Cổ phiếu tăng gấp rưỡi trong 1 tuần

0:00 / 0:00
0:00
TPO - VN-Index đóng cửa phiên giao dịch ngày 28/2 trong sắc đỏ. Cổ phiếu lớn “đè” chỉ số trong khi các nhóm thép, phân bón, than vụt sáng. Thanh khoản sụt giảm, bên bán vẫn chiếm ưu thế với 252 cổ phiếu trên HoSE giảm giá, áp đảo 202 mã tăng.

Cổ phiếu lớn chìm trong sắc đỏ với 21/30 mã trong rổ VN30 giảm giá. Ảnh hưởng tiêu cực nhất đến chỉ số là VIC, VHM, BID, CTG, VCB, VJC, MSN, NVL… Các nhóm lớn như ngân hàng, bất động sản đồng loạt điều chỉnh.

Bất chấp thị trường rung lắc, cổ phiếu thép, phân bón, than đồng loạt tăng mạnh.

Nhóm cổ phiếu thép đang được kỳ vọng là nhóm có thể hưởng lợi từ căng thẳng Nga – Ukraine và các biện pháp cấm vận nếu xảy ra. HPG dẫn dắt thị trường, NKG, HSG, TLH, NSH tăng trần. TVN, VGS, TKU, POM đều tăng mạnh. Cổ phiếu thép giữ thanh khoản cao nhất thị trường.

Theo số liệu từ Chứng khoán BSC, nếu lượng xuất khẩu thép của Nga vào EU bị cắt giảm do cấm vận thì sẽ tạo cơ hội cho các nhà xuất khẩu khác, đặc biệt với nhóm tôn mạ đang xuất nhiều sang EU (NKG, HSG). Hiện tại HPG không xuất nhiều thép xây dựng sang EU.

Phiên hôm nay, DPM, DCM, SFG tăng trần sau động thái cấm xuất khẩu Amoni nitrat (NH4NO3) của Nga tạo tâm lý có thể đẩy giá phân đạm trên toàn cầu tiếp tục tăng trong bối cảnh Trung Quốc vẫn duy trì chính sách hạn chế xuất khẩu phân bón. Hiện nay, sản lượng Amoni nitrat xuất khẩu của Nga đạt khoảng 15 triệu tấn mỗi năm, chiếm 75% nguồn cung toàn thế giới.

Sau chuỗi phiên tăng mạnh, cổ phiếu dầu khí hôm nay phân hoá, trong khi PVC tăng trần, PVB tăng 7%, thì PVS, PVD, BSR tăng nhẹ. PLX, OIL đóng cửa lùi về dưới tham chiếu.

PVC chỉ qua 1 tuần, đã tăng giá 44%, từ mức 16.200 đồng/cổ phiếu (22/2), đóng cửa phiên hôm nay lên 22.000 đồng/cổ phiếu.

Theo nhận định của BSC, chiến sự Nga - Ukraine, có thể tác động tiêu cực đến nhóm ngành chăn nuôi khi giá nguyên vật liệu thức ăn chăn nuôi tiếp tục tăng cao trong khi đặc thù ngành khó có thể chuyển mức tăng chi phí vào giá bán. Một số cổ phiếu có thể bị ảnh hưởng là DBC, VLC.

Theo BSC, xung đột ở Ukraine không tác động trực tiếp và đáng kể về kinh tế tới Việt Nam do thương mại song phương với nước này chỉ chiếm 0,1% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam.

Việt Nam hiện đứng thứ 39 trong các đối tác thương mại của Nga và kim ngạch xuất nhập khẩu giữa hai nước chiếm hơn 1% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam.

Tác động chính tới Việt Nam từ cuộc chiến, theo BSC, là từ biến động giá các mặt hàng là nguyên vật liệu đầu vào quan trọng như xăng, dầu, gas... Ở một khía cạnh khác, các doanh nghiệp trong những mảng này sẽ được hưởng lợi khi mặt bằng giá một số loại hàng hóa chung tăng lên.

MỚI - NÓNG