Ngành học “nóng” với nhiều chính sách ưu tiên
Những năm gần đây, điểm chuẩn khối ngành Sư phạm đều khá cao so với mặt bằng chung. Năm nay, trường ĐH Sư phạm Hà Nội công bố điểm sàn các ngành Sư phạm dao động từ 18.5 đến 20 điểm. Đặc biệt là năm 2019, trường ĐH Sư phạm TP. Hồ Chí Minh có điểm chuẩn ngành Sư phạm Hóa lên tới 29,2 điểm, ngành Sư phạm Toán là 29 điểm…
Các mức điểm này yêu cầu các thí sinh ứng tuyển phải có tối thiểu 9 điểm mỗi môn thi - một mức điểm tương đương với nhiều ngành thuộc khối ngành Sức khỏe. Có thể thấy ngành Sư phạm ngày càng có nhiều sức hút với các bạn học sinh.
Mới đây, khối ngành này lại càng nhận được nhiều sự quan tâm khi có quy định mới về chính sách hỗ trợ sinh viên Sư phạm. Mỗi sinh viên sẽ được hỗ trợ 3,63 triệu đồng/ tháng để chi trả sinh hoạt phí. Đây được coi là chính sách “chưa từng có”, nhằm mục đích nâng cao chất lượng đào tạo và thu hút sinh viên.
Không chỉ các sinh viên Sư phạm và những bạn học sinh dự định theo học, chính sách này còn khiến nhiều sinh viên ngoài ngành bàn tán xôn xao. “Sinh viên Sư phạm vốn đã nhận được ưu tiên rất lớn khi được miễn học phí rồi. Bây giờ còn được trợ cấp sinh hoạt phí, trong khi khối ngành Sức khỏe cũng nằm trong diện đảm bảo chất lượng đầu vào thì lại phải tự chủ học phí, một số trường thậm chí tăng lên cả gần trăm triệu đồng”, một bạn sinh viên bức xúc chia sẻ.
Nghe “nhân vật chính” trải lòng
Dù nhận nhiều ưu tiên, sinh viên Sư phạm cũng không hề dễ dàng khi trường bỗng dưng trở thành “trường nhà người ta” đâu nhé! Điều kiện để các bạn ấy được hưởng những chính sách dành cho khối ngành này là phải công tác trong ngành Giáo dục 2 năm tính từ ngày được công nhận tốt nghiệp. Bên cạnh đó, thời gian làm việc yêu cầu gấp đôi thời gian học tính từ ngày bắt đầu đi làm.
Bạn Thu An (sinh viên ngành Sư phạm Toán) chia sẻ: “Tụi mình có áp lực hơn khi phải tìm được công việc dạy học ngay sau khi ra trường. Nếu không định hướng học tập và thực tập hợp lý thì bạn có thể gánh một khoản nợ bao gồm cả tiền học phí, sinh hoạt phí và thất nghiệp nữa, vì dù giáo viên khan hiếm nhưng tìm việc không hề dễ dàng”.
Cùng suy nghĩ, bạn Hà Trang (sinh viên ngành Sư phạm Tiếng Anh) kể: “Các anh chị khóa trước làm trái ngành khá nhiều, nên tớ không biết liệu mình có tìm được việc làm đúng ngành hay không. Bên cạnh đó, số tiền trợ cấp thu hút nhiều sinh viên hơn, nhưng dẫn đến chuyện là không phải ai cũng vào ngành vì đam mê hoạt động giáo dục. Chất lượng ngành giảm thì ảnh hưởng chung tới tất cả sinh viên chứ không riêng cá nhân nào”.
Các bạn sinh viên lo lắng về tương lai sau khi ra trường, trong khi nhiều bạn học sinh dự định theo đuổi ngành Sư phạm e ngại tỷ lệ cạnh tranh những năm tới sẽ cao hơn.
Nhưng chính điều này lại giúp khối ngành này có thể nâng cao chất lượng đầu vào. Chất lượng đào tạo tăng do bạn nào cũng phải cố gắng để tự trau dồi kiến thức, hoàn thiện bản thân để dễ dàng tìm kiếm công việc sau khi ra trường. Khi ấy, cơ hội trở thành giáo viên tương lai sẽ dành cho những người giỏi và nỗ lực.