Cô giáo 9X dạy Văn bằng âm nhạc khiến học trò mê mẩn

Cô giáo 9X dạy Văn bằng âm nhạc khiến học trò mê mẩn
HHT - Cô Nguyễn Thị Hồng Nhung giáo viên trường THPT Bình Hưng Hòa đã có sáng tạo độc đáo trong việc đổi mới phương pháp giảng dạy bộ môn, đó là đưa âm nhạc vào môn Ngữ văn, khiến học sinh thích thú và đam mê môn Văn hơn.

Làm sao để học sinh yêu thích môn Văn?

Ngữ văn luôn là một trong những tiết học dễ gây cho học sinh áp lực mệt mỏi vì bài dài và lượng kiến thức nhiều dẫn đến tình trạng càng ngày các em càng ít hứng thú trong giờ học Văn.

Mong muốn thay đổi không khí tiết học Ngữ văn không nhàm chán, học sinh không thụ động là điều mà rất nhiều giáo viên hướng tới. Một trong các hoạt động mà giáo viên hay chọn đó chính là lồng ghép các tiết mục văn nghệ (đàn, hát, đóng kịch...) vào tiết học. Và cách làm mới, lạ, độc đáo nhất mà cô Nguyễn Thị Hồng Nhung thực hiện là viết lời cho ca khúc từ tác phẩm văn học dựa trên nền nhạc có sẵn.

Nói về cách làm này, cô Nhung cho biết: "Không phải tác phẩm văn học nào cũng có thể làm mềm hóa bằng âm nhạc. Nếu là thơ thì việc phổ nhạc tương đối dễ dàng, nhưng với văn xuôi, việc đưa âm nhạc vào tác phẩm còn gặp rất nhiều khó khăn".

Vượt qua những trở ngại ban đầu, cô Nhung chọn chương trình lớp 11 để thử nghiệm với truyện ngắn "Hai đứa trẻ" của nhà văn Thạch Lam.

"Tác phẩm này khó tiếp nhận cho cả thầy và trò bởi cấu trúc "truyện không có cốt truyện" mà nhẹ nhàng như một bài thơ đượm buồn. Chính vì thế, việc hướng dẫn học sinh tìm hiểu, ghi nhớ các chi tiết và lĩnh hội nội dung tác phẩm là điều khó khăn cho cả giáo viên.

Xuất phát từ thực trạng đó nên tôi đã nghĩ đến việc tự viết lời trên nền nhạc có sẵn nhằm mục đích giúp học sinh dễ dàng ghi nhớ được các chi tiết có trong truyện ngắn. Và trong tiết học, học sinh được nghe nhạc và tự tập hát sẽ là một hoạt động làm không cho khí lớp sinh động, học sinh vui vẻ và hào hứng. Việc nghe bài hát, thuộc lời để nhớ các sự việc, diễn biến trong tác phẩm sẽ bớt khô khan hơn", cô Nhung chia sẻ.

Nhung cũng cho biết, ý tưởng là thế nhưng điều khó nhất đó chính là phần viết lời ca khúc cho truyện. Nếu chỉ thâu tóm nội dung thì không phải quá khó khăn, mà vì muốn cho học sinh nhớ được dẫn chứng nên cô đã cố gắng chọn lọc các chi tiết đặc sắc trong truyện để đưa vào lời nhạc.

"Tác phẩm "Hai đứa trẻ" khá dài, phải chia nhỏ thành ba đoạn. Và để viết được hết toàn truyện cũng cần chọn lọc được phần nhạc hợp lý. Tiếp đến thì viết lời, vẫn theo mục tiêu là bám sát văn bản nên phần này khó nhất. Sau cùng, cô trò thảo luận rồi chỉnh sửa để được phần lời ưng ý nhất", cô Nhung nói thêm.

Cô giáo 9X dạy Văn bằng âm nhạc khiến học trò mê mẩn ảnh 1
Cô Hồng Nhung (hàng đầu, ngoài cùng bên trái) cùng học sinh.

Tiết học thú vị, học sinh hào hứng ngoài mong đợi

Nhiều học sinh cho biết, một trong những điều mà các em cảm thấy thích thú là lời bài hát được viết trên nền nhạc của ca khúc khá quen thuộc, đó là bài "Giấc mơ trưa" của ca sĩ Giáng Son: 

"Liên ngồi trong xa, giọt chiều đang buông, giọt tàn đang rơi, áng mây ánh hồng, những hòn than sắp tàn. Liên lặng yên nghe, giọng cười quen quen, cụ bà Thi điên, tiếng cười ghê người nhưng dần bế tắc đời. Và thấy xa xa kia là đôi người, chị Tý bưng theo gánh hàng để bán, lời lãi không bao dẫu là chăm chỉ, mà vẫn siêng năng mỗi ngày bán hàng...

Chợt phố êm êm như màn nhung huyền, từng ngõ con con chứa đầy bóng tối, huyện phố mơn man những làn gió thoảng, ngàn ánh sao xa xa mờ trên trời, vệt sáng mơ hồ".

Học sinh Đào Thị Thảo cho biết: "Nghe ca khúc khiến em nhớ các ý trong tác phẩm nhiều hơn. Lời bài hát tái hiện những chi tiết có trong tác phẩm "Hai đứa trẻ" giúp em nhớ các sự việc một cách chính xác cũng như diễn biến tâm lí của nhân vật chính trong tác phẩm. Cũng nhờ vậy, em nhớ được ý nghĩa của truyện thật sâu sắc và không cần phải học thuộc lòng bài cũ nữa".

Cùng chung cảm nhận, học sinh Đỗ Gia Thủy nêu cảm nhận: "Học Ngữ văn qua âm nhạc, em cảm thấy dễ nhớ và cũng dễ hình dung ra được hoàn cảnh mà nhà văn Thạch Lam đã dựng lên tác phẩm "Hai đứa trẻ". Nếu chỉ đọc tác phẩm, em cũng có thể tưởng tượng được bối cảnh xã hội cũng như cảnh sống của con người trước năm 1945, nhưng chỉ được một phần nào đó. Còn nghe được lời nhạc dựa trên tác phẩm thì em có thể dễ hình dung ra được rõ ràng khung cảnh trong tác phẩm một cách rõ nét. Việc học như thế này sẽ khiến tác phẩm đi sâu vào lòng người đọc nhiều hơn, sâu sắc hơn".

Nhận xét về năng lực giảng dạy của cô Nguyễn Thị Hồng Nhung, thầy Phan Thế Hoài - tổ trưởng tổ chuyên môn Ngữ văn Trường THPT Bình Hưng Hòa cho biết: "Cô Nhung mặc dù tuổi đời và tuổi nghề còn rất trẻ, thế nhưng cô đã có một sự nghiệp vững vàng với nghề dạy học, đó chính là lòng nhiệt huyết với công việc và rất tâm lí với học sinh. Cô luôn trăn trở để tìm ra những phương pháp dạy học khả quan nhất để giúp học sinh hứng thú với môn học".

Với những tìm tòi, sáng tạo không ngừng nghỉ của người thầy, vừa qua cô Nhung được Quận ủy Bình Tân, TPHCM trao danh hiệu cao quý "Nhà giáo trẻ tiêu biểu" năm 2018.

Cô giáo 9X dạy Văn bằng âm nhạc khiến học trò mê mẩn ảnh 2
Cô giáo Nguyễn Thị Hồng Nhung nhận danh hiệu "Nhà giáo trẻ tiêu biểu" năm 2018.
Theo dantri.com.vn
MỚI - NÓNG
Dịp lễ 30/4 - 1/5, Hà Nội có nóng lên tới 41 độ C như ứng dụng thời tiết dự báo?
Dịp lễ 30/4 - 1/5, Hà Nội có nóng lên tới 41 độ C như ứng dụng thời tiết dự báo?
HHT - Nắng nóng sẽ diễn ra tại hầu hết các địa phương trên cả nước trong dịp nghỉ lễ, nếu có kế hoạch du lịch, vui chơi ngoài trời cần chú ý bảo vệ sức khỏe, tăng cường chống nắng tránh nguy cơ say nóng, đột quỵ. Thế nhưng liệu Hà Nội có nóng tới tận 41 độ C như dự báo của các ứng dụng thời tiết?

Có thể bạn quan tâm

Thực hư chuyện hai anh em đạp xe hơn 400km tìm mẹ: Gia đình đã tìm thấy con

Thực hư chuyện hai anh em đạp xe hơn 400km tìm mẹ: Gia đình đã tìm thấy con

HHT - Mới đây, mạng xã hội rầm rộ chia sẻ thông tin về 2 bé trai đạp xe từ Điện Biên xuống Hà Nội để đi tìm mẹ. Hai em được một người dân bắt gặp trong bộ dáng mệt mỏi, đói khát nên đưa vào nhà giúp đỡ. Tuy nhiên, theo xác minh mới nhất của Công an huyện Mai Châu, sự thật không đúng như lời kể của hai em.