Có thể phòng ngừa hành xử côn đồ từ nhà trường, gia đình

Có thể phòng ngừa hành xử côn đồ từ nhà trường, gia đình
TP - Chém người chỉ vì va chạm giao thông, vác dao vào quán karaoke gây án vì ngứa mắt, đánh hội đồng bạn học chỉ vì nghi bị bạn nói xấu... Theo cơ quan chức năng, đây là thực tế đáng báo động trong một bộ phận giới trẻ, song không phải không thể phòng ngừa.
Có thể phòng ngừa hành xử côn đồ từ nhà trường, gia đình ảnh 1
Nhóm côn đồ chém người vì va chạm giao thông chiều 18-1 

Như Tiền Phong đã đưa tin, cách đây vài hôm, tại bữa tiệc sinh nhật tròn 15 tuổi, Nguyễn Thị H., nhà ở quận Hai Bà Trưng, Hà Nội đã mời hơn 20 người bạn tới chung vui tại một quán karaoke trên phố Nguyễn Khuyến.

Tại cuộc vui, Phạm Anh Dũng (SN 1994) thấy... xốn mắt khi nhìn thấy H. và bạn trai Lưu Đình D. (SN 1990) bày tỏ tình cảm với nhau bằng một nụ hôn. Dũng cùng Trần Nam Sơn (SN 1993) và 3 đối tượng khác đều trong độ tuổi 9X bỏ ra ngoài, bàn kế hoạch đánh anh D. cho bõ ghét.

Hậu quả, anh D. bị 5 đối tượng đâm chém tử vong ngay tại bàn tiệc, một nạn nhân khác cũng bị nhóm này đâm chém trọng thương. Bữa tiệc sinh nhật của cô gái tuổi 15 biến thành nỗi kinh hoàng của những người có mặt.

Tương tự, chỉ vì bực dọc vô cớ tại một sân trượt pa-tanh ở huyện Đan Phượng, 8 quý tử ở độ tuổi 9X đã rủ nhau vác dao đi dàn hàng ngang trên đường, thấy ai ngứa mắt là chém, vô cớ gây thương tích cho 7 người dân.

Gần đây nhất, chiều 18-1, từ việc va chạm giao thông với một xe ô tô 4 chỗ tại đường Phạm Hùng, huyện Từ Liêm, Vũ Văn Lợi (SN 1991) đã mở cốp xe máy, lấy dao rượt đuổi tài xế. Bị người đi đường ngăn cản, Lợi liền rút điện thoại gọi đồng bọn đến yểm trợ.

Chỉ vài phút sau, 6 đối tượng côn đồ tuổi teen khác đã có mặt với dao kiếm trên tay, tiếp tục đuổi chém người lái xe ô tô và những ai dám can thiệp. CSGT đã phải rút súng bắn chỉ thiên giải tán nhóm đối tượng, đưa nạn nhân đi cấp cứu.

Nhóm côn đồ chém người vì va chạm giao thông chiều 18-1 cùng tang vật vụ án
Tang vật vụ án chiều 18 - 1.

Khẩn trương truy xét, đến 23 giờ đêm, Công an Từ Liêm đã bắt gọn nhóm côn đồ hung hãn trên tại một nhà trọ ở xã Mễ Trì, thu 2 dao nhọn, 3 bình hút ma túy dạng đá. Mở rộng điều tra, công an còn làm rõ nhóm đối tượng trên liên quan đến một vụ đánh nhau, gây rối khác trên địa bàn huyện Từ Liêm.

Đề cao vai trò của gia đình, nhà trường

Trao đổi với Tiền Phong, trung tá Trần Ngọc Hà (Đội trưởng Đội Điều tra trọng án - PC45 Công an TP Hà Nội) cho biết, trong những năm gần đây, năm nào cũng xảy ra những vụ trọng án do các đối tượng ở độ tuổi vị thành niên gây ra. Tính chất các vụ án đã xảy ra cho thấy, các đối tượng rất manh động, sẵn sàng gây án chỉ vì một vài mâu thuẫn hay va chạm nhỏ.

Cũng theo trung tá Trần Ngọc Hà, muốn ngăn ngừa tội phạm vị thành niên chỉ có thể bắt đầu bằng công tác tuyên truyền, giáo dục từ nhà trường và gia đình. Thực tế các vụ án cho thấy, trước khi phạm tội, các em thường rủ rê nhau, rồi bàn tán. Nếu có sự quan tâm sâu sát, gia đình và nhà trường có thể nắm bắt thông tin từ những em học sinh khác; hoặc nhận biết những biểu hiện khác thường của học sinh, con em mình để răn đe, giáo dục kịp thời.

Mới đây, trao đổi với báo chí về vấn đề bạo lực trong lứa tuổi học sinh, GS.TS Đào Trọng Thi, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục Thanh thiếu niên và Nhi đồng đã bày tỏ sự quan ngại về khả năng hình thành luật rừng trong cách ứng xử của một bộ phận học sinh.

Theo ông Thi, đối với học sinh vi phạm kỷ luật, đình chỉ học tập một thời gian đã là rất nặng nề. Nếu như những hình thức kỷ luật vẫn không đủ sức răn đe các em thì đó chính là báo động về đạo đức học sinh và cũng là báo động về trách nhiệm của các bậc phụ huynh.

20 vụ nữ sinh đánh bạn

Hành xử côn đồ không chỉ có ở nam học sinh. Theo thống kê sơ bộ của PV, từ đầu năm 2010 đến đầu năm 2011, tại các địa phương như Hà Nội, TPHCM, Quảng Ninh, Lạng Sơn, Hà Giang đã xảy ra gần 20 vụ học sinh nữ chặn đường đánh bạn, quay clip tung lên mạng. Thậm chí, có vụ nữ sinh còn dùng đến hung khí như com-pa và kéo.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG