Còn đủ thời gian để hoàn thành chương trình học

Học sinh vùng cao học trong những ngày rét
Học sinh vùng cao học trong những ngày rét
TP - Theo cán bộ quản lý giáo dục các cấp, việc cho học sinh nghỉ học kéo dài ở các tỉnh phía Bắc trong đợt rét năm nay không ảnh hưởng tới kế hoạch thực hiện năm học của các trường.
Học sinh vùng cao học trong những ngày rét
Học sinh vùng cao học trong những ngày rét . Ảnh: Xuân Phú

Các trường đều được có dư 2 tuần lễ

Theo thông lệ trước đây, các trường học trên toàn quốc tổ chức dạy học cho năm học mới sau ngày 5-9, và kết thúc năm học đồng loạt vào cuối tháng 5 năm sau. Thậm chí, có một thời gian dài, học sinh cả nước được học theo chương trình chi tiết đến từng tiết học.

Theo đó, cùng một thời điểm học sinh của một khối lớp trên toàn quốc được học chung một bài học. Quy định này khiến nhiều trường học gặp khó khăn do các điều kiện khách quan như thiên tại, hỏa hoạn...

Trước thực tế trên, từ nhiều năm nay Bộ GD&ĐT chủ trương chỉ đưa ra khung kế hoạch thời gian năm học, còn kế hoạch cụ thể cho các trường sẽ do lãnh đạo chính quyền các địa phương tự quyết định. Thậm chí trong trường hợp đặc biệt, Chủ tịch UBND tỉnh/thành phố có thể kéo dài thời gian năm học so với khung mà Bộ GD&ĐT quy định.

Một cán bộ quản lý cấp vụ quản lý bậc học của Bộ GD&ĐT cho biết: “Bộ chỉ quy định ngày tháng cụ thể đối với các kỳ thi có tính chất quốc gia. Còn với các hoạt động cụ thể, Bộ chỉ đưa ra cái mốc sớm nhất hoặc muộn nhất, nghĩa là địa phương có thể tổ chức các hoạt động đó vào lúc nào là tuỳ thuộc vào điều kiện đặc thù của anh, miễn là nằm trong giới hạn thời gian Bộ GD&ĐT quy định”.

Theo quyết định về khung kế hoạch thời gian cho giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, giáo dục thường xuyên của Bộ GD&ĐT năm học 2010 – 2011, toàn bộ năm học được đóng khung trong mốc thời gian từ 1-8-2010 (sớm nhất) tới 31-5-2011 (muộn nhất), nghĩa là 43,5 tuần. Trong khi đó theo quy định, thời gian thực học của cấp tiểu học là 35 tuần, của cấp THCS và THPT là 37 tuần.

“Trong 35 tuần thực học của cấp tiểu học, Bộ GD&ĐT đã bố trí chương trình để các trường dư ra 2 tuần (mỗi học kỳ 1 tuần) tổ chức các hoạt động tập thể. Nếu vì điều kiện đặc biệt nào đó các trường vẫn còn 2 tuần dư này tổ chức dạy học các môn văn hoá cho học sinh”, bà Trần Thị Thắm, Phó Vụ trưởng Vụ GD Tiểu học, Bộ GD&ĐT nói.

Hiệu trưởng được chủ động cho học sinh nghỉ rét

Trao đổi với PV Tiền Phong, cán bộ chỉ đạo chuyên môn của các sở GD&ĐT ở một số tỉnh miền núi phía Bắc cho rằng, quy định khung kế hoạch năm học của Bộ đã giúp ngành giáo dục các địa phương chủ động trong việc chỉ đạo tổ chức dạy học dựa vào điều kiện địa lý – khí hậu đặc thù của địa phương.

“Bộ quy định Giám đốc Sở GD&ĐT cho học sinh được nghỉ học trong trường hợp thời tiết quá khắc nghiệt, thiên tai và bố trí học bù. Sở lại giao quyền này cho các Phòng GD&ĐT, Phòng thì giao quyền này cho các hiệu trưởng, không cần phải qua Phòng qua Sở nữa.

Phản ứng với thiên tai đòi hỏi phải có quyết định ngay lập tức, đợi báo cáo với Phòng, với Sở mới được cho học sinh nghỉ học thì các em chết rét mất”, ông Nông Trọng Trình, Trưởng phòng GD Tiểu học, Sở GD&ĐT Cao Bằng giải thích.

Vận dụng quy định mở của Bộ GD&ĐT, từ nhiều năm nay cấp tiểu học của các tỉnh miền núi phía Bắc dạy học chương trình của năm học mới từ giữa tháng 8: Cao Bằng từ 17-8, Lào Cai từ 18-8, Hoà Bình từ 16-8...

“Các tỉnh miền núi phía Bắc năm nào cũng phải cho học sinh nghỉ vì rét nên khi làm kế hoạch năm học, chúng tôi đều chủ động bố trí thời gian phù hợp. Nếu trước Tết quỹ thời gian dự phòng nghỉ rét cho học kỳ I chưa dùng tới chúng tôi sẽ sử dụng để thời gian nghỉ Tết của học sinh được kéo dài hơn”, ông Nguyễn Văn Đông, Trưởng phòng GD Tiểu học, Sở GD&ĐT Lào Cai nói.

Không chỉ tính toán để dành quỹ thời gian cho học sinh nghỉ rét, các địa phương miền núi phía Bắc đều chỉ đạo các trường lưu ý bố trí thời gian cho học sinh nghỉ Tết cổ truyền theo từng dân tộc của học sinh. Chẳng hạn, trong văn bản hướng dẫn kế hoạch năm học của Sở GD&ĐT Hoà Bình yêu cầu: “Riêng 2 xã Hang Kia và Pà Cò huyện Mai Châu cần bố trí để học sinh nghỉ Tết đồng bào H’Mông cuối tháng 12-2010”.

“Dù đợt rét năm nay kéo dài so với một vài năm gần đây nhưng các trường vẫn đủ thời gian dạy bù cho học sinh mà không cần phải học ca ba hay học bù vào thứ bảy, chủ nhật, ngày lễ - tết”, ông Nguyễn Văn Đông khẳng định.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG