Cộng đồng mạng tranh cãi gay gắt về hình ảnh cây phượng bị “cách ly” giữa sân trường

HHT - Sau khi đăng tải lên mạng xã hội, hình ảnh cây phượng lớn nằm giữa sân trường hiu quạnh, xung quanh cây được kéo dây niêm phong đã nhận về nhiều phản ứng trái chiều của cộng đồng mạng.

Thời gian gần đây, liên tiếp những cây cối lâu năm bị bật gốc, đổ ngay trong khuôn viên sân trường ở nhiều địa phương trên cả nước. Thương tâm nhất là vụ cây phượng bật gốc trong sân trường THCS Bạch Đằng ở Q.3, TP.HCM vào ngày 26/5 vừa qua khiến 18 học sinh bị thương, trong đó có một em học sinh không may đã thiệt mạng.

Lo lắng việc những cây khác trong trường sẽ trở thành "hung thần" đe dọa sự an toàn của học sinh, sinh viên và nhiều người khác, không ít địa phương đã yêu cầu các trường học tăng cường chăm sóc cây xanh, kiểm tra tình hình sinh trưởng của cây, đặc biệt là với cây phượng vĩ với khả năng mục rỗng thân và gốc rất cao.

Mới đây, trong hội nhóm về học tập trên mạng xã hội, dân tình đã và đang truyền tay nhau một hình ảnh mà thoáng qua trông có vẻ buồn cười nhưng kì thực lại để lại nhiều suy nghĩ. Đó là bức ảnh cây phượng vĩ lớn nằm giữa sân trường hiu quạnh, xung quanh được kéo dây niêm phong, ngăn không cho ai tới gần. Chủ nhân của bức hình này chia sẻ với một tâm trạng dở khóc dở cười: "Mới học tiết 4 xong ra đã thấy cái cảnh cây phượng niêm phong".

Cộng đồng mạng tranh cãi gay gắt về hình ảnh cây phượng bị “cách ly” giữa sân trường ảnh 1

Cây phượng bị niêm phong để kiểm tra tình hình sinh trưởng. (Ảnh: Group Trường Người Ta)

Với phần thân khá lớn cùng những tán xòe rộng, có lẽ cây phượng này phải tới hàng chục năm tuổi. So với diễn biến tình hình vừa qua, việc niêm phong cây phượng để kiểm tra tình trạng cây, đặt kế hoạch tỉa thưa cành, làm quang vòm lá là cần thiết. Có lẽ cây phượng này cũng đang trong quá trình "khám sức khỏe" nhằm đảm bảo được sự an toàn cho học sinh, cán bộ, giáo viên qua lại trên sân.

Tuy vậy, hình ảnh cây phượng cô đơn giữa sân trường, phải đối diện với nguy cơ bị chặt bỏ đã khiến nhiều học sinh không khỏi chạnh lòng.

"Hy vọng cái cây sẽ ổn. Tỉa bớt cành đi cũng được, nhưng mong cây sẽ không bị chặt. Tiếc lắm, thương lắm. Mùa Hè này học sinh phải tới trường, mà không thấy bóng cây phượng thì còn gì là mùa Hè" - Tài khoản G.L bình luận.

"Hết mùa cách ly COVID-19 thì tới mùa cách ly cây phượng, cây bàng. Cây này mà chặt là phí lắm. Cây đẹp như thế này cơ mà" - bạn Minh K. chia sẻ.

Facebook Nga Nguyen thì cho rằng: "Thời điểm không có học sinh tới lớp thì nhà trường có thể cho kiểm tra cây mà, đâu nhất thiết phải "niêm phong" như thế này. Cây cối cho con người bóng mát, hơn nữa cây phượng lại còn mang tính biểu tượng đối với thế hệ học trò. Nhìn cảnh này thấy buồn thực sự".
MỚI - NÓNG
Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn: Học Bác phải thể hiện bằng hành động, việc làm cụ thể
Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn: Học Bác phải thể hiện bằng hành động, việc làm cụ thể
HHT - Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn Bùi Quang Huy nhấn mạnh, để thực hành tốt tư tưởng, đạo đức, phong cách của Bác trước hết chúng ta phải hiểu, nắm rõ nội dung của tư tưởng, nội dung của phong cách, đạo đức của Người. Nhưng ngược lại, nếu đã thấm nhuần tư tưởng, đạo đức, phong cách của Bác nhưng lại không hành động, không cụ thể hóa bằng những việc làm thì quá trình học tập đó là học suông, là vô nghĩa.

Có thể bạn quan tâm

Phó Chủ tịch Hội SVVN TP.HCM đại diện tuổi trẻ Việt Nam báo công tại Lăng chủ tịch Hồ Chí Minh

Phó Chủ tịch Hội SVVN TP.HCM đại diện tuổi trẻ Việt Nam báo công tại Lăng chủ tịch Hồ Chí Minh

HHT - Thay mặt các đại biểu dự Đại hội thanh niên tiên tiến làm theo lời Bác, bạn Nguyễn Thị Châu Anh - Phó Chủ tịch Hội SVVN TP.HCM, Sinh viên trường Đại học Quốc tế - Đại học Quốc gia TP.HCM phát biểu báo công và kính dâng lên Bác những tình cảm sâu sắc nhất của thế hệ trẻ.