phố mau khỏe lên. Hãy cứ làm đúng trách nhiệm của mình”, Ngân chia sẻ.

MỚI - NÓNG
Bình luận

Có thể bạn quan tâm

Người Hà Nội thả cá tiễn ông Công ông Táo về trời theo cách văn minh

Người Hà Nội thả cá tiễn ông Công ông Táo về trời theo cách văn minh

TPO - Sáng 22/1 (tức 23 tháng Chạp), sau khi làm lễ cúng ở nhà, nhiều người dân Thủ đô đã ra các ao, hồ thả cá chép, tiễn ông Công ông Táo về trời theo phong tục truyền thống. Tại các điểm thả cá đều có lực lượng chức năng và các nhóm tình nguyện trợ giúp người dân thả cá an toàn, không gây ô nhiễm môi trường.