Công bằng với… loa phường

0:00 / 0:00
0:00
TP - Vào một tối mùa hạ trong thời chiến tranh, tôi đã đi cùng cha mình trên một đoạn phố ở thị xã Hà Đông. Hồi ấy, buổi tối thị xã yên tĩnh vô cùng. Chợt một bài hát từ hệ thống loa truyền thanh thị xã vang lên. Lúc đó, một cảm xúc kỳ lạ tràn ngập tôi. Và cảm xúc đó theo tôi mãi trong ký ức.

Rất nhiều người trong đó có tôi khó mà quên được hình ảnh những người dân đứng quanh một chiếc cột loa truyền thanh để nghe những tin tức quan trọng từ chiến trường miền Nam. Nếu hôm nào hệ thống loa truyền thanh thị xã không phát, người ta có cảm tưởng một người thân của mình đi đâu đó chưa về. Ngày ấy, nếu không có hệ thống loa truyền thanh thì người dân sẽ chẳng biết tin tức về tình hình đất nước ra sao và thị xã thật buồn tẻ vào các buổi tối vì không mấy gia đình có đài để nghe.

Sau năm 1975, một lượng đài cát-xét rất lớn từ Sài Gòn đổ về Hà Nội. Hầu như nhà nào cũng phải tìm cách có một chiếc để nghe tin tức, ca nhạc, kịch tối thứ 7…Còn bây giờ, cho dù bạn có một loại đài hiện đại đến thế nào thì bạn cũng trở thành kẻ lạc hậu. Công nghệ thông tin truyền thông phát triển đến không tưởng. Bạn chỉ cần có một chiếc điện thoại thông minh là đủ giải quyết mọi yêu cầu xem, nghe, nhìn…tin tức ở bất cứ nơi đâu, bất cứ lúc nào. Điều kiện sống, điều kiện sinh hoạt, giải trí và cả quan niệm về truyền thông cũng hoàn toàn thay đổi. Nhưng kỳ lạ thay, có một thứ vẫn không hề thay đổi cho dù người dân đã luôn luôn lên tiếng phản đối. Đó là LOA PHƯỜNG.

Hệ thống phát thanh mà tôi nói đến trong chiến tranh và ít năm sau hòa bình bây giờ được gọi là loa phường. Thuật ngữ loa phường mặc định cho sự ồn ào và trở thành nỗi ám ảnh hầu hết người dân. Nhiều nhà nghiên cứu tâm lý cho rằng: loa phường chính là một trong những thứ “rác’’ của môi trường âm thanh-rác tiếng ồn.

Có những lúc, người ta phải nghe một thứ giọng kỳ lạ không tiếng nào ra tiếng nào giữa tiếng xe trên phố, tiếng tivi trong nhà và những âm thanh khác. Loa phường lúc ấy không làm được bất cứ chức năng thông tin nào mà trở thành sự mệt mỏi của người dân. Có những loa phường “mê mải’’ đọc một văn bản dài cả chục trang. Người đọc cứ đọc cho xong nhiệm vụ, còn người nghe thì phải chịu đựng từng ấy phút. Thực tế hiện nay mọi nhà đều có điện thoại và tivi. Mọi tin tức quan trọng của đất nước đều đến được mọi gia đình. Còn thông tin của riêng phường xã thì trong thời đại 4.0 này có đủ cách để chuyển tải.

Vừa rồi đọc báo thấy Hà Nội có kế hoạch phục hồi loa phường thì bao người dân hoảng hốt. Kế hoạch này hình như có từ một hai năm trước. Loa phường “lác đác’’ còn mệt mỏi thế mà “hoàn thiện’’ và “nâng cao’’ hệ thống loa phường nữa thì không biết khủng khiếp như thế nào khi mà không hiểu được lợi ích thật sự của hệ thống truyền thanh này có cần được sử dụng trong thời đại này nữa không và sử dụng cho mục đích gì.

Trên thế giới và đặc biệt những nước tiên tiến chẳng một nước nào dùng loa phường như Hà Nội. Họ có hệ thống truyền thanh công cộng từ đại chiến thế giới thứ 2 và biến mất sau đại chiến. Họ không có loa phường nhưng người dân nắm được mọi thông tin quan trọng và cần thiết của chính quyền.

Tất nhiên có một số nước vẫn dùng hệ thống truyền thanh này, nhưng chỉ để thông báo khẩn cấp cho người dân về một sự vụ nào đó để tránh được những thiệt hại không đáng có.

Có những thứ chỉ có tác dụng và thân thuộc trong thời của nó. Nhưng khi bước sang một thời đại khác thì nó chỉ là ký ức, cho dù là một ký ức đẹp. Loa phường là một ví dụ chính xác nhất. Hãy nghĩ tới nhu cầu thực sự của người dân, đừng vì một phong trào và cách hiểu sai về truyền thông mà bắt người dân chịu thêm sự “tra tấn’’ của “rác tiếng ồn’’. Trong khi đó nhiều vẻ đẹp của Hà Nội đang rời bỏ thì chúng ta không hề thấy thái độ gì.

MỚI - NÓNG