Moodboard - chiếc bảng biết nói
Nếu hỏi linh vật của một văn phòng thời trang là gì, câu trả lời chính là: Chiếc bảng moodboard - bảng trưng bày ý tưởng. Em í được đặt trang trọng chính giữa văn phòng và sẽ là khu vực “truyền cảm hứng” cho tất cả mọi người.
![]() |
Đến mùa nào, chiếc bảng ý tưởng sẽ “phủ sóng” những cảm hứng “kích điện” nhất về phong cách thời trang mùa ấy. Hàng loạt trào lưu quốc tế, sàn diễn nước ngoài đang có gì, bảng màu pantone chuyển động ra sao… đều được “đính” lên đầy đủ. Mọi thứ đều được thực hiện dựa trên phong cách thống nhất nhằm khiến công việc của cả team không bao giờ bị trật đường tray!
Bất cứ thứ gì, miễn là mang lại cảm hứng cho Bộ sưu tập cũng đều được đính lên chiếc bảng moodboard. Các anh chị trong văn phòng thường gắn lên những mẫu vải, chất liệu sẽ được sử dụng trong Bộ sưu tập. Bên cạnh đó, đừng lấy làm lạ khi trên bảng ý tưởng bỗng xuất hiện một bông hoa khô đẹp long lanh, hay hình tượng “nàng thơ” đẹp rụng rời để lấy cảm hứng sáng tạo. Bật mí cho các bạn, ở văn phòng của LIBÉ Workshop, các anh chị còn đính hẳn một menu trà sữa để “nạp năng lượng” mỗi khi bắt tay vào làm bộ sưu tập đó!
“Rổ” bí kíp: Biết cách xây dựng moodboard cũng là một trong những yêu cầu để “bước chân” vào thời trang - ngành công nghiệp đòi hỏi nhiều về sáng tạo. Thậm chí, không nhất thiết phải mê đắm váy áo, tạo moodboard cũng dạy bạn cách thể hiện ý tưởng của mình bằng hiện vật trực quan. Vì thế, hãy thử mang em í vào những buổi “rang tôm” trong lớp hay những bài thuyết trình nhé!
![]() |
Chúng mình có thể tìm mua moodboard trên đường Nguyễn Đình Chiểu (đoạn đối diện Đại học Kinh tế) hoặc tải ngay “bảng ảo” Curator, Jux, InkFlow về điện thoại.
“Gõ cửa” chu trình sản xuất
Đây cũng chính là quá trình khó khăn nhất! Phải là người có kinh nghiệm mới có thể “nhảy phóc” qua hàng loạt rắc rối.
Chuyện kể của những thớ vải
Bạn biết không, những “cao thủ” bộ phận sản xuất sẽ luôn kè kè theo mình... chiếc bật lửa để thử vải. Những tuyệt chiêu “sờ vải” đoán chất liệu, thậm chí sờ vải là tưởng tượng ra được nên may cái gì đều phải sành sỏi. Các anh chị ở bộ phận này cũng là những “siêu nhân” phân biệt màu, khi đứng giữa màu xanh đậm và màu xanh đậm hơn, chưa kể là màu xanh khi ra nắng và màu xanh ở trong râm đều phải nằm lòng.
“Vật lộn” với thiết kế
Bắt tay vào thiết kế, chúng mình sẽ phải “đau đầu” vì bảng size của từng khu vực luôn khác nhau. Cùng một kích cỡ thế nhưng có nơi lại là size M, có nơi size L hay thậm chí là size 52. Bạn Anh Kiệt (ngành Thiết kế Thời trang, Đại học Văn Lang) chia sẻ: “Ở châu Á, người ta thường dùng bảng size chữ (tức S-M-L). Còn bảng size số sẽ được “trưng dụng” chủ yếu ở châu Âu. Nếu để ý thì ZARA, H&M khi về Việt Nam cũng phải thay đổi bảng size cho phù hợp đó!”.
![]() |
Hơn nữa, bạn không cần học thiết kế thời trang để trở thành một nhà thiết kế thời trang chính hiệu. Nếu bỏ lỡ cơ may với Đại học, bạn vẫn có thể “gõ cửa” các trường Cao đẳng để tham gia học nghề kỹ thuật cắt may. Cao đẳng nghề vẫn luôn là lựa chọn khác ngoài Đại học, đặc biệt là cho những ngành đòi hỏi kỹ năng nhiều hơn kiến thức đấy!
Quản lý cung cầu - “anh tài mặt đất”
Thời trang vốn được mệnh danh là sáng tạo, bay bổng. Thế nên quản lý sẽ xuất hiện như một “anh tài mặt đất”. Bạn sẽ phải tính toán chi li xem phải sản xuất bao nhiêu chiếc áo, mua bao nhiêu vải, gia công trong bao lâu và mất một khoản thế nào. Tai nạn nghề nghiệp aka nỗi sợ kinh hoàng của team quản lý chính là... Excel “lăn đùng” ra hỏng đó! Nếu là người thực tế, giỏi nắm bắt các số liệu và quan sát tổng quan, vị trí quản lý sinh ra là dành riêng cho bạn
Sẵn sàng cho thành phẩm “lên sóng”
Thế là chúng mình đã có thành phẩm rồi đây! Nhưng sau giai đoạn sản xuất, quần áo sẽ không được “lên kệ” ngay lập tức. Thay vào đó là những buổi showcase (giới thiệu sản phẩm) cho cả văn phòng. Mọi người sẽ cùng nhau ngồi lại, đánh giá độ dài ngắn của tà áo, dày mỏng của chất liệu hay những hoạ tiết in và màu sắc có chuẩn hay chưa. Đặc biệt, đôi khi thương hiệu cũng treo một vài mẫu thử tại cửa hàng để khách hàng có thể trở thành “ban giám khảo” và trực tiếp đánh giá.
![]() |
Quần áo đẹp thì nhất thiết phải có một “chiến dịch quảng cáo” thật “chất”! Đây là lúc thoả sức sáng tạo concept cho những bộ ảnh lookbook. Tuy nhiên, dù là làm gì thì tinh thần của Bộ sưu tập và “chất” của thương hiệu vẫn là chủ chốt và phải giữ lại làm khung!
Bạn Duy Anh (thành viên team HEADLESS) chia sẻ: “Trước khi bấm máy, tụi mình đều có những buổi họp nội bộ. Anh giám đốc sáng tạo (creative director) sẽ kể cho cả team về ý nghĩa, tinh thần và thông điệp của Bộ sưu tập. Chẳng hạn như lookbook được lấy cảm hứng từ một quyển truyện tranh, đội bóng NBA, những nét vẽ sketch thô sơ... Ngoài ra, tiêu chí của mỗi Bộ sưu tập như thoải mái, tiện dụng cũng cần được chú ý. Có như thế, người mẫu, “phó nháy” và team viết nội dung mới có thể phối hợp ăn ý nhất để cho ra bộ ảnh chuẩn đét!”.
Và vui nhất là “tiết mục” thử quần áo, khi người mẫu ảnh sẽ có dịp được đến thăm văn phòng, và stylist sẽ bắt đầu chọn áo nào đi với quần nào, giày nào và phụ kiện nào để tạo nên tổng thể hài hoà cho bộ đồ.
![]() |
Tấm vé bước vào văn phòng thời trang: Stylist hiện đang là một trong những ngành nghề “nổi như cồn” mà bất kỳ nhãn hàng, người nổi tiếng… nào cũng cần đến! Hãy bắt đầu phối đồ thật đẹp ngay hôm nay, ghi lại những tấm ảnh #ootd và tiến hành gửi CV cho những nơi mà bạn muốn hợp tác!
GIA HUY - PHƯƠNG TRINH