Bàng hoàng phát hiện con “làm bạn” với thuốc lá
Vài tháng gần đây, cô T.T.H.Nga (38 tuổi, sống tại Thái Nguyên) thấy cậu con trai lớp 9 có biểu hiện lạ như thường xuyên dùng nước hoa, xin tiền nhiều hơn và không thích cho mẹ vào phòng của mình. Sợ con yêu sớm hoặc bị kẻ xấu rủ rê chơi bời, chị lén đến cổng trường canh chừng thì bắt gặp cảnh nam sinh này đang ngồi vắt chân chữ ngũ, phì phèo nhả khói. Sau một hồi tra hỏi, cậu mới thừa nhận hút thuốc lá để các bạn thấy... “mình không phải thằng hèn”.
Ảnh mang tính minh họa.
“Cô và chú thường xuyên nói với con không được đứng gần người hút thuốc lá từ khi còn bé. Khi con vào cấp Hai thì cũng dặn con không a dua hút sách theo bạn vì nó không phải hành động đẹp mà lại hại tới sức khoẻ. Thật không ngờ bố mẹ nói cả chục năm không bằng bạn khích vài giờ”, cô Nga đau xót nói.
Tương tự như cô Nga, chú N.V.Hùng (45 tuổi) cũng đau đầu không kém khi cậu “quý tử” hút thuốc vì... thất tình. Theo chú Hùng, có lẽ hình ảnh bố hút thuốc khi căng thẳng đã in vào đầu con trai từ bé nên khi gặp rắc rối trong chuyện tình cảm, học hành đã khiến cậu học sinh này tìm đến điếu thuốc để... xả stress.
Đi tìm nguyên nhân
Ở độ tuổi vị thành niên, hầu như các bạn học sinh không nắm được hết toàn bộ tác hại nghiêm trọng của hút thuốc lá hoặc biết nhưng không quan tâm. Các bạn thường hút thuốc do đặc điểm môi trường sống (gia đình có người hút thuốc, sống ở các khu vực an ninh phức tạp); đi học bị bạn bè rủ rê, khích tướng thì sẽ bắt chước hút để chứng tỏ mình là người lớn, tạo hình tượng lạnh lùng,...
Bên cạnh đó, sự bùng nổ của thuốc lá điện tử cùng những lời quảng cáo có cánh như: an toàn hơn thuốc lá, thơm miệng, không gây nghiện,... cũng khiến giới trẻ đem sức khoẻ đốt cháy cùng điếu thuốc.
Muôn kiểu phản ứng của các bậc phụ huynh
Từ khi phát hiện ra con hút thuốc, gia đình cô Nga, chú Hùng chỉ còn biết nhắc con về tác hại mà thuốc lá đem lại, cắt bớt tiền “viện trợ” hàng tháng để con không mua thuốc hút. Còn cậu học sinh này có hút “ké” bạn không, có thực sự bỏ được không thì chỉ bản thân cậu ấy biết.
Bà mẹ 3 con C.T.Huyền (Linh Đàm, Hà Nội) nhận định, các gia đình phải có thái độ cứng rắn từ đầu để trẻ sợ và không vi phạm. Còn nếu con hút thuốc thì phải có hành động quyết liệt để chúng cai nghiện chứ không thể nhân nhượng được.
Cô T.T.T.Hương (34 tuổi) sống tại Thủ đô Budapest, Hungary chia sẻ: “Khi con trai còn bé, cô thường xuyên giải thích bằng các câu chuyện cụ thể để con hiểu, cho con xem ảnh để con sợ. Nếu sau này phát hiện con hút thuốc, chắc chắn vợ chồng cô sẽ phản đối quyết liệt và cho con thấy những minh chứng bị bệnh do thuốc lá. Cô không cấm đoán, ép buộc mà chỉ giải thích để con hiểu và biết được hậu quả trầm trọng mà nó mang lại. Cô hướng tới việc giải thích đúng và sát như một nhà khoa học vậy chứ không giải thích như một người lớn tuổi dành cho trẻ em”.
Các biện pháp để trẻ cai nghiện thuốc lá
Đối với học sinh chưa hút thuốc, cần phải tích cực giải thích để trẻ tránh được việc thử hút thuốc.
Đối với học sinh đã hút thuốc, các bậc phụ huynh cần:
- Không đánh mắng đây là phương pháp phản tác dụng ở độ tuổi mới lớn. Cả gia đình nên cùng con cai thuốc, tránh để trẻ cảm thấy mình đang bị trừng phạt hay cô độc.
- Cho trẻ tham gia các hoạt động vui chơi, tập luyện lành mạnh cũng như xem xét lại các vấn đề về tâm lý cá nhân.
- Những người hút thuốc trong gia đình nên chủ động bỏ thuốc để trở thành tấm gương cho trẻ học theo.