“Chú mập lên báo rồi. Chú mập lên điện thoại rồi”. Nghe lũ trẻ con trong xóm reo lên như vậy, ông Dũng "cá viên chiên" về nhà hỏi và được cho xem những tấm ảnh con gái và cha trong ngày bế giảng năm học được đăng trên Fanpage trường học. “Sao cha được lên màn hình hả con? Sao cha không có răng, cha cười nhắm mắt vậy cũng được lên màn hình hả con. Ngộ con hen”, ông Dũng bất ngờ.
Hình bóng cha trong kỷ niệm thanh xuân
“Lên màn hình”, đó là cách ông Dũng "cá viên chiên? (tên thật là Hồ Xây Phát), trú xã Xuân Hưng, huyện Xuân Lộc, Đồng Nai nói về việc hình ảnh của ông và con gái Hồ Thanh Hiền đang được chia sẻ rất nhiều trên mạng xã hội.
Không phải là bộ ảnh cầu kỳ, đó chỉ là những tấm hình cô bé Hiền, nữ sinh lớp 11 Trường THPT Xuân Hưng và cha, người được gọi thân mật là “chú Dũng viên chiên” cười rạng rỡ trong ngày lễ tổng kết năm học, thế mà đủ chinh phục bao nhiêu trái tim.
Hồ Thanh Hiền là con gái út trong gia đình có ba chị em gái, cha bán cá viên chiên và kiêm thêm việc bơm bóng bay cho nhà trường trong dịp cuối năm, mẹ ở nhà làm hàng phụ cho cha bán. Suốt mười mấy năm qua, tất cả các ngày lễ khai giảng, tổng kết của ba chị em, cha đều tham dự. Chị gái của Hiền muốn chụp chung với cha tấm ảnh khi nhận tấm bằng tốt nghiệp đại học. Còn Hiền nghĩ, trong khoảng thời gian tươi đẹp nhất của mình với mái trường còn có hình bóng người cha, niềm tin và động lực để cô luôn cố gắng đèn sách. Hiền nhờ bác thợ ảnh nán lại vài phút trong buổi tổng kết năm học mới đây, chụp cho hai cha con giây phút bước cùng nhau trên sân trường, ngồi trong lớp học, trên ghế đá.
Nữ sinh 17 tuổi bộc bạch: “Cha mẹ là người động viên em nhiều nhất trong suốt những năm học. Ngày tổng kết, được nhận thưởng thì nụ cười của cha chính là phần thưởng lớn nhất và là điều em muốn thấy nhất. Sau này lớn lên, rất khó để em tìm lại những khoảnh khắc cha cười tít mắt như thế. Lúc xem hình, cha cười dữ lắm, cha nói cả đời cha không ngờ được đăng lên màn hình, được mọi người biết đến”.
“Cha không có răng, dép của cha buộc chằng chịt dây thép dây dù”
Hồ Thanh Hiền lớn lên đã được nghe câu chuyện về tuổi trẻ của cha và mẹ, bươn chải lam lũ trên núi rừng Đắk Lắk, cơm không đủ ăn, không có nhà cửa ổn định, mẹ vừa đẻ xong Hiền được vài ngày đã phải bồng bế cả ba bé gái trên người vượt núi vượt đèo mưu sinh. Sợ các con thất học, mù chữ, có một mảnh đất cha mẹ Hiền bán gấp, dù lỗ vốn, để về dưới Đồng Nai, mục tiêu lớn nhất chỉ là để 3 đứa con không ai mù chữ. “Mỗi khi học bài không vô, mỗi khi mệt mỏi, em nhớ tới câu chuyện ấy, thấy bản thân mình cố gắng không bằng một chút so với những hy sinh của cuộc đời cha”, Hiền nghẹn ngào.
Nữ sinh lớp 11 xúc động: “Cha làm đủ các công việc, tằn tiện nuôi ba chị em khôn lớn. Cha bị gãy răng mà nói mỗi cái răng mất từ 200.000 tới 700.000 nên ba không gắn, đành để sún hai cái hàm trên, lúc nào cha cũng cười ngại là "cha không có răng”.
Dép của cha mang vào muốn giật ngửa vì nó rách, cha buộc lại bằng dây thép dây dù, cộm lên rất đau, chị em mua dép mới cho cha nhưng cha cũng không mang. Cha nói, dép thế kia đi quen rồi, ai mà thèm mấy loại đó. Miệng nói "ai mà thèm" nhưng kẹp dép vào nách, cất đi, 2 năm rồi vẫn chưa dám mang, không dám để dép đụng đất. Khi em kêu cha chụp hình, cha bảo áo ba mồ hôi dơ, sao chụp được con…”.
Hiền muốn làm cô giáo dạy toán, nữ sinh ấp ủ ước mơ thi vào Trường ĐH Sài Gòn hoặc Trường ĐH Sư phạm TP.HCM để sau này có thể trở về Đồng Nai dạy học, ở gần cha mẹ lúc tuổi già. Giấc mơ đó, dù đang ở rất xa, nhưng Hiền tin, cô không đơn độc khi bên mình có các chị, có mẹ và một người cha hy sinh tất cả những gì đẹp nhất đời mình cho con.
Nữ sinh Trường THPT Xuân Hưng bồi hồi: “Ngày xưa, mỗi lần cha có việc đi xa là giấu mẹ đem em theo. Hai chị đã lớn đi học, đi làm hết, cha dành thời gian cho con gái út nhiều lắm. Dọc đường cha ghé nhiều quán, qua sông lớn cha dừng lại chụp hình cho em bằng chiếc điện thoại bấm nút, cũ mèm. Bây giờ cha vẫn xài chiếc đó, màn hình mờ, dán đầy băng keo. Em xin phép mua điện thoại mới cho cha mà cha không cho. Cha bảo, bấm nút quen, quẹt quẹt mấy cái cảm ứng rớt hai lần hư, ai mà thèm'. Cha nói từ “ai mà thèm”, em nhìn mặt sao mà thương quá…”.